(Baothanhhoa.vn) - Cách đây 19 năm (13-7-2003), Maine Road - một trong những SVĐ huyền thoại ở nước Anh được CLB Manchester City chia nhỏ bán để lấy tiền gây quỹ từ thiện.

Từ Maine Road đến Etihad

Cách đây 19 năm (13-7-2003), Maine Road - một trong những SVĐ huyền thoại ở nước Anh được CLB Manchester City chia nhỏ bán để lấy tiền gây quỹ từ thiện.

Từ Maine Road đến Etihad

SVĐ Etihad. Nguồn: Getty

Maine Road nằm ở Moss Side - một khu vực nội thành của thành phố Manchester, cách trung tâm thành phố 1,9 dặm về phía Nam. Đây là sân nhà của “The Citizens” trong vòng 80 năm kể từ ngày khởi công (1923-2003). Maine Road được thiết kế bởi kiến trúc sư Charles Swain và được xây dựng với kinh phí khoảng 100.000 bảng Anh, thi công và hoàn thành trong cùng năm.

SVĐ này từng là sân nhà chung của cả 2 đại kình địch cùng thành phố là Manchester United và Manchester City, do sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sân Old Trafford của MU bị tàn phá, cần thời gian để phục dựng.

Maine Road từng có khoảng thời gian dài trong lịch sử được đánh giá là sân bóng có kích thước mặt sân lớn nhất ở Anh. Khi mới hoàn thành, sân có sức chứa khoảng 35.150 chỗ ngồi, sau 4 lần sửa chữa và nâng cấp vào các năm 1931, 1935, 1957, 1970, sân có sức chứa lên tới 84.569 chỗ ngồi. Đây là SVĐ từng nắm giữ kỷ lục là sân bóng thu hút lượng khán giả đông nhất đến chứng kiến một trận đấu ngoài SVĐ Wembley, đó là trận Manchester City gặp Stoke City ở vòng 6 FA Cup năm 1934 - với 84.569 khán giả. Do vậy, sân còn có biệt danh là “Wembley của phía Bắc”. Cũng do trùng tu nhiều lần mà các khán đài sân bóng này được thiết kế với nhiều cao độ khác nhau.

Đến năm 1994, trong lần tu sửa cuối cùng, sân được thu hẹp về quy mô để nhường chỗ cho việc đầu tư các công trình phụ trợ hiện đại khác, do đó sức chứa giảm xuống chỉ còn 30.150 chỗ ngồi. Dù khoảng thời gian sau đó, Man City đã nhiều lần có ý định tiếp tục đầu tư cho Maine Road, song quyết định cuối cùng là họ sẽ chuyển tới “nhà mới” là SVĐ City of Manchester nằm ở phía Đông, cách trung tâm thành phố khoảng một dặm và gần Ardwick - nơi CLB được thành lập năm 1880.

Để lưu giữ lại những kỷ niệm về mái nhà thân yêu, thay vì bị phá hủy, Maine Road đã được đội bóng bán đấu giá từng phần nhỏ cho người hâm mộ, từ ghế ngồi, cho tới từng mét vuông cỏ trên mặt sân. Toàn bộ số tiền thu được khoảng hơn 400.000 bảng Anh đã được CLB dùng cho các hoạt động từ thiện. Phần kết cấu của sân bị phá hủy vào năm 2004 để xây dựng thành một khu dân cư.

Trận đấu cuối cùng của Manchester City ở Maine Road diễn ra vào ngày 11-5-2003, một chiến thắng trước “Quỷ đỏ” trong khuôn khổ Premier League.

Sân nhà của “The Citizens” hiện nay, ban đầu có tên gọi City of Manchester, sau đổi thành Etihad do liên quan đến hợp đồng tài trợ của Hãng Hàng không quốc gia Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Eltihad hay City of Manchester được khởi công ngày 12-12-1999 và khánh thành ngày 25-7-2002 với chi phí xây dựng lên đến 112 triệu bảng Anh. Với sức chứa hơn 55.000 khán giả, kích thước mặt sân 105m × 68m, đây là SVĐ lớn thứ 6 ở Premier League và thứ 10 ở Vương quốc Anh. Sân được thiết kế 2 tầng xung quanh và tầng thứ 3 nằm phía trên tầng thứ 2. Điểm nhấn hơn cả chính là tầng thứ 3 được đặt ngay trên tầng 2 theo một cách rất riêng biệt. Eltihad từng nhận được nhiều giải thưởng về kiến trúc, bao gồm giải thưởng từ Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh vào năm 2004 cho công trình thiết kế toàn diện sáng tạo, giải thưởng đặc biệt vào năm 2003 từ Viện Kỹ sư kết cấu cho thiết kế kết cấu độc đáo. UEFA xếp Eltihad là SVĐ tiêu chuẩn 4/4 sao.

Thậm chí, trong một cuộc thăm dò ý kiến do footy.com - một trang web chuyên về thể thao tổ chức, Etihad được bầu là SVĐ số 1 thế giới dựa trên các tiêu chí về giá vé, môi trường thân thiện, giá dịch vụ đi kèm, công nghệ thông minh, thời gian di chuyển và sức chứa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào sự hiện đại và những đánh giá độc lập cũng phản ánh đúng vị thế, đặc biệt là sức hấp dẫn của một SVĐ. Nhất là ở thời điểm đầu “lạ nước lạ cái” - khi yếu tố truyền thống được đem lên bàn cân so sánh.

Nhiều CĐV Man City hoài niệm về không khí của ngôi nhà cũ đã chứng kiến thăng trầm của đội bóng qua 8 thập kỷ. Họ nhớ về Maine Road với không khí “topophilla” - ấm áp như một ngôi nhà chung. Điều này có được bởi thiết kế sân thượng có tên gọi Kippax với 18.300 chỗ ngồi cực kỳ độc đáo. Âm thanh cổ vũ luôn có sự cộng hưởng tạo nên không khí sôi động một cách dữ dội riêng có.

Còn Etihad thậm chí từng bị đánh giá là SVĐ kém thứ 2 Premier League về không khí cổ động. CĐV thường bị mất phương hướng khi vào sân và những thiết kế mới gây ra những bất thuận cho những hành động, thói quen cổ động đã trở thành truyền thống, bản sắc.

Để giải quyết vấn đề này, tại Etihad đã được thiết kế một khu vực có tên City Square - nơi CĐV gặp gỡ, bàn luận và hâm nóng không khí cổ động trước trận đấu. Các cựu cầu thủ của đội bóng cũng được mời đến sân, để làm sống dậy những cách cổ vũ truyền thống ở Maine Road. Và tất nhiên, những chiến tích của một trong những đội bóng đáng xem nhất châu Âu hiện nay đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đam mê cuồng nhiệt ở Etihad.

Sự cộng hưởng đó khiến Etihad trở thành sân khấu hấp dẫn bậc nhất châu Âu hiện tại.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]