(Baothanhhoa.vn) - Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại vườn hoa Ba Đình lịch sử. 75 năm đã trôi qua, nhưng tư tưởng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trong Tuyên ngôn vẫn vẹn nguyên giá trị dân tộc và thời đại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc lập, tự do, hạnh phúc trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 - giá trị vĩnh hằng

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại vườn hoa Ba Đình lịch sử. 75 năm đã trôi qua, nhưng tư tưởng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trong Tuyên ngôn vẫn vẹn nguyên giá trị dân tộc và thời đại.

Độc lập, tự do, hạnh phúc trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 - giá trị vĩnh hằngĐông đảo Nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình hay còn gọi là Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh: tư liệu

Tuyên ngôn độc lập là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ vì quyền độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có đạo lý làm người, “thà chết tự do hơn sống nô lệ”, “thà chết vinh chứ không chịu sống nhục”. Bác Hồ đúc kết từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, “nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại trong đời đã viết nhiều, nhưng đến năm 1945 mới viết được một bản Tuyên ngôn độc lập. Tuyên ngôn nhắc lại những sự kiện tiêu biểu, tuyên bố với thế giới về khát vọng tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn tố cáo tội ác của phát xít Nhật và thực dân Pháp từ mùa thu năm 1940 đã dựng lên hai tầng xiềng xích, làm cho đồng bào ta cực khổ, nghèo nàn, dẫn tới hơn hai triệu người chết đói. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, dân ta vùng lên đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm và chế độ quân chủ chuyên chế mấy mươi thế kỷ để giành lấy quyền được sống, quyền tự do.

Trần Dân Tiên là tác giả của sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cho biết Tuyên ngôn độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng trong nhà tù, trong trại tập trung, ngoài hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Nó được phôi thai từ bản Yêu sách tám điểm năm 1919, Chương trình Việt Minh năm 1941 và của những bản tuyên ngôn khác của các vị tiền bối như các cụ Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước. Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu Nhân dân Việt Nam. Bản Tuyên ngôn độc lập đã kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử, mà điểm sáng chói là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; là trí tuệ và bản lĩnh văn hóa Việt Nam với khát vọng cháy bỏng là đấu tranh vì nền độc lập dân tộc và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Tổ quốc được độc lập, Nhân dân được tự do, hạnh phúc là khát vọng cháy bỏng của Hồ Chí Minh từ tuổi thiếu niên đến phút cuối cùng

Từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta và Nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Hoài bão lớn nhất của Người là Tổ quốc được giải phóng, Nhân dân được hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Từ những năm 1920, nói về hiểu biết của mình khi bỏ phiếu cho Đệ tam Quốc tế, Người tuyên bố “tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc”, đấy là tất cả những điều Người muốn; đấy là tất cả những điều Người hiểu.

Trong lao tù đế quốc, với tư cách một nhà yêu nước, một chiến sĩ cộng sản, nung nấu khát vọng độc lập, tự do, hướng tới tương lai tươi sáng, Hồ Chí Minh lên án chế độ nhà tù thực dân và nhiều lần nói đến khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc. Tập thơ Nhật ký trong tù cho thấy: “Trên đời nghìn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do?”/ “Đau khổ chi bằng mất tự do”. Tự cho mình là “tù khách tự do”/ “tiên khách tự do trên trời”/ “tự do thưởng ngoạn, ai ngăn được”, Người lạc quan, tin tưởng “ngâm thơ đợi đến ngày tự do”. Vui khi được ra tù “tự do trở lại với mình rồi”, Người nghĩ tới hạnh phúc, trời ấm, hoa cười, vạn vật phơi phới như một tất yếu lịch sử, bởi “Sự vật vần xoay đã định sẵn. Hết mưa là nắng hửng lên thôi. Hết khổ là vui vốn lẽ đời”.

Với Hồ Chí Minh, tư tưởng xuyên suốt là “con Lạc cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi”, phải làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập. Theo Người, “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”, phải đánh đổ đế quốc và Việt gian để cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng, “làm cho con cháu Rồng Tiên, dân ta giữ lấy lợi quyền của ta”. Người hứa: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không hề”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi của khát vọng độc lập, tự do. Bản Tuyên ngôn độc lập ra đời từ thắng lợi đó là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức không kém phần chuyên chế. Nó mở ra kỷ nguyên mới Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền bình đẳng của mọi người và tất cả các dân tộc mà những tổ chức và các văn kiện lịch sử vô giá trên thế giới có ý nghĩa pháp lý quốc tế nhắc tới. Đặc biệt, đó là những giá trị tạo hóa cho con người, những lẽ phải không ai chối cãi được được ghi trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791.

Quyền sống, quyền tự do, quyền hạnh phúc trong Tuyên ngôn độc lập là sự thống nhất, hòa quyện giữa quyền con người với quyền các dân tộc

Sau Đại chiến II, do tâm lý và lợi ích thực dân trỗi dậy, chi phối nên Pháp không muốn từ bỏ Việt Nam, trong khi Việt Nam - dù có nhượng bộ lớn từ “Việt Nam độc lập” đến “Việt Nam tự do trong khối Liên hiệp Pháp” - vẫn giữ vững nguyên tắc không chia sẻ chủ quyền lãnh thổ, nên không thể đối thoại. Nước Pháp muốn thiết lập lại hệ thống thuộc địa ở Việt Nam; bắt các quốc gia khác coi “vấn đề Việt Nam” là vấn đề nội bộ của nước Pháp.

Mỹ từ chỗ giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa thực dân đến chỗ vì lợi ích và tham vọng bá chủ toàn cầu nên đi đến thỏa hiệp, phơi nhiễm và mang gương mặt chủ nghĩa thực dân, quay lưng lại lợi ích của nhiều dân tộc trong đó có Việt Nam. Mỹ tự cho mình có quyền tối cao đối với mọi dân tộc trên thế giới với việc duy trì “pháp luật thuộc địa”. Hội nghị thành lập Liên hợp quốc từ tháng 4 đến tháng 6-1945 muốn đặt các nước châu Á dưới chế độ ủy trị quốc tế trực thuộc Mỹ, hoặc tiếp tục thừa nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Các nước đế quốc khẳng định quyền lợi chính đáng của họ ở thuộc địa.

Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh bác bỏ cả hai giải pháp và khẳng định đánh cho đến khi nào giành được độc lập, tự do và nêu thành nguyên tắc pháp lý “quyền bình đẳng giữa các dân tộc”, “quyền tự do, quyền sung sướng của các dân tộc”. Tuyên ngôn độc lập đã lên án và đặt chế độ thuộc địa ra ngoài tư tưởng của các nước lớn. Đó là một hành động khoa học, cách mạng, nhân văn hết sức táo bạo và tài tình.

Tuyên ngôn độc lập tuyên bố rõ ràng, dứt khoát với Nhân dân thế giới rằng “dân tộc Việt Nam đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”! Với Tuyên ngôn độc lập, “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Với thành quả cách mạng từ nghị lực phi thường và quyết tâm cao cả “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Tuyên ngôn độc lập tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả những đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Tư tưởng xuyên suốt trong Tuyên ngôn độc lập là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Hồ Chí Minh đã gắn quyền độc lập thiêng liêng của dân tộc với quyền con người thành quyền dân tộc cơ bản, bao gồm: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nó trở thành phạm trù của luật pháp quốc tế hiện đại. Đây là nguyên tắc pháp lý về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Tháng 12-1948, Liên hợp quốc ra Tuyên ngôn Nhân quyền. Mười hai năm sau, tháng 12-1960, ra Tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa. Mười năm sau đó (12-1970) ra Nghị quyết về Chương trình hành động nhằm thi hành toàn diện bản tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa. Trong khi đó, 15 năm trước khi Liên hợp quốc ra Tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa, Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố và khẳng định với Nhân dân Việt Nam và Nhân dân thế giới về quyền dân tộc cơ bản, một khái niệm khoa học thuộc phạm trù luật pháp quốc tế hiện đại mà từ đó đến nay luôn luôn được thế giới thừa nhận.

Khẳng định Tư tưởng Hồ Chí Minh mang giá trị toàn cầu và nó luôn có giá trị thời đại, bởi vì nó hướng tới tương lai, ông Hans D,Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pari ngày 14-5-2010 nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng quan điểm của Người đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên hợp quốc đã đưa vào trong tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân là sự kế thừa và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người

Nhân loại đang sống trong thế giới toàn cầu hóa. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, với bản Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 và nội dung hai bản Công ước quốc tế về nhân quyền năm 1966 cho thấy Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn trong việc thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản và phổ biến của con người, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ quyền con người. Những thành tựu đó là dựa trên tư tưởng nhân quyền của Hồ Chí Minh mà 75 năm trước lung linh tỏa sáng trong Tuyên ngôn độc lập.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-11-2013 chứa đựng sức sống và linh hồn của Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Trong Lời nói đầu của Hiến pháp có viết: “Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, được sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới, Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Lần đầu tiên lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 dành hẳn một chương bàn về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về các mặt được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp khẳng định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”; “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước”; “có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”; “có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp”. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Hiến pháp nói đến quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, như “bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tỏ rõ rằng Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có giá trị thời đại, mãi mãi trường tồn và chúng ta đang cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ của nhân loại.

PGS.TS Bùi Đình Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]