(Baothanhhoa.vn) - Tiếp tục “trắng tay” ở giai đoạn 1, lại rơi vào bảng đấu khó khăn ở vòng 2 giải vô địch quốc gia, không có thêm sự bổ sung lực lượng nào đáng kể, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa sẽ phải rất nỗ lực để vượt qua những thử thách nhằm hoàn thành mục tiêu trụ hạng.

Đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa và những thử thách cho mục tiêu trụ hạng

Tiếp tục “trắng tay” ở giai đoạn 1, lại rơi vào bảng đấu khó khăn ở vòng 2 giải vô địch quốc gia, không có thêm sự bổ sung lực lượng nào đáng kể, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa sẽ phải rất nỗ lực để vượt qua những thử thách nhằm hoàn thành mục tiêu trụ hạng.

Đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa và những thử thách cho mục tiêu trụ hạngCác cầu thủ bóng chuyền nữ Thanh Hóa sẽ phải nỗ lực rất lớn để vượt qua những thử thách ở nửa cuối mùa giải 2021.

So với mùa giải trước, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa đã phần nào thể hiện được sự tiến bộ ở vòng 1 giải vô địch quốc gia. Đặc biệt từ khi đội có nhà tài trợ mới là Hải Tiến Resort từ giữa mùa giải 2020, với mức tài trợ 2 tỷ đồng/năm, đã khích lệ các cầu thủ rất nhiều sau 1,5 mùa không có nhà tài trợ. Dù vậy, nếu so với 9 đội bóng chuyền nữ còn lại tại giải vô địch quốc gia năm nay, mức kinh phí trên là khá khiêm tốn. Tham gia giải vô địch quốc gia năm 2021, Hải Tiến Thanh Hóa chỉ bổ sung thêm 2 cầu thủ “mới mà cũ” là phụ công Đinh Thị Trà Giang từ Than Quảng Ninh và Libero Đàm Thị Thùy Linh từ Bộ Tư lệnh Thông tin - FLC. Còn lại vẫn phải dựa vào nội lực với các cựu binh như Lê Thị Lan, Lê Thị Hạnh và những gương mặt trẻ còn non cả về kinh nghiệm lẫn chuyên môn.

Thực trạng nêu trên đã khiến Hải Tiến Thanh Hóa gần như bị “tụt lại” khi không chỉ thua kém về kinh phí, đội bóng xứ Thanh còn yếu cả về lực lượng VĐV và không có thầy giỏi. Bởi vậy, dù rất nỗ lực song Hải Tiến Thanh Hóa vẫn thua cả 4 trận ở bảng A (vòng 1) trước các đối thủ Bộ Tư lệnh Thông tin - FLC, Ninh Bình Doveco, Ngân hàng Công Thương và Than Quảng Ninh. Điểm đáng chú ý duy nhất là Hải Tiến Thanh Hóa đã cố gắng để không “thua trắng” ở vòng bảng này.

Vị trí xếp cuối bảng sau khi kết thúc vòng 1 là điều không nằm ngoài dự đoán; song khó khăn còn nhân lên gấp bội khi đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa rơi vào bảng C với các đối thủ Bộ Tư lệnh Thông tin - FLC, VTV Bình Điền Long An, Kinh Bắc Bắc Ninh, Than Quảng Ninh. Đây được xem là bảng “tử thần” của vòng 2 giải vô địch quốc gia năm nay. Các đối thủ của Thanh Hóa ở bảng đấu này đều là những đội bóng mạnh nhất trong nước hiện nay, lại có tiềm lực tài chính mạnh, có sự đầu tư rất tốt về lực lượng cầu thủ. So với các đối thủ, đội Thanh Hóa bị đánh giá là yếu nhất bảng.

Chưa hết, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa còn gặp thêm một khó khăn nữa là nhà tài trợ Hải Tiến Resort đã hết hợp đồng sau khi giai đoạn 1 Giải vô địch quốc gia 2021 kết thúc. Nhà tài trợ này sẽ không tiếp tục đồng hành với bóng chuyền nữ Thanh Hóa dù mới “kết duyên” tròn 1 năm. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hóa đã gấp rút tìm kiếm nhà tài trợ mới cho đội bóng từ giai đoạn 2 mùa giải năm nay. Về cơ bản, trung tâm đã đạt được thỏa thuận với Công ty CP Quản lý Quỹ Central Capital (TP Hồ Chí Minh). Nhà tài trợ này đã thống nhất sẽ đồng hành cùng các nữ cầu thủ Thanh Hóa. Sau khi tình hình dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh sẽ gấp rút hoàn tất quá trình đàm phán, những thủ tục cuối cùng để ký kết hợp đồng tài trợ với Công ty CP Quản lý Quỹ Central Capital. Đây được xem là tín hiệu tốt đối với ban huấn luyện, các cầu thủ bóng chuyền nữ xứ Thanh trước khi vòng 2 giải vô địch quốc gia khởi tranh.

Đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa thời gian qua vẫn duy trì tập luyện thường xuyên, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho chặng cuối của mùa giải. Các cầu thủ đều nhận thức được những khó khăn, thử thách trước mắt. “Tôi và các bạn trong đội đều tự ý thức được rằng phải luôn nỗ lực, cố gắng, trong từng buổi tập và những trận đấu sắp tới. Tinh thần đoàn kết, quyết tâm sẽ là động lực để toàn đội hướng tới những kết quả tốt nhất ở giai đoạn 2”, phụ công Đinh Thị Trà Giang chia sẻ. Không có sự bổ sung nào đáng kể khi thị trường chuyển nhượng “không mở cửa” giữa 2 giai đoạn, Thanh Hóa buộc phải trông chờ vào nội lực, sức trẻ. Ban huấn luyện cũng đã tập trung khắc phục những điểm yếu cả về chuyên môn lẫn tâm lý cho các cầu thủ, thông qua việc “mổ băng” các trận đấu ở giai đoạn 1, đồng thời có sự phân tích, đánh giá sức mạnh của các đối thủ sắp tới.

Tại mùa giải năm 2019 và 2020, bóng chuyền nữ Thanh Hóa đều phải dự trận play-off và đều giành chiến thắng (trước Mikado Thái Bình và Hải Dương) để trụ lại giải vô địch quốc gia. Năm nay, nỗi ám ảnh này lại tái hiện với đội bóng xứ Thanh. Nếu không có sự nỗ lực vượt bậc, thì nguy cơ phải dự “chung kết ngược” với Thanh Hóa là khá cao. Không chỉ vậy, đội bóng xứ Thanh còn phải đối mặt với trận play-off tranh vé vớt năm thứ ba liên tiếp. Do SEA Games 31 đã lùi sang quý II-2022, nên vòng 2 giải vô địch quốc gia sẽ được tổ chức sớm hơn dự kiến (từ ngày 14-12), bởi vậy quỹ thời gian chuẩn bị của các đội sẽ bị rút ngắn lại. Thanh Hóa sẽ tiếp tục phải “đóng cửa” tập luyện cho tới sát vòng 2. Đồng thời đội bóng xứ Thanh cũng cần chuẩn bị sẵn sàng đối diện với “chung kết ngược” và cả trận play-off.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]