(Baothanhhoa.vn) - Gần 3 tháng qua, trang trại bưởi hiện đại ở thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) thường xuyên cho thu hoạch, để cung ứng cho thị trường Hà Nội. Khó có thể tưởng tượng được, chỉ sau hơn 5 năm chăm sóc theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ cao, mỗi cây bưởi trung bình cho 200 quả, nhiều cây 300 đến 400 quả...

Thăm trang trại bưởi theo hướng công nghệ cao được “số hóa” trong canh tác

Gần 3 tháng qua, trang trại bưởi hiện đại ở thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) thường xuyên cho thu hoạch, để cung ứng cho thị trường Hà Nội. Khó có thể tưởng tượng được, chỉ sau hơn 5 năm chăm sóc theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ cao, mỗi cây bưởi trung bình cho 200 quả, nhiều cây 300 đến 400 quả...

Thăm trang trại bưởi theo hướng công nghệ cao được “số hóa” trong canh tácTrang trại bưởi được sản xuất theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc trừ cỏ, không bón phân hóa học.

Từ gây dựng vùng sản xuất hiện đại...

Cùng các cán bộ Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh và huyện Thường Xuân, chúng tôi trở lại trang trại bưởi công nghệ cao được coi là có phương thức canh tác hiện đại bậc nhất ở tỉnh Thanh Hóa hiện tại. Tiếp đón và giới thiệu với đoàn bằng giọng nói miền Bắc nhẹ nhàng và ấm áp, chủ trang trại Lê Xuân Hoằng nhiệt tình chia sẻ về quá trình đầu tư cũng như nhiều kinh nghiệm. Có bố là người gốc huyện Hoằng Hóa, nhưng lập nghiệp ở thủ đô nên ông Lê Xuân Hoằng lớn lên và khởi nghiệp thành công tại Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Kinh tế nông nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chủ trang trại sinh năm 1968 này cho thấy đã chọn đúng hướng đi và khẳng định sự thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện ông muốn đầu tư một mô hình nông nghiệp hiện đại để tạo sự lan tỏa về quê cha đất tổ, nhưng quỹ đất ở Hoằng Hóa không lớn, khó có thể phát triển các mô hình như dự định. Ông đã đi tìm hiểu, và quyết định thuê đất ở xã giáp thị trấn huyện Thường Xuân, vừa màu mỡ, vừa gần đường Hồ Chí Minh để thuận lợi vận chuyển sản phẩm đi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Năm 2017, sau khi hoàn thiện các thủ tục thuê đất phát triển trang trại cùng với việc dồn đổi đất của người dân địa phương, một khu vực triền đồi thoai thoải nửa trồng keo kém hiệu quả, nửa hoang hóa của địa phương đã được cải tạo. “Bước đầu tôi phải lên thiết kế, có bản vẽ quy hoạch chi tiết từng khu trồng, nhà điều hành, hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống tưới nước, khu xử lý rác thải, nhà ở cho công nhân... Xác định ngay từ đầu là sản xuất theo hướng thực phẩm an toàn, áp dụng công nghệ cao nên mọi khâu đều phải đầu tư khá lớn. Ngoài 3 tỷ đồng của gia đình, tôi còn phải vay mượn cho công tác kiến thiết trang trại, mua sắm máy móc phục vụ canh tác, đến nay đã hơn 5 tỷ đồng”, ông Hoằng chia sẻ.

Thăm trang trại bưởi theo hướng công nghệ cao được “số hóa” trong canh tácÔng Lê Xuân Hoằng với những cây bưởi 300 đến 400 quả.

Không giống đa phần các trang trại cây ăn quả với hệ thống cây giống còn bé, người “nông dân tinh hoa” này nhập giống bưởi 10-12 năm tuổi của một công ty giống ở Hà Nội về trồng để giảm thời gian kiến thiết. Cùng với quá trình canh tác, những hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt được lắp đặt trong lòng đất. Với 8 ha bưởi, nhưng chỉ cần ấn nút là hệ thống tưới hoạt động, thay cho hàng chục lao động nếu bắc vòi tưới thủ công. Nhiều thời điểm sinh sống cùng gia đình tại thủ đô, nhưng ông Hoằng vẫn quản lý trang trại của mình từ xa qua hệ thống phần mềm quản lý và các kỹ sư phụ trách.

Đáng ghi nhận là vườn bưởi Diễn này đã được “số hóa” trong canh tác - một phương thức sản xuất hiện đại tiên tiến của thế giới đã được áp dụng. Quá trình sinh trưởng, canh tác, thu hoạch đều được cập nhật vào phần mềm quản lý trên nền tảng internet. Từng cây bưởi được đánh số định danh, cập nhật lý lịch chăm sóc với đầy đủ thời điểm ra hoa, cho quả, ngày nào bón loại phân gì, thời điểm thu hoạch... Các đối tác thu mua sản phẩm bưởi ở đây có thể kiểm tra, giám sát quá trình canh tác ngay trên mạng internet. Được công nhận sản phẩm hữu cơ, sản xuất theo quy trình VietGAP, từng trái bưởi xuất bán khỏi vườn còn được dán mã QR về nguồn gốc xuất xứ. Đây chính là những cơ sở quan trọng để chủ trang trại đang triển khai các thủ tục nhằm hướng đến xuất khẩu sản phẩm bưởi “Made in Thanh Hóa” ra nước ngoài.

Ngày chúng tôi có mặt, chủ trang trại bưởi hiện đại này đã hoàn thiện hồ sơ và đang chờ các cơ quan liên quan cấp mã số vùng trồng, mã định danh để phát triển thương hiệu và thị trường cho sản phẩm. Theo chia sẻ của chủ trang trại, ông đang tìm hiểu để du nhập công nghệ chế biến tinh dầu từ hoa bưởi, bởi theo ông, với hàng chục tỷ hoa bưởi nở trắng một vùng vào mỗi vụ, nhưng tỷ lệ để đậu quả chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên cần được khai thác. Nếu tính trung bình mỗi cây bưởi ra hàng chục kg hoa, cả rừng bưởi 8 ha sẽ cho một lượng hoa khổng lồ làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu. Một khu đất mới vừa được ông Hoằng vận động thuê và mua lại quyền sử dụng của người dân, hiện đang được triển khai để ông mở rộng diện tích trang trại.

“Tiềm năng đất đai vùng trung du và miền núi Thanh Hóa còn rất lớn, nơi đây có số giờ nắng cao mà nhiều tỉnh phía Bắc không có được, vì thế cần thu hút được nhiều doanh nghiệp, khuyến khích người dân đầu tư bài bản để khơi dậy tiềm năng”, ông Hoằng trăn trở.

...đến vườn bưởi 1,8 tỷ đồng/năm

Với 2.000 cây bưởi trưởng thành, đã cho thu hoạch từ những năm 2018, 2019, đến nay vườn bưởi ở xã Ngọc Phụng này có tổng sản lượng 150 tấn quả/năm. Theo hạch toán, những năm gần đây vườn bưởi cho thu nhập khoảng từ 1,8 đến gần 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 650 triệu đồng mỗi năm. Cùng người chủ vườn có tư duy sản xuất hiện đại, chúng tôi đã có buổi trải nghiệm để tìm hiểu các khâu sản xuất sạch theo hướng hữu cơ. Theo ông, suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, cây bưởi ở đây hoàn toàn không bị tác động bởi phân hóa học. Ông đã hợp tác với một doanh nghiệp chế biến thủy sản, sau khi phi lê cá, lấy phần xương, lòng cá xay nhỏ và thủy phân để làm phân bón dạng lỏng cho cây. Khâu bón phân cũng được hiện đại hóa bằng cách hòa với nước trong các bể lớn, vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt là phân dẫn đến từng gốc cây, tiết kiện hàng trăm ngày công lao động so với bón phân thông thường. Ngoài ra, toàn bộ chất thải từ hoạt động nuôi bò, gia cầm trong trang trại và rác thải cũng được ủ hoai mục để bón cho cây. Vận hành theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, ông cho thu gom tàn bộ bưởi rụng cùng những quả còi và vẹo trên cây để ủ men EM làm phân bón.

Thăm trang trại bưởi theo hướng công nghệ cao được “số hóa” trong canh tácPhân bón hữu cơ cho bưởi được thủy phân dạng lỏng cung cấp đến từng gốc cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

Bằng trực quan, chúng tôi thấy những trái bưởi ở đây không lớn như nhiều trang trại khác. Nhưng theo ông Hoàng, dùng phân hóa học, nhất là lân sẽ kích phổng quả bưởi rất to, nhưng các đối tác và siêu thị sẽ không mua. Canh tác theo hướng hữu cơ, trái bưởi tuy nhỏ nhưng nâng lên cảm giác rất nặng, vị sẽ ngọt hơn nhiều. Dưới những tán bưởi cỏ mọc xanh rì, phủ kín cả một vùng trang trại rộng lớn bởi hình thức canh tác thuận tự nhiên, nói không với phun thuốc trừ cỏ. “Chúng tôi chỉ nuôi các đàn ngỗng và gà dưới tán bưởi để ăn bớt cỏ chứ không phun thuốc trừ cỏ độc hại. Đây cũng chính là phương thức trồng cây ăn quả ở nhiều nước hiện đại đang áp dụng. Kể cả bón phân hóa học cũng làm giun và các côn trùng có lợi trong đất quanh vùng gốc bị chết”, ông Hoằng lý giải.

Trên những cây bưởi trong trang trại, hàng trăm quả lúc lỉu trĩu cành, đa phần phải dùng gậy chống để không bị gãy. Những múi bưởi được tích đầy đủ dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên nên ngọt lịm trên đầu lưỡi - đúng như lời ông Hoằng giới thiệu. Như một lẽ tự nhiên, cây bưởi được bón đầy đủ phân hữu cơ sẽ có sức khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, cho nhiều quả và chất lượng quả sẽ tốt. Một lợi thế khác của trái bưởi nơi đây là không dùng phân hóa học nên có thể để tới 1-2 tháng chưa hỏng, trái ngược với những trái bưởi cùng loại ở những trang trại lạm dụng phân và chất kích thích cho quả to. Tạo được uy tín thị trường nhờ trung thành với sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, sản phẩm bưởi ở đây đã được ký hợp đồng bao tiêu với các chuỗi cung ứng ở Hà Nội. Mỗi vụ, ông Hoằng chỉ dành khoảng 20 tấn để bán cho các thương lái địa phương với mục đích quảng bá chất lượng với khách hàng trong tỉnh.

Thành công là vậy, nhưng chủ trang trại không giữ kinh nghiệm cho riêng mình mà luôn mong muốn người dân địa phương thay đổi, cùng sản xuất hiện đại để tạo thành lợi thế cạnh tranh toàn vùng. Thời gian gần đây, ông đã chuyển giao kỹ thuật và giúp đỡ để 3 chủ trang trại trong vùng triển khai những mô hình trồng bưởi như mình. Mong muốn góp phần gây dựng được “thương hiệu” bưởi Thường Xuân của ông cũng không quá xa vời, bởi những bước đi đầu tiên trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mình đang được ông “xới xáo”.

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Thường Xuân Lê Thị Hường, khu vực trồng bưởi theo hướng hữu cơ của ông Lê Xuân Hoằng chính là trang trại kiểu mẫu của huyện trong lĩnh vực trồng trọt, là khu chuyên canh bưởi với diện tích lớn nhất huyện, áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây là mô hình tạo được bước đột phá trong cách làm, có sự lan tỏa để nhiều người học tập.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]