(Baothanhhoa.vn) - “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm” (Hồ Chí Minh).

Đạo đức là nền tảng, là gốc rễ của người cách mạng

“Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm” (Hồ Chí Minh).

Đạo đức là nền tảng, là gốc rễ của người cách mạng

GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương truyền đạt chuyên đề “Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ảnh: Minh Hiếu

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và dân ta đang trong những ngày Tháng Tám lịch sử, với những sự kiện trọng đại của dân tộc.

Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ kính yêu đã có “Mấy lời để lại” - mà ta gọi Di chúc. Đó không chỉ là những lời căn dặn, là di huấn của Người, mà là dấu ấn của thiên tài cá nhân đối với lịch sử; là tư tưởng, tình cảm và ý chí, trí tuệ, trách nhiệm “trước lúc đi xa” của một vĩ nhân đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và bầu bạn năm châu; thể hiện khát vọng và niềm tin của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và tiền đồ của dân tộc. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận rõ hơn tầm vóc, giá trị trường tồn của Di chúc mà Bác đã để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân tộc ta.

Di chúc lịch sử toát lên khí phách, tinh thần cách mạng; vạch ra những vấn đề có tính Cương lĩnh cho Đảng, cho đất nước sau khi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Trong đó, Bác đã đưa ra những chỉ dạy quý báu về xây dựng Đảng, mà then chốt là xây dựng Đảng về đạo đức, với nội dung hết sức quan trọng về xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.

Trong Di chúc, để xây dựng đất nước ta sau chiến tranh “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, ngoài việc phải huy động được sức mạnh của nhân dân, Đảng có kế hoạch, chủ trương, đường lối đúng, thì điều quan trọng và cần thiết là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng danh và ngang tầm nhiệm vụ cách mạng. Chính vì vậy, trong Di chúc, Người đã căn dặn ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, “Việc làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, với mục đích là làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề cán bộ, đảng viên coi đây là một trong những vấn đề then chốt quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong đó, tiêu chuẩn đầu tiên, “là gốc” của người cán bộ cách mạng, theo Người, chính là phẩm chất đạo đức. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”, Vì thế, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc Đảng phải trong sạch, vững mạnh, sức chiến đấu cao mới đảm đương được vai trò lãnh đạo. “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”. Để được như vậy, mối quan tâm hàng đầu là xây dựng Đảng về đạo đức. Đạo đức cách mạng là cơ sở tạo nên sức mạnh lãnh đạo, uy tín của Đảng. Sức mạnh ấy được cấu thành từ sức mạnh của cán bộ, đảng viên và chỉ có được khi Đảng xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, trong đó lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng. Người cho rằng, đạo đức là nền tảng, là gốc rễ của người cách mạng, “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”1.

Để lãnh đạo được nhân dân và giành được sự tin cậy của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên phải là người luôn kiên định về lập trường, suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết và trước hết. Đồng thời, phải có một đời tư trong sáng, ít ham muốn về vật chất. Thấm nhuần đạo đức cách mạng, người cán bộ, đảng viên sẽ xử lý hài hòa các mối quan hệ đối với mình, với người và với công việc. Người cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới có thể trở thành người cán bộ chân chính, mới có thể “lãnh đạo được nhân dân”.

Theo quy luật, con đường cách mạng không hề bằng phẳng, nhung lụa, mà luôn lắm chông gai, nhiều thác ghềnh. Đạo đức cách mạng giúp người cách mạng vững tin trên con đường đi tới mục tiêu của mình. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là “đạo đức vĩ đại”, cao nhất của đạo đức cách mạng là suốt đời phấn đấu hy sinh cho Đảng, cho dân tộc và cho nhân loại. Thực hiện lời răn dạy của Người, trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, hàng vạn cán bộ, đảng viên, nhờ tu dưỡng đạo đức cách mạng trong sáng, không hề tính toán thiệt hơn, vì lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc đã không ngần ngại hy sinh lợi ích cá nhân, khi cần hy sinh cả tính mệnh của mình. Người cán bộ, đảng viên đã trở thành niềm tin, niềm tự hào của Đảng và giành trọn được sự tin yêu của quần chúng nhân dân, đã tiên phong, gương mẫu đi đầu, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, góp phần làm nên những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử.

Theo Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là phẩm chất đạo đức cơ bản, phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất này phải thường xuyên, gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người trong công tác, sinh hoạt ở mỗi tổ chức, gia đình, xã hội, ở mọi không gian và thời gian. Hồ Chí Minh coi cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc; đồng thời chỉ ra mối quan hệ giữa bốn điều đó: “Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn”2.

Là lãnh tụ của Đảng và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thường xuyên nêu tấm gương sáng về đạo đức, lại vừa thường xuyên quan tâm đến giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Bản thân Người là hiện thân những gì cao đẹp nhất của đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên, các thế hệ người Việt Nam đều tìm thấy ở Hồ Chí Minh biểu tượng của tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng, có sức cuốn hút, cảm hóa kỳ lạ con người hướng tới chân, thiện, mỹ.

Theo Bác, để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ đức, đủ tài, phải luôn chú trọng nhiều khâu, từ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng đến thực hiện chính sách cán bộ. Trong đó, Bác nhấn mạnh: “... nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”3. Trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của người cán bộ, đảng viên một cách toàn diện, để bố trí, sắp xếp cho “đúng”, cho “khéo”, để “người nào việc nấy” (mà nay ta gọi bố trí theo vị trí việc làm).

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là bài học lớn đã được đúc kết trong lịch sử hoạt động lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ta, có giá trị chỉ đạo thực tiễn lớn trong bước đường đã qua cũng như trong hiện tại và tương lai của cách mạng. Điều đó đòi hỏi, Đảng phải thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; phải thống nhất cao về ý chí và hành động; phải trong sạch về đạo đức, lối sống; phải chặt chẽ về tổ chức; phải tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, tạo được lòng tin và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đảm đương được sứ mệnh lịch sử trước nhân dân, trước dân tộc, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đó đều là những vấn đề hệ trọng, mang tính sống còn của Đảng ta, chế độ ta.

Có thể nói, những chỉ dẫn trên đây của Bác về phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên rất cụ thể, bao quát, toàn diện, sâu sắc và nhất quán, là một trong những vấn đề có tầm quan trọng quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp của Đảng và cách mạng Việt Nam, chính là chỉ dẫn định hướng hết sức quý báu cho chúng ta xây dựng tiêu chuẩn đối với cán bộ, đảng viên của Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, ở Trung ương cũng như địa phương, cả trong thời kỳ cách mạng đã qua cũng như trong bối cảnh hiện nay. Những lời căn dặn của Bác trong Di chúc về xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự, có giá trị lý luận và sức sống thực tiễn to lớn. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “có đức” và “thực tài” trong giai đoạn hiện nay.

Cuộc đời Hồ Chí Minh là mẫu mực tuyệt vời, một tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng. Người vĩ đại khi bàn về đạo đức và càng vĩ đại hơn khi thực hành đạo đức. Những căn dặn trong Di chúc cùng những răn dạy của Người đối với Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khi Người về thăm, đang tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thực hiện có kết quả cao nhất Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm theo Lời Bác, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và mỗi cán bộ, đảng viên coi đây là dịp để kiểm điểm lại những lời đã hứa với Bác, những việc đã làm theo chỉ dạy của Bác, để tiếp tục nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn những di huấn của Người về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt và cốt lõi là giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển quê hương trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập ngày càng sâu rộng.

Trong bối cảnh mới, đảng bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa càng nhận thức rất rõ, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, một việc “cần làm ngay”. Dẫu rằng, đó là một công việc không hề đơn giản, dễ dàng, trái lại vô cùng khó khăn, phức tạp, nhưng không phải không thể thực hiện được nếu mỗi chúng ta đều thấm nhuần chỉ dẫn của Bác: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm”4. Điều đó càng đòi hỏi phải có nỗ lực cao hơn, phải thống nhất ý chí, có quyết tâm lớn, thấy đầy đủ trách nhiệm của bản thân để gương mẫu trong hành động, giữa nói và làm, trong từng lĩnh vực và trên từng cương vị công tác.

Biện chứng của cuộc sống là luôn vận động biến đổi không ngừng. Do vậy, học tập và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên là phải tiến hành liên tục, bền bỉ, thường xuyên “như rửa mặt hàng ngày”. Người cán bộ, đảng viên hôm nay có thể vĩ đại, trong sáng, được nhân dân ca tụng, nhưng ngày mai có thể “không xứng danh”, nếu vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống và “sự lệch chuẩn” rơi vào đồi bại, tha hóa, biến chất, do không tu dưỡng đạo đức thường xuyên, lòng dạ không trong sáng, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Do vậy, việc khổ luyện đạo đức là cả một quá trình đấu tranh với chính bản thân mình, với quyết chí, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện không phải chỉ trong lời nói, hô khẩu hiệu, ở hội trường hay các diễn đàn, mà phải luôn thấm sâu trong hành động.

Làm được như vậy, cũng là cách tốt nhất để thực hiện những chỉ dạy của Bác Hồ kính yêu đối với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, để Thanh Hóa vươn lên trở thành tỉnh kiểu mẫu, như di nguyện của Người lúc sinh thời.

Người cho rằng, đạo đức là nền tảng, là gốc rễ của người cách mạng, “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.611-612.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXBCTQG. H2011, tr.292.

1, 2, 3, 4. Sdd, T.5, tr.643, 642, 251, 262.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.313.

PGS, TS Đỗ Xuân Tuất

(Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng)


PGS, TS Đỗ Xuân Tuất

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]