(Baothanhhoa.vn) - Các giải đấu luôn được xem là sân chơi bổ ích, là cuộc sát hạch quan trọng đối với bất cứ bộ môn thể thao nào nhằm tìm kiếm những vận động viên (VĐV) xuất sắc và để chinh phục những thành tích ở bình diện quốc gia và quốc tế. Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, các giải đấu cấp tỉnh của các bộ môn trọng điểm được tổ chức rất ít trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng, thành tích các bộ môn thể thao trọng điểm: Vì sao có quá ít giải đấu trong tỉnh?

Các giải đấu luôn được xem là sân chơi bổ ích, là cuộc sát hạch quan trọng đối với bất cứ bộ môn thể thao nào nhằm tìm kiếm những vận động viên (VĐV) xuất sắc và để chinh phục những thành tích ở bình diện quốc gia và quốc tế. Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, các giải đấu cấp tỉnh của các bộ môn trọng điểm được tổ chức rất ít trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng, thành tích các bộ môn thể thao trọng điểm: Vì sao có quá ít giải đấu trong tỉnh?

Các VĐV tranh tài tại môn taekwondo trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn tỉnh lần VIII - năm 2018.

Qua 2 kỳ Đại hội thể thao lần thứ 7 và 8, thể thao Thanh Hóa đã giữ vững được vị trí thứ 4 toàn đoàn. Đây được xem là thành quả của sự nỗ lực từ những người làm công tác quản lý TDTT cho tới đội ngũ huấn luyện viên (HLV), VĐV của Thanh Hóa trong các giai đoạn phát triển của thể thao tỉnh nhà. Trong những khoảng thời gian đó, tỉnh ta có khoảng 15 bộ môn thế mạnh được đầu tư trọng điểm như: Các môn võ thuật (karate, vovinam, võ thuật cổ truyền, vật, taekwondo, pencak silat...), điền kinh, bóng đá, bóng chuyền, bơi, cầu mây... Đây đều là những bộ môn không chỉ duy trì thành tích tốt tại các giải đấu trong nước, đạt thành tích đáng kể ở đấu trường quốc tế, mà còn có phong trào phát triển khá mạnh tại các huyện, thị xã, thành phố, trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các bộ môn trọng điểm nói trên cũng có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm những VĐV trẻ tài năng để xây dựng lực lượng kế cận cho giai đoạn phát triển mới và bảo đảm việc tham gia các giải đấu cấp quốc gia và quốc tế. Mặc dù điều kiện khá thuận lợi như vậy nhưng để bảo đảm chất lượng đầu vào, đầu tư huấn luyện có chiều sâu và lâu dài, các giải đấu cấp tỉnh – giải đấu cơ sở luôn được xem là nền móng quan trọng để ban huấn luyện các bộ môn có sự đánh giá chính xác nhất khả năng, trình độ của các VĐV. Với các VĐV, những giải đấu cấp tỉnh là nơi để họ thể hiện, chứng tỏ khả năng chuyên môn, qua đó mới có thể đứng trong hàng ngũ những VĐV có chất lượng để được đầu tư cho tương lai. Các giải đấu là những cuộc sát hạch rất quan trọng ngay từ cơ sở để các bộ môn xây dựng các tuyến VĐV từ năng khiếu, đội trẻ cho tới đội tuyển.

Trên thực tế, nhiều năm trước kia, ngoại trừ những năm có Đại hội TDTT các cấp, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức được nhiều giải đấu cấp tỉnh ở các bộ môn thế mạnh như karate, taekwondo, vovinam, bơi, vật... Các giải đấu được tổ chức dưới hình thức cúp các câu lạc bộ đã thu hút sự tham gia khá đông đảo của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây là những sân chơi có sức lôi cuốn, bổ tích với các đơn vị tham gia để rèn giũa VĐV, qua đó có kế hoạch, chiến lược đầu tư thành bộ môn trọng điểm phù hợp với tình hình, điều kiện. Các VĐV giành thành tích cao tại các giải đấu này đã trở thành những thành viên của đội tuyển, đội trẻ các bộ môn. Qua khảo sát ở các bộ môn, nguồn VĐV kế cận, tài năng, năng khiếu được tuyển chọn từ các giải đấu cấp tỉnh luôn có chất lượng hơn là những VĐV được tuyển tự do.

Tuy nhiên, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, nhiều giải đấu như vậy đã ít được tổ chức, thậm chí có giải đã “biến mất”. Cụ thể như các giải đấu cấp tỉnh của các bộ môn karate, taekwondo, vật, bơi, pencak silat, điền kinh... đến nay vì nhiều lý do đã không còn được tổ chức thường xuyên. Điểm sáng hiếm hoi hiện nay đó chính là vovinam khi bộ môn này vẫn duy trì việc tổ chức giải vào dịp đầu xuân và cúp các CLB vào giữa năm. Ông Nguyễn Ngọc Hài, trưởng bộ môn vovinam cho biết: Sở dĩ bộ môn vovinam trong những năm qua liên tục nằm trong top 3 toàn quốc và giành được những tấm HCV ở các giải quốc tế cũng bắt nguồn từ việc phát triển mạnh, rộng rãi của phong trào tại các huyện, thị xã, thành phố, khối trường học trong tỉnh và tổ chức được ít nhất 2 giải để các VĐV trên địa bàn toàn tỉnh được thi đấu, cọ xát, khẳng định khả năng của mình. Đây cũng là cơ sở để bộ môn tuyển chọn được những VĐV xuất sắc nhất, đầu tư trọng điểm.

Một điều khá nghịch lý hiện nay đó là, nhiều bộ môn thể thao trọng điểm, thế mạnh, có nhiều đóng góp thành tích cho thể thao Thanh Hóa nhưng nhiều năm liền không có nổi một giải đấu cấp tỉnh. Điền kinh là một ví dụ điển hình nhất. Những đóng góp thành tích của bộ môn thể thao “nữ hoàng” này với thể thao tỉnh nhà ở bất cứ giai đoạn nào cũng luôn rất lớn. Đây cũng là bộ môn có sự phát triển khá mạnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, tuy vậy, ngoại trừ giải việt dã, không có thêm giải đấu cấp tỉnh nào đáng kể. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc, nhiều nhà vô địch, VĐV có thứ hạng cao tại giải việt dã cấp tỉnh... nhưng lại không phải là thành viên của đội tuyển điền kinh của tỉnh, chưa nói gì đến việc tiếp tục giành huy chương toàn quốc. Giải việt dã cũng mới chỉ bó hẹp ở quy mô phong trào, chưa có sự đổi mới, mở rộng quy mô để có được những VĐV xuất sắc, tài năng thực sự. Những cái tên như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch được phát hiện là do bộ môn tự tìm kiếm mà không phải là qua các giải đấu. Hay bộ môn bơi, trong một khoảng thời gian khá dài không có các giải đấu cấp tỉnh dù phong trào tại cơ sở phát triển khá mạnh. Trong khi đó, karate có độ “phủ sóng” rất rộng, gần như “có mặt” tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhưng giải karate các CLB toàn tỉnh đã gần như không còn được tổ chức. Lần gần nhất cũng đã cách đây khá lâu – từ năm 2008. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều bộ môn. Thậm chí có đơn vị trong tỉnh, muốn tham gia một giải đấu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa để rèn giũa VĐV nhưng cũng rất khó, đành liên hệ thi đấu giao lưu với các đội tuyển trẻ, đội tuyển của tỉnh, hoặc tìm cơ chế tham gia các giải đấu CLB của khu vực, toàn quốc.

Theo thống kê của Phòng Quản lý TDTT thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bình quân hàng năm có khoảng 18 giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức. Đây đều là những giải đấu có ý nghĩa duy trì và thúc đẩy phong trào TDTT tại cơ sở và chủ yếu tập trung vào các môn như cầu lông, bóng bàn, quần vợt, các môn thể thao dân tộc (2 năm 1 lần), bóng đá, bóng chuyền... Tuy vậy, dù là những môn thể thao thu hút số lượng người tham gia tập luyện khá lớn nhưng cũng chỉ dừng ở mức phong trào mà chưa có thành tích nào đáng kể ở đấu trường quốc gia, quốc tế. Trong khi đó các môn thế mạnh lại không có các giải đấu thường xuyên. Thiếu kinh phí, không có nhà tài trợ, khó khăn về cơ sở vật chất... chính là những nguyên nhân khiến việc tổ chức các giải đấu gặp nhiều khó khăn trở ngại. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tài trợ còn nhiều khó khăn, bất cập. Không có các giải đấu để sát hạch VĐV, các bộ môn tùy điều kiện, đặc thù tự tìm kiếm, tuyển chọn và sát hạch VĐV. Mặc dù vậy, thành tích mà các bộ môn trọng điểm đạt được ở đấu trường quốc gia, quốc tế những năm qua của thể thao Thanh Hóa là khá tốt.

Điều này đã khẳng định, nếu có các giải đấu cấp tỉnh được duy trì tổ chức hằng năm, thể thao Thanh Hóa hoàn toàn có thể chinh phục được những cột mốc thành tích mới, cao hơn; phong trào TDTT sẽ có bước phát triển mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]