(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ để thỏa mãn sự yêu thích, đam mê, các trung tâm bóng đá cộng đồng ngày càng khẳng định được ý nghĩa, tính thiết thực và sự đóng góp đáng kể cho phong trào bóng đá nói chung và là sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần nâng cao thể chất cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sức lan tỏa từ sân chơi bóng đá cộng đồng

Sức lan tỏa từ sân chơi bóng đá cộng đồng

Bóng đá cộng đồng đã trở thành sân chơi quen thuộc, bổ ích của thanh, thiếu niên TP Thanh Hóa nhiều năm qua.

Không chỉ để thỏa mãn sự yêu thích, đam mê, các trung tâm bóng đá cộng đồng ngày càng khẳng định được ý nghĩa, tính thiết thực và sự đóng góp đáng kể cho phong trào bóng đá nói chung và là sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần nâng cao thể chất cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh.

Là những cầu thủ từng nhiều năm chinh chiến ở đấu trường bóng đá chuyên nghiệp, giờ đây những gương mặt như Mạnh Tường, Hoàng Đảm, Như Đô, Trọng Hải, Đình Quý... sau khi giải nghệ nay lại tiếp tục gắn bó với nghiệp “quần đùi, áo số” nhưng với vai trò là những người thầy đi gây dựng, phát triển phong trào bóng đá cho quê hương. Những trung tâm, lớp bóng đá cộng đồng chính là nơi để những ngôi sao, những cầu thủ của bóng đá Thanh Hóa một thời vang bóng truyền đạt lại những tâm huyết, kinh nghiệm cho các em thiếu nhi, học sinh.

Sau khi hệ thống sân cỏ nhân tạo tại phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) được đưa vào sử dụng, Trung tâm TDTT TP Thanh Hóa đã triển khai mô hình trung tâm bóng đá cộng đồng, thay thế cho các lớp bóng đá phong trào cho trẻ em như trước kia. Với hệ thống các sân cỏ nhân tạo hiện đại, cùng nhiều trang thiết bị tốt, trung tâm đã hoạt động thực sự hiệu quả, tạo sức hút, sự lan tỏa trên địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện lân cận. Các lớp bóng đá được thành lập, phân chia thành các nhóm tuổi, tổ chức chuyên nghiệp hóa từ việc mua sắm trang phục, quần áo, chuẩn bị các dụng cụ huấn luyện, bóng và quan trọng nhất là phải có một đội ngũ các thầy, huấn luyện viên (HLV) đạt chuẩn, những cựu cầu thủ có kinh nghiệm tham gia giảng dạy, huấn luyện cho các em. Từ năm 2016 đến nay, mô hình trung tâm bóng đá cộng đồng được đánh giá là có hiệu quả và sức lan tỏa lớn, không chỉ tới các gia đình mà còn góp phần phát triển phong trào thể thao học đường tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu, đam mê của thanh, thiếu niên. Giờ đây, với mỗi gia đình các trung tâm bóng đá cộng đồng là nơi gửi gắm con em để rèn luyện về thể chất và kỹ năng sống.

Ông Đàm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Thể thao TP Thanh Hóa chia sẻ: Từ phát kiến đến quá trình thực hiện các lớp, rồi trung tâm bóng đá cộng đồng, là cả một quá trình, dám nghĩ và dám làm. Bóng đá dành cho trẻ em là một sự lựa chọn rất tốt về thể thao, nhất là đối với trẻ em thành thị khi quỹ thời gian và không gian sống bị hạn chế... Ngoài việc học kỹ năng với trái bóng, thông qua những buổi học, các em còn được các thầy, HLV giáo dục những kỹ năng mềm trong cuộc sống như: Tinh thần cao thượng “thắng không thỏa mãn - bại không nản chí”; tinh thần làm việc tập thể, “biết giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bạn bè - người thân”; học hỏi từ những thần tượng trong thể thao và cuộc sống, đặc biệt không nói tục và chửi thề...

Qua tìm hiểu thực tế, không chỉ duy trì, nhân rộng các lớp bóng đá cộng đồng, những năm qua, trung tâm TDTT TP Thanh Hóa phối hợp với các nhà tài trợ, tổ chức các festival, giải bóng đá cộng đồng để cho các đội bóng có dịp được giao lưu, thi đấu, cọ sát, qua đó làm phong phú cho hoạt động bóng đá cộng đồng hiện nay. Mặc dù chỉ là những giải đấu có tính giao lưu, giao hữu nhưng cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Từ năm 2019, hoạt động của sân chơi bóng đá cộng đồng trên địa bàn TP Thanh Hóa có bước phát triển mới khi các em tới tham gia lớp sẽ có xe đưa đón. Điều này đã bước đầu nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm bóng đá cộng đồng và đã tạo ra sự lan tỏa trong xã hội. Mặc dù mô hình này đã được áp dụng tại các thành phố lớn khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng ở Thanh Hóa đó là cả một sự cố gắng của những người đi gây dựng phong trào từ những viên gạch đầu tiên.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến nay có trên dưới 10 trung tâm, cơ sở làm mô hình bóng đá cộng đồng, trong đó nhiều nhất là TP Thanh Hóa, sau đó là các địa phương Thường Xuân, Thiệu Hóa, Quảng Xương. Nhiều trung tâm mới ra đời có sự đầu tư mạnh về cơ sở vật chất với kinh phí lên đến cả chục tỷ đồng. Nhiều trung tâm đã duy trì hoạt động nhiều năm qua và cũng có nhiều trung tâm sắp đi vào hoạt động. Điều đáng mừng là hiện nay các trung tâm, cơ sở bóng đá cộng đồng không chỉ chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, sân bãi, mà còn tập trung nâng cao, chuẩn hóa đội ngũ HLV, cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức. Tính chuyên nghiệp cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình hoạt động các lớp bóng đá cộng đồng.

Bằng hình thức xã hội hóa, hoạt động của các trung tâm bóng đá cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây đã góp phần thúc đẩy phong trào bóng đá nói riêng, phong trào TDTT nói chung trên địa bàn tỉnh. Sự sôi động, thiết thực, bổ ích của những sân chơi này cũng đã góp phần tạo ra những sân chơi ngoại khóa lành mạnh, rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho hàng ngàn thanh, thiếu nhi, đồng thời là nơi gửi gắm của các phụ huynh.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]