(Baothanhhoa.vn) - Những tiếng reo hò cổ vũ náo nhiệt, sôi nổi, những thân hình trai tráng lực lưỡng quấn lấy nhau trong những ngón đòn mạnh mẽ, khéo léo đã làm nên những hình ảnh đẹp mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ của môn vật dân tộc trong mỗi dịp tết đến, xuân về ở xứ Thanh.

Mùa xuân và những sới vật dân tộc đặc sắc ở xứ Thanh

Những tiếng reo hò cổ vũ náo nhiệt, sôi nổi, những thân hình trai tráng lực lưỡng quấn lấy nhau trong những ngón đòn mạnh mẽ, khéo léo đã làm nên những hình ảnh đẹp mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ của môn vật dân tộc trong mỗi dịp tết đến, xuân về ở xứ Thanh.

Mùa xuân và những sới vật dân tộc đặc sắc ở xứ Thanh

Những sới vật, hội vật được tổ chức vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán hằng năm tại các xã Hoằng Phong, Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa luôn sôi nổi, thu hút ngày càng nhiều các đô vật trẻ tham gia. (Ảnh tư liệu)

Nói đến các sới vật dân tộc vào mỗi tết nguyên đán ở xứ Thanh, nhiều người đều nghĩ ngay đến các xã Hoằng Phong, Hoằng Lưu (huyện Hoằng Hóa) - là những cái nôi lâu đời nhất của môn vật dân tộc ở xứ Thanh.

Không biết có tự bao giờ nhưng theo lời kể của những cụ cao tuổi ở các xã Hoằng Phong, Hoằng Lưu, từ khi các cụ còn nhỏ tuổi đã được bố mẹ, ông bà dẫn tới xem đấu vật vào mỗi dịp tết nguyên đán hàng năm. Sau một năm lao động vất vả, tết đến, xuân về chính là lúc để người dân xã Hoằng Phong có dịp được thi thố tranh tài sôi nổi trên các sới vật. Mỗi làng đều cử những trai tráng khỏe mạnh nhất, có kỹ năng tốt nhất để tham gia tranh tài tại hội vật do xã tổ chức. Mặc dù phần thưởng mang tính tượng trưng, đôi khi chỉ là lá cờ, vài cặp bánh chưng nhưng không vì thế mà các cuộc tranh tài trên sới vật lại kém phần sôi nổi hấp dẫn. Không chỉ các đô vật là những thanh niên trai tráng trẻ tuổi, hội vật còn có sự tham gia tranh tài của các đô vật lão làng, cao niên.

Mùa xuân và những sới vật dân tộc đặc sắc ở xứ Thanh

Các cuộc so tài tại các sới vật là món ăn tinh thần quen thuộc với người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh. (Ảnh tư liệu)

Hằng năm cứ vào ngày mồng 4 tết nguyên đán, hội vật được tổ chức sôi nổi tại các xã Hoằng Phong, Hoằng Lưu. Xác định đây là mà môn thể thao truyền thống quý giá cần được bảo tồn, huyện Hoằng Hóa và 2 xã Hoằng Phong, Hoằng Lưu vẫn duy trì đều đặn việc tổ chức các giải vật, hội vật vào dịp tết Nguyên đán và nhân dịp có các sự kiện lớn của địa phương. Quy mô, hình thức tổ chức các hội vật dân tộc luôn được bảo đảm tính nguyên bản, có tính kế thừa, phát huy.

Điều đáng mừng là không chỉ có các đô vật lớn tuổi, mà còn có sự tham gia ngày càng nhiều của các đô vật trẻ tuổi, thiếu niên, và mới đây là các đô vật nữ cũng tham gia tranh tài. Những đô vật khỏe mạnh, khéo léo nhất tranh tài trên sân đình, trong tiếng trống giục giã, tiếng hò reo cổ vũ của người dân đã làm nên bức tranh văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng quê Hoằng Hóa.

Từ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào tại xã Hoằng Phong và một số xã ở khu vực Đông Nam, huyện Hoằng Hóa cũng được xem là địa phương đứng đầu toàn tỉnh cả về phong trào và thành tích thi đấu cấp tỉnh. Qua nhiều kỳ đại hội TDTT, huyện Hoằng Hóa luôn đứng đầu toàn đoàn ở môn vật và cũng đã cung cấp cho tỉnh Thanh Hóa nhiều VĐV xuất sắc giành được những thành tích cao ở đấu trường trong nước và quốc tế. Mới đây, tại giai đoạn 1 Đại hội TDTT tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX, đoàn Hoằng Hóa đã giành vị trí nhất toàn đoàn ở môn vật tự do, tiếp tục khẳng định vị thế số 1 trong tỉnh ở môn thể thao này.

Mùa xuân và những sới vật dân tộc đặc sắc ở xứ Thanh

Không chỉ ở Hoằng Hóa, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng khôi phục và đầu tư cho môn vật dân tộc. (Ảnh tư liệu)

Ngoài Hoằng Hóa, vào những ngày đầu xuân mới, các sới vật truyền thống cũng được tổ chức sôi nổi tại nhiều xã của huyện Quảng Xương như: Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Giao, Quảng Hùng (nay thuộc TP Sầm Sơn). Đây là những địa phương đã có truyền thống từ lâu đời về vật dân tộc của huyện. Các đô vật là những ngư dân các xã ven biển, những nông dân khỏe mạnh, khéo léo nhất. Những năm gần đây, việc tổ chức các hội vật dân tộc tại các xã của huyện Quảng Xương gặp nhiều khó khăn, tuy vậy từ năm 2020 đến nay huyện đã chú trọng khôi phục tổ chức các hội vật dân tộc vào dịp tết nguyên đán cũng như tại các sự kiện quan trọng của địa phương. Từ những sới vật trên, huyện Quảng Xương đã bước đầu hình thành các CLB vật dân tộc, từ đó tạo nguồn VĐV để tham gia các giải cấp tỉnh, nhất là các kỳ Đại hội TDTT toàn tỉnh. Vật cũng là bộ môn thế mạnh của huyện Quảng Xương, luôn cạnh tranh vị trí nhất nhì trên bình diện toàn tỉnh.

Duy trì hoạt động của các CLB, đội vật ở cơ sở, khôi phục và tổ chức thường xuyên các hội, giải vật dân tộc cấp xã, cấp huyện chính là cách để huyện Quảng Xương bảo tồn, phát huy môn thể thao đậm chất thượng võ mà ông cha ta đã để lại này.

Điều đáng nói là trong vài năm trở lại đây, huyện Quảng Xương đã có định hướng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ vật dân tộc, đưa môn vật vào nội dung thi đấu chính thức tại đại hội TDTT cấp xã, thị trấn cũng như cấp huyện với nhiều hạng cân phong phú.

Mùa xuân và những sới vật dân tộc đặc sắc ở xứ Thanh

Các VĐV tranh rài ở bộ môn vật trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX.

Trên địa bàn tình Thanh Hóa, nhiều địa phương có truyền thống vật đang có chủ trương khôi phục lại môn thể thao này như TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn. Đây là điều dễ hiểu bởi tại các xã ven biển của các địa phương nói trên các sới vật ngày xuân luôn có sự tham gia tranh tài của các đô vật là những ngư dân khỏe mạnh nhất, khéo léo nhất.

Việc tổ chức các hội thi vật, các giải vật dân tộc vào dịp tết nguyên đán hàng năm đều được duy trì tại các xã, thị trấn có truyền thống và có phong trào phát triển nhất. Cho dù chịu sự tác động của nhiều loại hình vui chơi, giải trí hiện đại với sự phát triển của công nghệ, nhưng môn vật dân tộc vẫn giữ được sức trường tồn theo thời gian, vẫn được truyền dạy lại và nhận được sự hưởng ứng, tham gia luyện tập, thi đấu say mê của các em.

Năm mới Nhâm Dần, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động TDTT đầu xuân không thể tổ chức. Dù vậy, các địa phương tùy theo điều kiện của mình tổ chức các cuộc thi đấu vật theo tiêu chí “thích ứng linh hoạt”.

Những sới vật mùa xuân chính là cơ sở quan trọng để bộ môn vật của Thanh Hóa phát hiện, tuyền chọn được những tài năng trẻ, những đô vật xuất sắc nhất cho 3 tuyến. Vật cũng đã trở thành môn thể thao thế mạnh của Thanh Hóa với bề dày thành tích ở đấu trường quốc gia, quốc tế. Hầu hết các VĐV ở cả 3 tuyến gồm năng khiếu, đội trẻ và đội tuyển đều được tuyển chọn từ phong trào tại cơ sở. Việc các địa phương đã khôi phục tổ chức các hội thi, giải đấu vật cấp xã, huyện vào dịp tết hằng năm chính là để giữ lửa cho phong trào phát triển. Nhờ đó, tại Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX, chất lượng các cuộc thi đấu đã được nâng lên rõ rệt. Bộ môn vật của tỉnh cũng được hưởng lợi từ sự phát triển của phong trào.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]