(Baothanhhoa.vn) - Trên những rẻo cao, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, nhất là đồng bào Mông ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa vẫn muốn giữ lại những “lệ làng” như bắt vợ, anh chị em nhưng khác họ vẫn có thể nên vợ nên chồng... Hủ tục ấy chính là gốc rễ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, để rồi dẫn đến hệ lụy về giống nòi, gánh nặng đói nghèo, thất học “truyền kiếp”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xóa bỏ “Phép vua thua lệ làng” nơi Cổng Trời: Bài 1- Hủ tục - gốc rễ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trên những rẻo cao, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, nhất là đồng bào Mông ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa vẫn muốn giữ lại những “lệ làng” như bắt vợ, anh chị em nhưng khác họ vẫn có thể nên vợ nên chồng... Hủ tục ấy chính là gốc rễ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, để rồi dẫn đến hệ lụy về giống nòi, gánh nặng đói nghèo, thất học “truyền kiếp”.

Xóa bỏ “Phép vua thua lệ làng” nơi Cổng Trời: Bài 1- Hủ tục - gốc rễ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình đến đồng bào Mông bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Ảnh: TH

Lời ru buồn của các em gái Mông

Nằm cheo leo trên đỉnh Cổng Trời, bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, có 78 nóc nhà với 425 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Từng có thời gian dài bản Khằm 1 mịt mùng trong đói nghèo, tệ nạn ma túy và tình trạng tảo hôn. Bên những ngôi nhà vách gỗ lợp bờ lô xi măng, các “bà mẹ” ở độ tuổi cắp sách đến trường địu con trên lưng, tay bế tay bồng với ánh mắt xa xăm nhìn về phía núi. Làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như chiếc vòng “kim cô” khóa chặt ước mơ, tương lai của nhiều em gái Mông nơi Cổng Trời Trung Lý.

Lúc còn cắp sách đến trường, Vàng Thị Pia có ước mơ sau này trở thành cô giáo dạy chữ cho con em trong bản. Thế nhưng, khi em bước sang tuổi 15 đã bị Giàng A Lềnh - người cùng bản, bắt về làm vợ. Kết hôn sớm, mới 20 tuổi, Vàng Thị Pia đã có 3 mặt con. Trong khi đứa nhỏ nhất còn đang bú, thì Vàng Thị Pia đã mang bầu đứa thứ 4 được 6 tháng. Hỏi chuyện, Vàng Thị Pia thẹn thùng nói: “Cán bộ xã và tr­ưởng bản đến nhà khuyên phải sử dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch, nhưng thích đông con nên vợ chồng tao vẫn đẻ!”. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với cái lý lẽ rất đỗi hồn nhiên của Vàng Thị Pia. Không công ăn việc làm, lại đông con, dẫn đến đời sống của gia đình Vàng Thị Pia luôn trong cảnh thiếu trước, hụt sau và phải trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Căn nhà vốn tềnh toàng càng trở nên trống trải khi bên trong không có một vật dụng nào đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ rích. Gia đình Vàng Thị Pia cũng có hơn 3 sào đất nương để trồng ngô nhưng do chưa biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chủ yếu trông vào “ông trời”, nên năm nào mưa thuận gió hòa thì có vài tạ ngô tích trữ để nấu mèn mén; nếu gặp mưa bão, bị sâu bệnh thì coi như mất trắng. Đói nghèo nên mấy đứa nhỏ cũng không được đến lớp, đến trường học chữ.

Rời bản Khằm 1, chúng tôi đến Tà Cóm - bản có nhiều cái không nhất xã Trung Lý: không điện, không đường, không trạm y tế, không sóng điện thoại và điều kiện sinh sống thiếu thốn trăm bề khiến 105 hộ đồng bào Mông nơi đây quẩn quanh trong đói nghèo. Trong bản có gần 90% hộ nghèo. Dọc đường vào bản, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ ngây thơ, nhem nhuốc đang hồn nhiên vui đùa trên bãi đất ven nhà. Thế giới của chúng dường như bó hẹp trong cái bản Tà Cóm nghèo khó này. Mới 20 tuổi nhưng Thào A Thái trông đen đúa, gày gò và già nua, bởi gánh nặng cuộc sống hàng ngày. Năm 16 tuổi, Thào A Thái lấy Hờ Thị Vay. Kết hôn, sinh con ở độ tuổi còn ham ăn, ham chơi và nương tựa vào cha mẹ, nên khi ra ở riêng gia đình Thào A Thái thuộc diện nghèo nhất bản Tà Cóm. Gia tài lớn nhất của vợ chồng Thào A Thái là căn nhà gỗ thấp lè tè lợp bờ lô xi măng, vài chỗ đã thủng, ánh nắng xuyên qua lộ rõ trong nhà không có vật dụng nào đáng giá ngoài chiếc giường kê ở góc nhà. Học hành không đến nơi đến chốn nên cơ hội tìm việc làm của em vô cùng khó khăn. Trong điều kiện của bản Tà Cóm còn nhiều cái không, xem ra nhà Thào A Thái còn rất lâu nữa mới thoát được nghèo. Ông Thào A Thái, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tà Cóm cho biết: “Trước năm 2015, tình trạng tảo hôn trong bản khá phổ biến. Nhiều nhà sinh từ 3 đến 5 con. Con gái trong bản khoảng 14, 15 tuổi ch­ưa có ng­ười để ý coi như­ ế. Cho đến 2 năm vừa qua, thì bản chỉ còn 2 cặp vợ chồng kết hôn trước 18 tuổi”.

Cách trung tâm xã Tam Chung khoảng 4 km, bản Suối Phái có điều kiện thuận lợi về thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa. Dẫu vậy, nhiều năm qua, tại bản Suối Phái vẫn tồn tại tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn. Bản có 95 hộ đồng bào Mông sinh sống, trong đó, có nhiều cặp vợ chồng kết hôn chưa đủ tuổi vị thành niên. Nghe người dân trong bản kể chuyện về vợ chồng Giàng A Táo 2 lần sinh con đều chết yểu khiến chúng tôi quặn lòng xót xa. Trong tâm trạng buồn bã, Giàng A Táo chia sẻ: “Vợ chồng tôi cũng không biết sao, chỉ biết con chào đời chưa đủ tháng là con lại không sống được...”. Tìm hiểu chúng tôi mới biết, khoảng 5 năm trước, Giàng A Táo đã bỏ học để cưới em con nhà cô ruột về làm vợ. Phải chăng cuộc hôn nhân cận huyết thống là căn nguyên nhân dẫn đến các con của vợ chồng Giàng A Táo không có duyên ở cuộc sống này?!

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2016, toàn vùng dân tộc miền núi có 1.207 cặp tảo hôn; 86 cặp hôn nhân cận huyết thống. Bình quân hàng năm có từ 250 đến gần 400 cặp tảo hôn và có hơn 20 cặp kết hôn cận huyết thống, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn... Riêng huyện Mường Lát, giai đoạn 2014-2018, có 50 trường hợp tảo hôn và 14 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tập trung chủ yếu ở các bản đồng bào Mông.

Thay đổi nếp nghĩ

Xã Trung Lý có khoảng 1.300 hộ dân, với 6.397 nhân khẩu, sinh sống ở 15 bản. Trong đó, có 11 bản đồng bào Mông, chiếm khoảng 72% tổng dân số toàn xã. Ngược dòng thời gian khoảng 11 năm về trước, xã Trung Lý có đến 12 bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ. Việc có nhiều bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nhất là công tác tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Mông nơi đây. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều bản đồng bào Mông trên địa bàn xã luẩn quẩn trong đói nghèo và những hủ tục.

Nhưng, đó là chuyện thời quá vãng! Bởi những đảng viên gương mẫu, tiên phong đã vượt qua “rào cản” của hủ tục để xây dựng nếp sống văn hóa mới. Theo chân anh Vàng A Sùng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Khằm 1, chúng tôi đến nhà văn hóa bản. Mặc dù trời mưa rất to và có phần mệt nhọc do vừa lên nương về, nhưng già trẻ, trai gái trong bản vẫn có mặt đông đủ ở nhà văn hóa bản để nghe anh Bí thư chi bộ, Trưởng bản “8X” tuyên truyền về hôn nhân và gia đình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Vừa đến cửa nhà văn hóa, anh Vàng A Sùng đã tay bắt mặt mừng với bà con như người thân trong gia đình. Để bà con, trai gái trong bản dễ hiểu, anh lấy chính câu chuyện của bản thân kể cho mọi người nghe. Năm 2010, Vàng A Sùng lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Như một cơ duyên, đơn vị anh đóng quân lại chính là Đồn Biên phòng Trung Lý. Được sự giúp đỡ của Trung tá Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Trung Lý, anh được cử đi học lớp cảm tình Đảng. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương Vàng A Sùng tích cực tham gia các phong trào, nhất là các hoạt động tình nguyện của đoàn thanh niên xã Trung Lý. Tháng 5-2012, Vàng A Sùng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với sự chịu khó, luôn tận tâm với công việc chung của cộng đồng, tháng 9-2012, anh được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng bản Khằm 1. Niềm vui nhân lên, cuối năm 2012, Vàng A Sùng lập gia đình. Với chất giọng còn lơ lớ tiếng phổ thông, anh nói với bà con dân bản: “Buồn lắm, ở bản mình vẫn còn một số người giữ quan niệm càng sinh nhiều con, càng có nhiều ng­ười đi nương, đi rẫy. Trai gái cứ thấy ưng cái bụng là về ở với nhau, rồi sinh con đẻ cái, đứa nọ nối tiếp đứa kia, lít nha, lít nhít. Nhà Vàng A Sùng đây chỉ sinh 2 con, vợ chồng khuyên nhau nuôi trâu, nuôi bò, trồng rừng, trồng lúa nước để có tiền nuôi con ăn học. Vụ thu mùa vừa rồi, cả lúa nương, lúa nước, nhà Vàng A Sùng thu hoạch được gần 2 tấn, tương đương 50 bao lúa. Có của ăn của để, khi cần có thể bán lấy tiền lo việc trong gia đình”.

Từ những buổi tuyên truyền như cách làm của Bí thư chi bộ, Trưởng bản Khằm 1 Vàng A Sùng, tư tưởng, nhận thức của đồng bào Mông địa phương đã được nâng lên và thay đổi rõ rệt. Bà con trong bản hiểu được hệ lụy không tốt do việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống sẽ để lại cho thế hệ sau, như: sinh con thiếu dinh dưỡng, thấp còi, kém thông minh. “Cuộc chiến” xóa bỏ những hủ tục ở bản Khằm 1 cũng bắt đầu có tín hiệu khả quan. Năm 2020, trong bản không có trường hợp nào kết hôn khi chưa đủ tuổi vị thành niên, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt. Em Giàng Seo Lềnh chia sẻ: “Mình là người lập gia đình sớm, khi hai vợ chồng có con thì không biết chăm sóc, kinh tế không biết lo, tất cả mọi công việc đều do bố mẹ đỡ giúp. Mình mong lớp thanh niên trong bản, trong xã đừng có lấy vợ, lấy chồng sớm như mình...”.

Chị Trương Thị Huyền, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: “Với mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, nhất là các bản đồng bào Mông, Khơ Mú, thực hiện chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, huyện Mường Lát đã tập trung triển khai sâu rộng Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” trên địa bàn 8 xã, thị trấn. Từ 2018 đến 2020, huyện đã tổ chức 10 cuộc tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 7 bản đồng bào Mông, thuộc các xã Trung Lý, Mường Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu và 2 bản đồng bào Khơ Mú của xã Mường Chanh, thị trấn Mường Lát, với 1.350 người tham gia. Cùng với việc cấp phát 3.200 cuốn sổ tay hỏi đáp về Luật Hôn nhân và Gia đình, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện còn phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức xã làm công tác dân số, bí thư chi bộ, trưởng các bản, khu phố, người có uy tín để làm “hạt nhân” tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến đồng bào DTTS về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy, trong năm 2020, trên địa bàn huyện Mường Lát không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống; tình trạng tảo hôn có chiều hướng giảm dần, từ 26 cặp tảo hôn năm 2016, giảm xuống còn 23 cặp tảo hôn năm 2020.

Không riêng ở huyện Mường Lát, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, các huyện miền núi trong tỉnh đã xây dựng 23 mô hình “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong cộng đồng, trường học. Đồng thời, tổ chức được 3 hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến 240 đại biểu là cán bộ làm công tác truyền thông xã và thôn, bản của 3 huyện vùng cao Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa; phát hành 7.805 áp phích, 33.450 tờ rơi, 11.150 sổ tay tuyên truyền, lắp đặt 232 pa nô trên địa bàn 223 xã miền núi. Qua đánh giá kết quả 5 năm thực hiện đề án của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các huyện miền núi đã giảm đáng kể. Đến cuối năm 2020, giảm xuống còn 67 cặp tảo hôn và không còn hôn nhân cận huyết thống.

“Cuộc chiến” đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa còn gian nan, lâu dài, bởi những hủ tục đã ăn sâu, bám rễ qua nhiều thế hệ. Mặt khác, việc lấy vợ, lấy chồng của con em vùng dân tộc vẫn phụ thuộc người đứng đầu trong gia đình, dòng họ; đồng bào Mông vẫn mang nặng quan niệm trai gái cứ khác họ là lấy nhau đ­ược, dẫu đó là con cô, con cậu. Một số bộ phận người dân còn tư tưởng: Quan hệ anh em càng gần thì khi con cái lấy nhau càng dễ sai bảo, dễ thông cảm và th­ương yêu nhau nhiều hơn. Nhà ai không may khi sinh con có các biểu hiện khuyết tật, không có khả năng nhận thức, bị chết yểu, là do ma làm hoặc trời trừng phạt.

Bài 2: Không để “con ma hủ tục” có đất sống.

Trần Thanh - Minh Hiếu


Trần Thanh - Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]