(Baothanhhoa.vn) - Trong hai ngày 11 và 12-9 , tại trường Chính trị tỉnh, Tiến sỹ Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trao đổi với các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến trao đổi với học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Trong hai ngày 11 và 12-9 , tại trường Chính trị tỉnh, Tiến sỹ Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trao đổi với các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Hai chuyên đề được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi gồm: Kỹ năng lãnh đạo xử lý các tình huống chính trị, xung đột xã hội; Tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm vụ giải pháp những năm tiếp theo.

Dự buổi trao đổi có đồng chí Lại Thế Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; cán bộ, giảng viên Trường Chính trị.

Các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Trực tiếp trao đổi những lý luận vừa mang tính chất nghiên cứu, vừa có ý nghĩa thực tiễn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đề cập với các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn những vấn đề chung về xung đột xã hội, trong đó nêu rõ: Xung đột xã hội được hiểu là tình huống hoặc quá trình xã hội, mà trong đó tồn tại các mâu thuẫn về lợi ích giữa các cá nhân trong mỗi nhóm xã hội, giữa các nhóm xã hội và xã hội nói chung, thể hiện bằng sự đối lập, sự bất đồng, sự tranh chấp do khác nhau về nhận thức, thái độ, cảm xúc, nhu cầu, giá trị, mối quan tâm về nguồn lực tài nguyên, xã hội và đôi lúc được thể hiện bằng cả hành vi đụng độ, vũ trang. Trong xung đột xã hội, tạm chia 2 nhóm, gồm: Xung đột xã hội dễ chuyển thành vấn đề chính trị - xã hội; Xung đột xã hội do khác nhau, thậm chí đối lập nhau về lợi ích, quan điểm của các đối tượng trong xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến trao đổi các chuyên đề với học viên.

Từ những vấn đề thực tiễn đời sống xã hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã trao đổi với các học viên những phương pháp giải tỏa xung đột xã hội; cách xử lý tình huống chính trị; phân tích những biểu hiện điểm nóng xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội; xu hướng để gây ra điểm nóng về chính trị - xã hội; những yêu cầu xử lý điểm nóng; quy trình xử lý điểm nóng.

Đồng chí Bí thư Tinh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã trao đổi những phương pháp xử lý tình huống điểm nóng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo; đưa ra những tình huống để học viên thảo luận đưa ra biện pháp, giải quyết ổn định tình hình chính trị tại địa phương.

Từ những kinh nghiệm giải quyết các vấn đề trong thực tiễn đời sống xã hội, đồng chí Bí thư Tinh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã nêu lên 6 bài học kinh nghiệm gồm: Một là, khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền biết chắc chắn rằng nhiệm vụ đang được triển khai ấy sẽ tạo sự phát triển đi lên cho địa phương, đơn vị nhưng có thể ảnh hưởng đến bộ phận người dân thì phải nghiên cứu kỹ càng, thấu đáo, đảm bảo đúng các quy định hiện hành trước khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, không được chậm trễ, chần trừ làm mất cơ hội cho sự phát triển. Hai là, khi xảy ra điểm nóng, người được giao chỉ huy, tham mưu hoặc người có trách nhiệm giải quyết vụ việc phải luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm mọi biện pháp với một quyết tâm cao nhất để giải quyết bằng được vụ việc. Ba là, sử dụng những kiến thức đã học về kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý ở tất cả các lĩnh vực và những kiến thức từ thực tiễn; căn cứ vào yêu cầu của vụ việc để tìm ra hướng giải quyết tối ưu đảm bảo sự thành công cao nhất. Bốn là, sử dụng tổng hợp các mối quan hệ và tranh thủ ý kiến của những người có kinh nghiệm trong việc này để tác động nhiều chiều đến các đối tượng chống đối, đặc biệt là những kẻ cầm đầu, làm nhụt ý chí, tiến tới làm rõ cái sai và bộ mặt thật của đối tượng trước quần chúng nhân dân. Năm là, sử dụng hệ thống đoàn thể chính trị - xã hội vận động quần chúng nhân dân, phân tích rõ đúng, sai, được, mất, quyền lợi và trách nhiệm,... để mọi người hiểu và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng thời, sử dụng các biện pháp mạnh về an ninh khi cần thiết với những đối tượng chống đối, đặc biệt là những đối tượng cầm đầu kể cả lúc đang diễn ra điểm nóng. Sáu là, đối với những công việc đang triển khai dở dang trước khi vụ việc diễn ra, thì phải tiếp tục thực hiện cho thành công ở mức cao nhất để khẳng định với người dân rằng việc mà cấp ủy, chính quyền đang triển khai là đúng, là vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước; từ đó để người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Về chuyên đề tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm vụ giải pháp những năm tiếp theo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến nêu 6 vấn đề cơ bản gồm: Bối cảnh thực hiện nghị quyết; những kết quả chủ yếu; những hạn chế, yếu kém; dự báo khả năng thực hiện các chỉ tiêu; nhiệm vụ trọng tâm; Thanh Hóa – đến năm 2030, tầm nhìn 2040. Thông qua 6 vấn đề chính, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã phân tích kỹ để các học viên nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn trước Đại hội Đảng bộ tỉnh; những phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo vượt qua khó khăn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh; tổ chức kêu gọi đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn để những dự án lớn được khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; huy động vốn cho đầu tư phát triển và thành lập mới doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề cập đến việc quan tâm các hoạt động văn hóa - xã hội, an sinh xã hội để cải thiện đời sống nhân dân và công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh. Bên cạnh những kết quả đạt được trong 3 năm thực hiện Nghị quyết đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém tồn tại lâu chưa được giải quyết triệt để và những hạn chế mới phát sinh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến chụp ảnh lưu niệm với các học viên.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cũng đề cập đến 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Đồng thời nêu lên những nhiệm vụ, giải pháp mới, nhằm tạo sự đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Buổi trao đổi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã giúp cho các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 lĩnh hội được những phương thức giải quyết xử lý những vấn đề chưa rõ để có nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động cho bản thân. Trên cơ sở đó vận dụng những kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý tại đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách trong thời gian tới.


Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]