(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, thông qua các chương trình mục tiêu, các dự án, cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc Mông trên địa bản tỉnh nói chung và các bản dân tộc Mông của huyện Quan Sơn nói riêng. Vì vậy cuộc sống của bà con đồng bào Mông nơi đây đã và đang dần khởi sắc. Những bước chân du canh, du cư đã chọn được nơi đất lành, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no, bền vững...

Đổi thay nơi bản làng đồng bào người Mông Quan Sơn (Bài cuối): Kỳ vọng về cuộc sống mới

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, thông qua các chương trình mục tiêu, các dự án, cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc Mông trên địa bản tỉnh nói chung và các bản dân tộc Mông của huyện Quan Sơn nói riêng. Vì vậy cuộc sống của bà con đồng bào Mông nơi đây đã và đang dần khởi sắc. Những bước chân du canh, du cư đã chọn được nơi đất lành, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no, bền vững...

Đổi thay nơi bản làng đồng bào người Mông Quan Sơn (Bài cuối): Kỳ vọng về cuộc sống mới

Một góc bản Xía Nọi hôm nay.

Khởi sắc...

Sau hơn hai giờ đồng hồ di chuyển qua các tuyến đường quanh co, dốc đứng, gập ghềnh đá sỏi do đang thi công dở, chúng tôi đã đến bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy). Người đầu tiên đón chúng tôi là bí thư kiêm trưởng bản Sung Văn Cấu. Hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản rồi dừng chân trong ngôi nhà gỗ truyền thống của gia đình mình, trưởng bản Sung Văn Cấu kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm của bản Mông.

Gia đình ông Cấu là một trong những hộ đầu tiên di cư từ Pù Nhi (Mường Lát) về bản Mùa Xuân sinh sống. Những ngày đầu mới về định cư trên vùng đất mới, gia đình ông cũng như các gia đình khác trong bản gặp rất nhiều khó khăn do phải thay đổi môi trường sống, tập quán canh tác... cuộc sống gắn liền với nhiều cái “không”, không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không có chi bộ đảng, xa trung tâm xã nên vô vàn vất vả. Những năm qua, nhờ có các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, đã giúp cho bà con xây dựng cuộc sống mới, người dân bản đã cần cù khai hoang ruộng nương, học cách trồng lúa nước hai vụ, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật để thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng, trẻ con được đến trường học chữ, người đau ốm được chăm sóc y tế. Đặc biệt, có chi bộ đảng lãnh đạo, trải qua nhiều khó khăn, lớp lớp đảng viên người dân tộc Mông vẫn giữ trọn niềm tin sắt son theo Đảng, là hạt nhân tiên phong gương mẫu trong mọi phong trào, đi đầu phát triển kinh tế - xã hội... Xa hơn nữa, sau khi con đường bê tông từ trung tâm xã nối về các bản Mông hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái...

Rời Mùa Xuân khi mặt trời đã lên cao đến đỉnh đầu, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá bản Mông, tới thăm bản Xía Nọi. Trong câu chuyện với ông Chá Văn Cuội - người có uy tín đồng thời là công an viên bản Xía Nọi, ông Cuội cho biết: Mặc dù có đường biên giới với nước bạn Lào, nhưng an ninh trật tự của bản luôn được giữ vững, người dân chăm lo sản xuất, giữ đất, giữ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông, tôi thường xuyên tuyên truyền bà con chấp hành và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, không tàng trữ, buôn bán ma túy, loại bỏ hủ tục lạc hậu... cùng nhau xây dựng bản làng no ấm.

Cuộc sống mới không chỉ hiện hữu ở Mùa Xuân, Xía Nọi mà bản Ché Lầu (xã Na Mèo), bản Mông đầu tiên và duy nhất ở thời điểm hiện tại của huyện Quan Sơn được công nhận là bản văn hóa cũng đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Ông Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo tự hào cho biết: “Bằng việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nêu cao tinh thần nêu gương của các đảng viên ở các chi bộ ở bản Mông đã giúp người Mông xây dựng đời sống văn hóa mới. Bà con đã không còn phát rừng làm nương rẫy nữa mà chuyển sang trồng các loại cây thế mạnh như cây vầu, các loại cây ăn quả...”.

Để đảm bảo lương thực tại chỗ, xã Na Mèo đã vận động bà con mở rộng trồng lúa nước, đồng thời trồng lúa nước 2 vụ trên diện tích đất nông nghiệp. Mặc dù là bản vùng cao, nhưng bà con bản Ché Lầu đã chú trọng chăn nuôi và thế mạnh của Ché Lầu là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn bản có khoảng 2.000 con gia cầm, 63 con trâu, 157 con bò, tổng đàn lợn có thời điểm lên tới 300 - 400 con. Có những hộ gia đình có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc như hộ gia đình ông Thao Văn Di. Về mặt thu nhập, đã có khoảng 30% số hộ đủ điều kiện thoát nghèo. Nếu tính trên bình quân dân số thì Ché Lầu cũng là bản có tỷ lệ người đi học THPT, cao đẳng, đại học nhiều nhất xã. Đến thời điểm hiện tại đã có 15 con em của bản là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

“Mục tiêu thời gian tới, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Na Mèo sẽ tiếp tục lãnh, chỉ đạo hỗ trợ người dân Ché Lầu phát triển các mô hình kinh tế mới, phấn đấu đến năm 2023 cơ bản các hộ dân bản đều có nhà ở kiên cố, tới năm 2025 bản Ché Lầu trở thành bản nông thôn mới”, ông Lữ Văn Hà cho biết thêm.

Có đường mới, cùng sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực vươn lên của chính mình, người Mông nơi đây một lòng tin tưởng vào một tương lai mới đủ đầy, hạnh phúc.

Những quyết sách làm nền tảng

Đồng bào dân tộc Mông ở Quan Sơn hiện có trên 200 hộ với trên 1.000 nhân khẩu. Thời gian qua, huyện Quan Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn 3 bản Mông... Nổi bật là Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông, huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016-2020”, hỗ trợ xóa nhà tranh tre, tạm bợ, dột nát theo Chương trình 167, 135... Do đó, kinh tế - xã hội ở 3 bản Mông từng bước nâng lên, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, xây dựng. Đến nay, 3 bản đã có nhà văn hóa, 3/3 bản được phủ sóng điện thoại di động; 2/3 bản là Ché Lầu và Mùa Xuân đã có điện lưới (dự kiến đến cuối năm 2022, bản Xía Nọi cũng sẽ được hòa điện lưới quốc gia).

Từ những chủ trương, chính sách đúng, trúng của Trung ương, của tỉnh, huyện Quan Sơn đang hình thành phát triển một số sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, một số loại cây trồng, vật nuôi đặc sản bản địa như: lúa nếp Cay Nọi, các loại dưa Mông, dứa, quả Cloom, chè Tán Ma, cây dược liệu, cây ăn quả, các sản phẩm từ măng; vịt bầu, gà đồi (trong đó có gà Mông), lợn đen, cá nuôi lồng, cá tầm, cá hồi... theo hướng nông nghiệp hữu cơ, hàng hóa. Đầu năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mở ra hướng đi cho nông nghiệp Quan Sơn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển du lịch sinh thái nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ và du lịch trên địa bàn huyện Quan Sơn nói chung và các bản người Mông nói riêng.

Ông Hà Hoàng Thanh Tâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo động lực để huyện phát triển nền nông nghiệp quy mô, an toàn. Hiệu quả của một số mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ những năm gần đây đã cho thấy chuyển biến bước đầu trong nhận thức của người dân trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; tạo đà để nông nghiệp Quan Sơn đổi mới, qua đó góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn huyện.

Đặc biệt quan tâm đến sự phát triển bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Chương trình đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bám sát nghị quyết của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, phát huy khát vọng tiến bộ và chủ động vươn lên trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi. Sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho Nhân dân; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; đảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh...

Ông Hà Xuân Thành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn, cho biết: Từ việc nỗ lực kiên trì, linh hoạt thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Quan Sơn đang tiếp tục tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, coi trọng và phát huy vị trí, vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín tại các thôn, bản. Đặc biệt là phát huy được tính gương mẫu, đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... giúp người dân bản Mông ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.

Người dân bản Mông đang rất kỳ vọng Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được tổ chức thực hiện có hiệu quả để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển, mở ra cuộc sống mới tốt đẹp, bền vững.

Bài và ảnh: Thu Thủy – Linh Hương


Bài và ảnh: Thu Thủy – Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]