(Baothanhhoa.vn) - Ngày 2-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020

Ngày 2-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa

Tại điểm cầu Thanh Hóa, các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của nước ta có kết quả tích cực so với khu vực và thế giới. Theo đó, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch COVID-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay. Kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 ngàn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp là 2,71%.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011 - 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II-2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ. Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 697,1 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe trình bày kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm; công tác cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử; một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; báo cáo tình hình triển khai gói an sinh xã hội và việc triển khai chính sách xã hội 6 tháng cuối năm…

Tại Thanh Hóa, những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Trong đó nổi bật là: Đã kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và được xếp vào nhóm các tỉnh có “nguy cơ thấp”. Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3,7%, tuy thấp hơn cùng kỳ những năm gần đây, nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19; trong đó: ngành nông, lâm, thủy sản tăng 2,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,45%; dịch vụ giảm 1,66%; thuế sản phẩm tăng 1,98%. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng vẫn tăng so với cùng kỳ, như: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,3%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 14.485 tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm và tăng 4% so với cùng kỳ; thu hút FDI tăng cả về số dự án và vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 2,2%; huy động vốn đầu tư phát triển tăng 9,7%; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với cùng kỳ, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tâm thế mới; tinh thần yêu nước, quyết tâm của nhân dân cả nước chính là cơ hội cần nắm bắt, tận dụng, tạo động lực mới cho phát triển. Việt Nam đang có những lợi thế nhất định để đón nhận sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thỏa mãn các điều kiện hạn chế rủi ro, dịch vụ y tế an toàn, môi trường chính trị - xã hội ổn định từ các nhà đầu tư quốc tế. Đây là một cơ hội quan trọng để chúng ta tận dụng, tạo đà đi trước một bước trong phục hồi nhanh nền kinh tế, thiết lập vị thế mới, tham gia các điều chỉnh mới trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục bùng phát tại các quốc gia, tâm dịch đang tiếp tục dịch chuyển, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu khó lường và phụ thuộc vào việc phát triển văcxin hoặc thuốc đặc trị, Việt Nam chưa thể mở cửa với các quốc gia trên thế giới, do đó tình hình sản xuất - kinh doanh được dự báo sẽ rất khó khăn, thêm doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề do tác động của dịch ... nên thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm là khá lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định và lưu ý, bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay rất phức tạp, dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, yêu cầu đặt ra với tất cả các bộ, các ngành, các địa phương là cần phải linh hoạt ứng phó, có đối sách kịp thời, không được chủ quan, phải định rõ những nhiệm vụ, những giải pháp trọng tâm đối với từng bộ, ngành, địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân. Các bộ, ngành, địa phương cần phải xây dựng kịch bản phát triển kinh tế, có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương các giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như: Kết luận 77-KL/TW ngày 5-6-2020 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP; 42/NQ-CP, 84/NQ-CP của Chính phủ. Cả nước đồng lòng chung sức, tháo gỡ khó khăn, vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh, cương quyết không để dịch bệnh COVID-19 quay trở lại

Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm dịch tả lợn Châu Phi; đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước, hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn; duy trì và đẩy mạnh phát triển sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước cho các sản phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu.

Đối với sản xuất công nghiệp, chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; tập trung xử lý hàng công nghiệp tồn kho. Đẩy mạnh kích cầu và củng cố nền tảng thị trường nội địa. Xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa, mở rộng thị trường trong nước; Phát động những tháng cao điểm thực hiện phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công; tập trung phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm, hướng tới phát huy lợi thế, thúc đẩy nội lực, liên kết vùng; tập trung thu hút nguồn lực để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, đời sống của người dân phải được bảo đảm…

Ngay sau hội nghị, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại hội nghị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và bổ sung nguồn lực để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Đồng thời, khẩn trương rà soát lại tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công bằng văn bản, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; đẩy nhanh hoàn thiện các nội dung Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa để trình Thủ tướng xem xét. Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch.

Khánh Phương


Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]