(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, những năm qua Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng bảo đảm công tác hậu cần, đặc biệt là đầu tư mở rộng mô hình tăng gia sản xuất (TGSX), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và xây dựng đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Thực túc binh cường” ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động

Thực hiện phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, những năm qua Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng bảo đảm công tác hậu cần, đặc biệt là đầu tư mở rộng mô hình tăng gia sản xuất (TGSX), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và xây dựng đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp.

“Thực túc binh cường” ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động trong giờ tăng gia sản xuất.

Đến thăm Tiểu đoàn Huấn Luyện – Cơ động, tôi bị cuốn hút bởi màu xanh bạt ngàn, mênh mông ngút mắt của những vườn chuối, hàng đu đủ, đặc biệt là khu TGSX tập trung với 3.000m2 rau xanh cùng với hệ thống giàn bầu, bí, mướp trĩu quả; vườn cà, rau muống xanh mướt trải dài từ hành lang sau lưng doanh trại đến ven bờ bãi bồi dòng sông Mã.

Trung tá Hoàng Văn Tình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, cho biết: Đó là công sức của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị đấy. Thực phẩm ở đơn vị bây giờ đảm bảo an toàn, sạch 100%; chúng tôi chỉ dùng phân chuồng đã ủ kỹ, xử lý các loại nấm, vi sinh có hại rồi mới bón cho rau... Chỉ cho tôi đàn gà đang tìm thức ăn ở vườn đu đủ, anh cười tếu: “Gà chạy bộ đấy, nói anh đừng cho là “nổ” chứ giống gà này siêng lắm, chân vừa làm sạch cỏ cho vườn cây ăn quả, vừa tìm thức ăn, ngoài ra chỉ ăn cơm và đồ ăn thừa của bộ đội trộn lẫn với cây chuối băm nhỏ thôi”.

Người Tiểu đoàn trưởng vui tính vừa đi vừa say sưa với khách về những đam mê TGSX của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Anh sinh ra ở vùng đất thuần nông, nhập ngũ vào lực lượng biên phòng, ngoài 5 năm học tại Học viện Biên phòng còn phần lớn thời gian gắn bó với tiểu đoàn huấn luyện, do vậy kinh nghiệm về TGSX ở đây anh khá tường tận.

Anh Tình tâm sự: Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động đứng chân trên địa bàn có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ thường xuống rất thấp, sương muối nhiều, vào mùa hè, nhiệt độ lúc nào cũng từ 39 – 40 độ C, đất đai bị khô hạn, mùa mưa thì nước cứ như trôi hết đất. Trước kia, khu vực bãi bồi ven sông này gần như bị bỏ hoang vì trồng cây khó có thu hoạch do mưa lũ. Với quyết tâm xây dựng đơn vị chính quy, không để lãng phí quỹ đất, sau nhiều lần bàn bạc, cấp ủy đơn vị thống nhất đưa vào nghị quyết lãnh đạo của đảng ủy và luôn xác định “Phải phát huy thế mạnh tại chỗ, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh TGSX, tạo nguồn thu, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ”. Giải pháp đặt ra là mở rộng diện tích vườn TGSX, kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi, quy hoạch khu TGSX hợp lý, phân công cho từng tập thể, cá nhân chăm sóc, trồng nhiều chủng loại rau, bảo đảm mùa nào thức nấy, có cả rau gia vị, vườn cây ăn quả, hệ thống giàn bầu, bí, mướp và vườn thuốc nam, có hệ thống dẫn nước tưới tới từng ô, luống.

Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng 250m2 hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, bò, dê, gia cầm, đảm bảo thoáng mát về mùa khô; chống được dột, lạnh giá trong mùa đông và thường xuyên duy trì đàn lợn khoảng 50 con và hơn 300 con gia cầm các loại để cung cấp thực phẩm cho nhà bếp. Mỗi năm đơn vị thu hoạch gần 2 tấn rau xanh các loại, hơn 3 tấn thịt, cá, đảm bảo hơn 70% nhu cầu thực phẩm cho đơn vị. Nguồn thu từ TGSX, đơn vị vừa dành cho đầu tư tái sản xuất, mua sắm thêm cơ sở vật chất, trang bị... phục vụ đời sống sinh hoạt của bộ đội, vừa tham gia ủng hộ địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Để xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp, tiểu đoàn đã chủ động tạo nguồn, kết hợp với nguồn kinh phí trên cấp và vốn tự có của đơn vị để lập dự án xây dựng mới, sửa chữa cải tạo, nâng cấp doanh trại, nhà làm việc, nhà ở của cán bộ, chiến sĩ. Theo Trung tá Hoàng Văn Tình: Để nâng cao hiệu quả công tác TGSX, hằng năm, đơn vị đều có đánh giá, rút ra ưu điểm, khuyết điểm, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời. Bên cạnh đó, đưa công tác TGSX trở thành một trong những chỉ tiêu thi đua của các tập thể, cá nhân trong đơn vị. Từ đó để cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng nhiệt tình, tự giác tham gia nên đã đem lại kết quả thiết thực.

“Với tinh thần sáng tạo, đoàn kết, chủ động tích cực, đến nay, nơi ở, làm việc của đơn vị đã được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bộ đội. Các chế độ, tiêu chuẩn luôn được bảo đảm kịp thời đến từng cán bộ, chiến sĩ. Đây cũng là điều kiện để đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới; đồng thời, phối hợp tổ chức thành công các lớp học tiếng dân tộc, các lớp tập huấn nghiệp vụ, các đợt tổ chức hội thi, hội thao... Mặt khác, với đặc thù là đơn vị huấn luyện tân binh nên cấp ủy, chỉ huy luôn xác định: Cùng với việc huấn luyện cho chiến sĩ mới thuần thục về kỹ chiến thuật, giáo dục chính trị, quân sự, nghiệp vụ - pháp luật, nghiệp vụ biên phòng, việc rèn luyện kỹ năng lao động, TGSX, xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị xanh, sạch, đẹp cũng rất cần thiết” – Trung tá Hoàng Văn Tình cho biết thêm.

Bài và ảnh: Quốc Toản (BĐBP tỉnh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]