(Baothanhhoa.vn) - Xác định việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và đảng viên là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ; là căn cứ để thực hiện tốt các nội dung về công tác cán bộ, đảng viên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Đi vào thực chất, thẳng thắn tự phê bình và phê bình

Xác định việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và đảng viên là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ; là căn cứ để thực hiện tốt các nội dung về công tác cán bộ, đảng viên.

Cán bộ xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) hướng dẫn bà con nhân dân chăm sóc cây mía. Quốc Hương

Chặt chẽ và thực chất

Trong những năm vừa qua, công tác đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên trong cấp ủy các cấp ngày càng được thực hiện có nền nếp và chất lượng. Hằng năm, công tác kiểm điểm, đánh giá, phân loại đã được các cấp ủy quán triệt và triển khai đúng theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đồng thời, coi trọng đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đảng viên làm cơ sở đánh giá, phân loại. Các tổ chức đảng đã phân tích, làm rõ những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong kiểm điểm, đánh giá, phân loại, các cấp ủy đảng đã nghiêm túc đánh giá các nội dung liên quan đến việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, công tác kiểm tra, giám sát; làm rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hàng năm, Huyện ủy Nông Cống chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ chuẩn bị việc tổ chức thực hiện kiểm điểm, đánh giá phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên theo đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, của Tỉnh ủy trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch. Đồng thời, ban thường vụ huyện ủy giao ban tổ chức tập hợp, thẩm tra việc đánh giá, xếp loại các tổ chức đảng, đảng viên ở cơ sở; thành lập các tổ công tác do các đồng chí trong ban thường vụ huyện ủy làm trưởng đoàn, chủ động kiểm tra việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên ở các chi bộ, đảng bộ cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang trực thuộc huyện ủy. Đối với các chi bộ, đảng bộ trong quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả chưa sát với thực tiễn nhiệm vụ được giao, đoàn kiểm tra huyện ủy yêu cầu đánh giá, kiểm điểm lại. Nội dung công tác kiểm tra đánh giá, xếp loại TCCSĐ, đảng viên chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ như: Công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy đối với việc quán triệt, triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chất lượng sinh hoạt Đảng; công tác phát triển đảng viên; công tác tổ chức cán bộ; công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình... Việc đánh giá, xếp loại đảng viên ưu tiên vào các tiêu chí đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, chính trị, chấp hành việc phân công của tổ chức chính trị; quy chế, quy trình chuyên môn. Việc đánh giá, phân loại các TCCSĐ và đảng viên trên địa bàn huyện Nông Cống trong thời gian qua đã đi vào thực chất hơn, đảm bảo các yếu tố công khai, minh bạch; đồng thời, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, từng bước khắc phục có hiệu quả bệnh thành tích trong công tác đánh giá, phân loại trong toàn đảng bộ.

Đảng bộ xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) là đơn vị nhiều năm liền được xếp loại trong sạch, vững mạnh (TSVM) và 4 năm gần đây (2014 - 2017) đạt TSVM tiêu biểu. Tuy nhiên, đây là đơn vị có tỷ lệ chi bộ đạt TSVM thấp so với các đơn vị khác trong huyện. Trong tổng số 19 chi bộ (14 chi bộ nông thôn, 5 chi bộ trường học, trạm y tế), năm 2016 có 12 chi bộ đạt TSVM, năm 2017 có 11 chi bộ đạt TSVM (quy định của Trung ương có 70% chi bộ trở lên). Bí thư Đảng ủy xã Phạm Thị Mai thẳng thắn cho biết: Đánh giá tổ chức đảng phải lấy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, lấy phong trào nơi đó làm thước đo, tiêu chí “cứng”. Không để “lọt” các tập thể chưa thật sự xứng đáng. Quan điểm của đảng ủy là đánh giá nghiêm túc, xếp loại đúng chất lượng, chi bộ nào được đánh giá TSVM phải thực sự nổi bật, được các chi bộ khác “tâm phục, khẩu phục” và thấy được trách nhiệm cần phải tiếp tục phấn đấu vươn lên để đạt TSVM.

Thẳng thẳn tự phê bình và phê bình

Có mặt tại hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2017 của Chi bộ thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy), chúng tôi thấy mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ tích cực tham gia ý kiến vào bản tự kiểm điểm của các cán bộ, đảng viên mà còn mạnh dạn, thẳng thắn tự phê bình và phê bình để chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém của chi bộ và từng đảng viên để cùng nhau bàn bạc tìm ra những giải pháp khắc phục như việc chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ dẫn đến năng suất cây trồng thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, một số đảng viên chưa nghiêm túc trong sinh hoạt... Đồng chí Trần Văn Truyền, Bí thư chi bộ thôn Phiến Thôn cho biết: Việc tự phê bình và phê bình của đảng viên trong chi bộ không chỉ được thực hiện trong các buổi sơ kết, tổng kết cuối năm mà được chi bộ triển khai nghiêm túc trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Đảng viên sinh hoạt không đưa ra ý kiến, thực hiện chưa tốt nhiệm vụ được phân công theo dõi hoặc có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, chi bộ trực tiếp, mạnh dạn phê bình, nhắc nhở. Ban chi ủy thường xuyên tự kiểm điểm, đánh giá thực hiện công tác lãnh đạo, đồng thời, trao đổi, góp ý, đề xuất ý kiến đối với từng đồng chí, kịp thời rút kinh nghiệm trên tinh thần dân chủ, cởi mở. Nhờ vậy, các buổi sinh hoạt luôn diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến tham gia đóng góp thiết thực, cụ thể sát với nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ.

Đảng bộ xã Thăng Thọ (Nông Cống) có 223 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ. Đồng chí Bùi Viết Niên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nếu trước đây ở các chi bộ, việc đảng viên tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chi bộ chưa nhiều, nhận thức về vai trò của công tác tự phê bình và phê bình của không ít đảng viên còn hạn chế, nhiều đảng viên, hoặc có cả bí thư chi bộ còn nể nang, chưa mạnh dạn chỉ ra những khuyết điểm, thì đến nay, công tác đấu tranh, tự phê bình và phê bình đã được nâng lên, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, bí thư, phó bí thư chi bộ và các đảng viên thẳng thắn, mạnh dạn tự phê bình và phê bình, chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm của từng đảng viên, đóng góp các ý kiến sôi nổi xây dựng nghị quyết của chi bộ. Để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đảng ủy xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các chi bộ nội dung kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân về thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện chức trách nhiệm vụ, quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, những việc đảng viên không được làm; phân công đảng ủy viên phụ trách theo dõi sinh hoạt chi bộ về thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; chỉ đạo cấp ủy, chi bộ tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể, phát huy tính dân chủ, cởi mở, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

Việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên, thời gian gần đây được các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, có tính chiến đấu cao, ngày càng đi vào chiều sâu, phản ánh sát thực kết quả hoạt động của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Tuy nhiên, công tác đánh giá, phân loại TCCSĐ và đảng viên trong những năm qua cũng còn tồn tại một số hạn chế, như: Một số cấp ủy cơ sở và một bộ phận đảng viên ý thức tự giác chưa cao, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng còn có tình trạng nể nang, ngại va chạm, chưa làm rõ được những khuyết điểm, yếu kém của tổ chức đảng và đảng viên, vẫn còn tư tưởng “dễ người, dễ mình”. Việc đề ra các biện pháp, giải pháp củng cố chi bộ, đảng bộ yếu kém và giúp đỡ, giáo dục đảng viên vi phạm tư cách còn hạn chế; chưa kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá chất lượng tổ chức đảng với đánh giá chất lượng đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định kết quả đánh giá của một số ban thường vụ cấp ủy cấp trên của TCCSĐ chưa chặt chẽ, vẫn còn tư tưởng chiếu cố để động viên...

Đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng huyện - cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Để thực hiện tốt việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại TCCSĐ, đảng viên, các cấp ủy đảng trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các kết luận, nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Kịp thời tổ chức quán triệt Quyết định 132 của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; đồng thời cụ thể hóa văn bản để việc kiểm điểm và đánh giá, phân loại hằng năm phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị. Tập trung đề ra các giải pháp xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; quan tâm khắc phục TCCSĐ yếu kém. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện việc đánh giá, phân loại TCCSĐ, đảng viên hằng năm thực chất hơn. Thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ; từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Bài 2: Khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm.


Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]