(Baothanhhoa.vn) - Từng được biết đến là một “đế chế” hùng mạnh trên bản đồ bóng đá thế giới với 2 chức vô địch World Cup, nhưng kể từ sau khi làm nên thảm họa Maracanazo cho người Brazil ở World Cup 1950, bóng đá Urugoay dần đánh mất bản sắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạm biệt “Ông giáo già”

Từng được biết đến là một “đế chế” hùng mạnh trên bản đồ bóng đá thế giới với 2 chức vô địch World Cup, nhưng kể từ sau khi làm nên thảm họa Maracanazo cho người Brazil ở World Cup 1950, bóng đá Urugoay dần đánh mất bản sắc.

Tạm biệt “Ông giáo già”

Oscar Tabarez rời ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia Urugoay sau 15 năm gắn bó.

Sau khi đội tuyển quốc gia không vượt qua được vòng loại World Cup 2006 – lần thứ 3 trong 4 kỳ World Cup gần nhất, Liên đoàn bóng đá Urugoay đã đặt niềm tin và trao sứ mệnh phục hưng nền bóng đá - một trong những yếu tố văn hóa tạo nên bộ nhận diện quốc gia của đất nước Nam Mỹ này - cho HLV Oscar Tabarez.

Kể từ đó cho đến khi nhận “trát” sa thải của Liên đoàn bóng đá Urugoay cách đây ít ngày, vị HLV khả kính có biệt danh El Maestro (Ông giáo) đã có 15 năm là HLV trưởng đội tuyển quốc gia – một kỷ lục của bóng đá thế giới.

15 năm tại vị, El Maestro đã giúp khôi phục lại hình ảnh đích thực của Los Charrúas. Cho đến nay, hình ảnh của một Urugoay rực lửa tại World Cup 2010 vẫn mang đến những cảm xúc phấn khích cho người hâm mộ. Đội bóng chỉ đứng thứ 5 ở vòng loại Nam Mỹ trở thành đại diện duy nhất của châu lục này góp mặt trong “Đệ tứ anh hào”. Ở đó, họ đã thể hiện một tinh thần chiến đấu ngoan cường, từ cái cách mà họ vượt qua Hàn Quốc ở vòng 1/16, ngược dòng trước Ghana nhờ “bàn tay cứu rỗi của” Suarez, pha sút bóng đập xà của Diego Forlan ở những giây bù giờ cuối cùng trong trận tranh hạng 3 với Đức... Oscar Tabarez đã thiết lập cho Urugoay một “mũi đinh ba” lợi hại để trình diễn một thứ bóng đá tấn công “nhất kích tất sát” với Diego Forlan – chủ nhân đích thực của trái bóng Jabulani với 5 bàn thắng; một người hùng luôn luôn trong vòng tranh cãi Suarez và một chiến binh không mỏi Cavani... Không giành được huy chương ở kỳ World Cup năm đó, nhưng vị trí thứ 4 chung cuộc đã là thành tích tốt nhất của La Celeste kể từ năm 1970.

Chỉ một năm sau đó, cũng với lối chơi chặt chẽ, khoa học nhưng vẫn đậm chất Nam Mỹ, Oscar Tabarez cùng các học trò đã bước lên ngôi vô địch Copa America 2011 trên đất Argentina, qua đó vượt qua chính Argentina để trở thành đội bóng giàu thành tích nhất tại giải đấu này - với 15 lần vô địch.

Dù tại các kỳ World Cup và Copa America tiếp theo, thành tích cao nhất của Urugoay chỉ là vào đến Tứ kết, song không thể phủ nhận một điều, Oscar Tabarez đã khiến đội bóng của một quốc gia chỉ có hơn 3,4 triệu dân này trở thành một trong những đội bóng khó bị đánh bại nhất.

Không sở hữu nhiều ngôi sao trong đội hình, thậm chí phải “đãi cát tìm vàng” để chọn nhân tài cho đội tuyển quốc gia, song dưới thời Oscar Tabarez, Urugoay luôn là một tập thể đoàn kết, nhiệt huyết, cùng trình diễn một lối chơi giàu bản sắc. Đó là do sự uyên thâm trong kiến thức từ lịch sử, văn hóa, địa lý cho đến chuyên môn của người đàn ông đã từng cùng đội tuyển quốc gia 2 lần tham dự World Cup này, được truyền đạt và thẩm thấu đến các học trò. Việc đầu tiên và thường xuyên khi Oscar Tabarez nắm đội tuyển quốc gia, đó là việc ông truyền cho cầu thủ niềm tự hào về bề dày văn hóa truyền thống của quốc gia – trong đó có bóng đá, từ việc khuyến khích các cầu thủ đến tham quan các bảo tàng, treo ảnh các huyền thoại bóng đá ở trung tâm huấn luyện, tổ chức các buổi nói chuyện về lịch sử..., từ đó kích thích tinh thần luyện tập và nhiệt huyết cống hiến cho mỗi cầu thủ.

Oscar Tabarez còn thiết lập một hệ thống đào tạo cầu thủ cho đội tuyển quốc gia từ cấp độ trẻ theo mô hình trường học. Các cầu thủ sẽ trải qua các cấp học mà không chỉ được đào tạo về chuyên môn và song hành là đạo đức, lễ nghĩa. Chính vì thế, những phẩm chất tốt đẹp của mỗi cầu thủ sẽ được phát hiện, bảo vệ và phát huy. Những hành xử đi ngược với hệ giá trị mà đội tuyển đang xây dựng sẽ bị lên án và bài trừ. Đó là lý do mà Urugoay của Oscar Tabarez là một tập thể đầy năng lượng và fair-play. Một đội tuyển bị gắn với cái mác “bạo lực” với những đại diện tiêu biểu như Batista, Paolo Montero..., nhưng đến World Cup 2014, Uruguay trở thành một trong những đội ít phạm lỗi nhất, có lối chơi fair-play nhất.

“Chúng tôi dành tình yêu và sự kính trọng lớn cho El Maestro. Ông ấy không chỉ là một HLV mà còn là một nhà giáo dục, người dẫn đường” - khi còn mang trên tay tấm băng thủ quân, Diego Godin từng thay mặt toàn đội nói về người thầy của mình.

Oscar Tabarez đã mở đường, đã dẫn dắt và có thể nói ông đã hoàn thành sứ mệnh vinh quang của mình với đội tuyển quốc gia và với đất nước. Song, chẳng có một chân lý nào đúng đắn mãi theo thời gian. Oscar Tabarez phải rời chiếc ghế mà ông gắn bó trong 15 năm qua một phần do chuỗi 5 trận không thắng, trong đó có tới 4 trận thua của đội tuyển quốc gia ở vòng loại World Cup 2022, một phần vì “Ông giáo già” năm nay đã 74 tuổi, không còn sức khỏe tốt.

Nhưng hơn hết, luôn cần có một luồng gió mới, một nguồn cảm hứng mới được thắp lên từ những di sản về mà vị HLV – người thầy giáo khả kính Oscar Tabarez đã dày công xây dựng.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]