(Baothanhhoa.vn) - Đã 90 tuổi, có những chuyện nhớ nhớ, quên quên nhưng duy cái cảm xúc được gặp Bác Hồ thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của cặp vợ chồng ông Hoàng Tiến Lực và bà Hoàng Thị Hồng, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Đó là kỷ niệm quý giá ông, bà đã lưu giữ trọn cả cuộc đời và “trao truyền” lại cho thế hệ hôm nay qua những lời kể về Bác thật ý nghĩa và sâu sắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ về Bác kính yêu

Đã 90 tuổi, có những chuyện nhớ nhớ, quên quên nhưng duy cái cảm xúc được gặp Bác Hồ thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của cặp vợ chồng ông Hoàng Tiến Lực và bà Hoàng Thị Hồng, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Đó là kỷ niệm quý giá ông, bà đã lưu giữ trọn cả cuộc đời và “trao truyền” lại cho thế hệ hôm nay qua những lời kể về Bác thật ý nghĩa và sâu sắc.

Nhớ về Bác kính yêu

Vợ chồng ông, bà Hoàng Tiến Lực, Hoàng Thị Hồng ôn lại kỷ niệm về lần đầu được gặp Bác.

Khi nhắc đến kỷ niệm được gặp Bác Hồ, cả ông và bà đều rất tự hào và phấn khởi. Trong câu chuyện kể của bà Hồng, giây phút được nhìn thấy Bác, được nghe những lời căn dặn từ Bác cho đến nay chưa lúc nào bà quên. Bà nhớ lại: Năm 1957, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Nhân dân Thanh Hóa vinh dự được đón Bác về thăm. Bác đã có buổi nói chuyện với đại biểu cán bộ và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Khi ấy, mỗi xã được cử vài người tiêu biểu đi dự buổi mít tinh đón chào Người về thăm Thanh Hóa. Tôi là đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp của xóm Liêm, xã Hoằng Lương cũ (nay là xã Hoằng Sơn). Xóm Liêm ngày ấy là xóm tiêu biểu nhất trong sản xuất nên được lựa chọn 3 người đại diện cho cả xã đến dự buổi mít tinh. Tôi, cụ Luân, cụ Lũ là 3 đại biểu được xã lựa chọn, vinh dự lắm. Trong buổi nói chuyện với đại biểu là cán bộ và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, Bác đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của Nhân dân Thanh Hóa trong vai trò hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Bác biểu dương những thành tích cán bộ, Nhân dân Thanh Hóa trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Không chỉ có biểu dương, Bác cũng phê bình khuyết điểm của một số cán bộ, Nhân dân Thanh Hóa và Bác muốn Thanh Hóa phải làm tốt một số nhiệm vụ về cải cách ruộng đất, phát triển sản xuất, phòng chống lụt bão... Đó là những lời chỉ dạy hết sức cụ thể nên khi trở về địa phương, tôi đã phổ biến lại cho mọi người trong thôn, trong xã để cùng thực hiện. Khắc sâu lời chỉ dạy của Bác, tôi và các xã viên xóm Liêm ngày ấy đã ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, bảo đảm đời sống cho bà con nông dân.

Cho đến bây giờ, đã 59 năm trôi qua nhưng người lính hải quân Hoàng Tiến Lực vẫn nhớ như in cuộc gặp gỡ giữa Bác với đơn vị của ông. Ông Lực kể: Ngày 13-11-1962, khi tôi đang làm phân đội trưởng tàu phóng lôi Tiểu đoàn 135 đóng tại cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh) thì được đón Bác đến thăm. 8 giờ sáng, một chiếc trực thăng từ từ hạ cánh xuống sân vận động cảng Vạn Hoa. Bác giản dị trong bộ quần áo màu nâu, đi đôi dép cao su từ cửa bước ra. Bao lâu nay chỉ được nghe tiếng Bác nói trên đài, được nhìn thấy Bác qua những tờ báo nên khi được thấy Bác bằng da bằng thịt, ai nấy đều vô cùng vui sướng. Sau khi xuống trực thăng, Bác đưa tay chào mọi người rồi đi về phía nhà bếp thăm hỏi sức khỏe và động viên các chị nuôi quân. Bác dặn dò các chị phải bảo đảm cho bộ đội ăn no, ăn đủ để có sức khỏe học tập và chiến đấu...

Ông Lực kể: Trong buổi nói chuyện với đơn vị, Bác đã dặn dò nhiều điều nhưng tôi nhớ nhất là bài học được liên hệ từ chiếc đồng hồ. Sau khi thăm hỏi tình hình sức khỏe anh em trong đơn vị, Bác rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt rồi hỏi anh em rằng: Trên mặt chiếc đồng hồ có những gì. Chiếc kim chạy hay đứng, chữ số chạy hay đứng. Nếu giờ chữ số nói muốn chạy, còn chiếc kim nói muốn đứng thì có được không?. Nếu có sự luân chuyển cho nhau như thế thì chiếc đồng hồ có dùng được không?. Sau những câu hỏi về chiếc đồng hồ, Bác bắt đầu liên hệ đến chiếc tàu và đơn vị. Bác nói “Một con tàu, một đơn vị cũng vậy, có nhiều ngành nghề khác nhau, có người làm việc dưới nước, có người làm việc trên bờ. Nếu người dưới tàu muốn lên bờ, còn người trên bờ muốn xuống tàu thì đơn vị có mạnh được không?. Vì vậy các cô, các chú phải yên tâm công tác, công việc nào cũng quan trọng và vẻ vang cả”. Bài học thứ 2 mà tôi cùng các đồng đội của mình nhớ mãi đó là khi tiễn Bác ra trực thăng, một đồng chí bộ đội đi sát Bác ở phía sau đã vô tình dẫm vào dép của Bác khiến chiếc dép bị đứt dây. Bác tiến lại sát tường, ngồi xuống dùng hòn đá sửa lại dép. Thấy đôi dép đã quá cũ, đồng chí Đàm Cần ngỏ ý muốn đổi cho Bác đôi giày mới và xin đôi dép của Bác làm kỷ niệm. Bác liền bảo: Dép này rất tiện lợi, trời nắng, trời mưa, trèo đèo, lội suối đều dùng được. Bác đã dùng lâu lắm rồi, hỏng thì lại sửa, còn sửa được thì còn dùng được. Phải tiết kiệm chứ. “Mặc dù chỉ được gặp Bác trong mấy tiếng đồng hồ, nhưng những bài học Bác dạy khiến tôi nhớ mãi và khắc ghi suốt cuộc đời”, ông Lực chia sẻ. 7 năm sau đó, khi được tin Bác mất, ông cùng 200 cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của lực lượng hải quân đã vinh dự được về dự lễ tang của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Khắc ghi lời Bác dạy, cả cuộc đời hai vợ chồng ông Lực, bà Hồng luôn nhắc nhở bản thân và các con của mình phải sống và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Không chỉ thế, về hưu rồi, ông Lực vẫn say sưa kể về lần vinh dự được gặp Bác cho các em học sinh với mong muốn thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc đời giản dị của Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Minh Khôi


Bài và ảnh: Minh Khôi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]