(Baothanhhoa.vn) - Sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của phong trào cách mạng ở xứ Thanh. Để rồi, từ khi có Đảng lãnh đạo, con đường đấu tranh của Nhân dân Thanh Hóa đã trở nên rõ ràng và nhanh chóng hòa vào dòng chảy lịch sử dân tộc!

Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29-7-1930 – 29-7-2022)

Phát huy truyền thống vẻ vang, nhân lên khát vọng phát triển!

Sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của phong trào cách mạng ở xứ Thanh. Để rồi, từ khi có Đảng lãnh đạo, con đường đấu tranh của Nhân dân Thanh Hóa đã trở nên rõ ràng và nhanh chóng hòa vào dòng chảy lịch sử dân tộc!

Phát huy truyền thống vẻ vang, nhân lên khát vọng phát triển!Toàn cảnh Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ. Ảnh: tư liệu

Tự hào truyền thống

Những năm đầu thế kỷ XX, khi guồng quay bộ máy cai trị đã được thực dân Pháp vận hành trơn tru, thì bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Đông Dương - như cách ví von đầy hình ảnh của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc - chẳng khác nào “một con nai béo mập bị trói chặt và đang hấp hối dưới cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no”. Thanh Hóa với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn nhân lực dồi dào, được xem là “miếng bánh” béo bở cho bè lũ xâm lược. Bởi thế, cho đến trước năm 1930, thực dân Pháp đã triệt để khai thác Thanh Hóa trên quy mô ngày càng lớn, mức độ ngày càng tăng. Song, đi đôi với việc đặt ách đô hộ và bóc lột tài nguyên, sức lao động, thì thực dân Pháp cũng ra sức kìm hãm phát triển và lũng đoạn các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp... Thực trạng ấy đã khiến cho bộ mặt chính trị, kinh tế, xã hội của xứ Thanh bấy giờ có sự thay đổi tương đối rõ nét. Đồng thời, mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt, đòi hỏi cần phải giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử.

Trước bối cảnh ấy, từ năm 1925, nhiều người con tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của Nhân dân Thanh Hóa như Lê Mạnh Trinh, Đinh Chương Dương... đã đi khắp nơi với mong muốn tìm ra con đường đấu tranh hiệu quả. Đây cũng là thời gian tại thị xã Thanh Hóa đã diễn ra nhiều hoạt động yêu nước, nhất là trong học sinh, thanh niên như đòi nhà cầm quyền thả cụ Phan Bội Châu, đòi được để tang cụ Phan Chu Trinh, hoặc tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5... Song, tất cả các hoạt động ấy đều thất bại, hoặc bị hạn chế do thiếu một chính Đảng dẫn đường. Trước đòi hỏi khách quan của lịch sử, tại Thanh Hóa, hai tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và Tân Việt cách mạng Đảng đã ra đời. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều người con ưu tú của Thanh Hóa được đón nhận ánh sáng Chủ nghĩa Mác-Lênin và chuyển từ lập trường yêu nước sang lập trường vô sản. Đặc biệt, hoạt động tích cực của hai tổ chức này được xem là sự chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Thanh Hóa.

Bấy giờ, trên phạm vi cả nước, trước yêu cầu phải thống nhất các tổ chức yêu nước, được sự ủy nhiệm của Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã bí mật từ Thái Lan về Trung Quốc, triệu tập hội nghị đại biểu của các tổ chức cộng sản để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Dưới sự chủ tọa của Người, ngày 3-2-1930, hội nghị đã thống nhất thành lập một chính Đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu "một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta. Nó chứng tỏ rằng, giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và có đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Xứ ủy Bắc Kỳ đã đặc biệt quan tâm đến việc thành lập tổ chức cộng sản ở Thanh Hóa. Đồng chí Lê Công Thanh (Xứ ủy viên) được Xứ ủy cử về bắt mối, liên lạc với các hội viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Thanh Hóa để truyền đạt chủ trương của Xứ ủy. Ngày 18-6-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp về Đông Sơn, bắt mối với cơ sở Hàm Hạ và tổ chức kết nạp Đảng Cộng sản cho 3 đồng chí. Ngày 25-6-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa đã được tiến hành.

Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp cũng đến Thiệu Hóa, gây dựng và kết nạp một số đồng chí vào Đảng. Tháng 7-1930, tại làng Phúc Lợi, xã Thiệu Tiến, chi bộ Đảng đầu tiên của Thiệu Hóa ra đời. Đến cuối tháng 7, tại làng Yên Trường (Thọ Xuân), chi bộ Đảng ở đây cũng được thành lập. Như vậy, đến cuối tháng 7-1930, tại Thanh Hóa đã có 3 chi bộ cộng sản được thành lập. Đây chính là điều kiện về tổ chức và tư tưởng để tiến tới việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Ngày 29-7-1930, hội nghị đại biểu của 3 chi bộ được tổ chức tại làng Yên Trường, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp. Hội nghị đã bàn công tác phát triển Đảng, gây dựng các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Công hội đỏ, Phụ nữ giải phóng... và lấy tờ báo “Tiến lên" làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ. Hội nghị đã tuyên bố thành lập tỉnh Đảng bộ, bầu Ban Chấp hành gồm 3 đồng chí, do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư.

Có thể nói, sự ra đời của Đảng bộ Cộng sản tỉnh Thanh Hóa ngày 29-7-1930 là “một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào cộng sản ở tỉnh nhà". Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ Cộng sản tỉnh Thanh Hóa đã giương cao ngọn cờ lãnh đạo giai cấp công nhân và Nhân dân lao động trong tỉnh, tiếp tục con đường cách mạng. Điển hình là các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và nhất là sau Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941), Thanh Hóa đã sớm tiếp nhận chủ trương của Đảng về thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa vũ trang. Sự ra đời của chiến khu Ngọc Trạo, đội du kích Ngọc Trạo đã đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào cách mạng tại Thanh Hóa. Nhờ vậy mà cao trào kháng Nhật cứu nước do tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa phát động đã phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, một trong những dấu son khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của Đảng bộ Cộng sản tỉnh Thanh Hóa là lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền. Vận dụng nghiêm túc và linh hoạt chỉ thị của Mặt trận Việt Minh, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thực hiện đoàn kết dân tộc rộng rãi... Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa đã diễn ra nhanh, gọn trong vòng một tuần. Đây là cuộc nổi dậy giành chính quyền ít đổ máu và hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Với quyết tâm không gì lay chuyển “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thanh Hóa trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho khắp các chiến trường. Đặc biệt, với chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã đóng góp tới gần 5.000 tấn gạo, gần 550 tấn thực phẩm. Trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa còn là mảnh đất “chia lửa” cho mặt trận, với cái tên Hàm Rồng - Nam Ngạn sẽ mãi tạc vào sử xanh như một trong những thiên anh hùng ca bất tử... Có thể khẳng định, những kỳ tích của quân và dân Thanh Hóa trong thời đại Hồ Chí Minh là minh chứng hùng hồn và thuyết phục nhất cho vai trò, sứ mệnh lịch sử và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngay từ buổi đầu thành lập.

Viết tiếp tương lai

Sau khi “giang sơn thu về một mối”, cùng với cả nước, Thanh Hóa bắt tay thực hiện công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết lại quê hương trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như tâm nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời. Đặc biệt, từ khi bước vào công cuộc đổi mới - một quá trình đầy thách thức, đòi hỏi “người chèo lái” phải quyết tâm, nỗ lực rất lớn, nhằm đưa “bánh xe đổi mới” từng bước vượt con dốc gập ghềnh của sự bảo thủ, trì trệ - gắn với thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII, XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII, XIX, bằng nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng.

Đó trước hết là những con số tăng trưởng ấn tượng, đã góp phần nâng cao vị thế của Thanh Hóa trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 12,1% (gấp 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015). Quy mô GRDP năm 2020 đạt 131.199 tỷ đồng (gấp 1,77 lần năm 2015), đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người đạt 2.616 USD (gấp 1,8 lần năm 2015). Một diện mạo mới, hiện đại và đầy sức sống đang được định hình nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ và là thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có sự chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên...

Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội hết sức quan trọng kể trên tiếp tục là minh chứng về tầm nhìn và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Một trong những nguyên nhân căn bản của thành tựu đã được chỉ ra và nhiều lần khẳng định, đó là tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ, trong Nhân dân được tăng cường. Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa từ khi ra đời đã gắn bó máu thịt với Nhân dân. Trên “đôi cánh” là sức mạnh của Nhân dân được thôi thúc bằng tinh thần đoàn kết, Đảng ta đã làm nên những kỳ tích diệu kỳ. Để rồi, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục nắm lấy kim chỉ nam là tinh thần đoàn kết để thôi thúc tinh thần sáng tạo, đổi mới và khát vọng phát triển thịnh vượng.

Tròn 92 năm kể từ ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, trong cuốn sử vàng chống ngoại xâm của Nhân dân xứ Thanh đã ghi lại vô số chiến công hiển hách và những thành quả phát triển “chưa từng có tiền lệ”. Qua đó, góp phần cùng cả nước mở ra thời đại mới: Thời đại dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, suốt 75 năm phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ, rằng “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, có lẽ chưa khi nào mà khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc cho quê hương, đất nước lại được khơi dậy mạnh mẽ như lúc này. Song, một tư duy đổi mới, gắn với tinh thần chủ động, sáng tạo và khát vọng vươn lên, chỉ có thể được thôi thúc và hiện thực hóa khi toàn Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, đặt trọng tâm vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, nhất là văn hóa trong thực thi công vụ, văn hóa phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]