Ngày 6-6, các hoạt động phản đối tình trạng phân biệt đối xử vẫn tiếp diễn tại các thành phố miền Nam nước Mỹ, đồng thời lan rộng ra nhiều thành phố ở châu Âu và Bắc Phi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Biểu tình chống kỳ thị chủng tộc lan rộng ở Mỹ, châu Âu và Bắc Phi

Ngày 6-6, các hoạt động phản đối tình trạng phân biệt đối xử vẫn tiếp diễn tại các thành phố miền Nam nước Mỹ, đồng thời lan rộng ra nhiều thành phố ở châu Âu và Bắc Phi.

Biểu tình chống kỳ thị chủng tộc lan rộng ở Mỹ, châu Âu và Bắc Phi

Các cuộc biểu tình diễn ra sau cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, hồi tuần trước. Tại thành phố Dallas thuộc bang Texas, hàng trăm người đã có mặt tại một buổi lễ ở nhà thờ để nguyện cầu hòa bình và đoàn kết. Tham gia buổi lễ còn có Thị trưởng Eric Johnson và đoàn quan chức cấp cao. Theo chính quyền Dallas, lệnh giới nghiêm tại Dallas áp đặt trong những ngày qua do tình trạng biểu tình bạo loạn đã được dỡ bỏ. Tại thành phố New Orleans thuộc bang Louisiana, hàng trăm người đã xuống đường để bày tỏ sự bất bình trước nạn lạm dụng vũ lực của cảnh sát. Trong khi đó, tại thành phố Albuquerque của bang New Mexico, người biểu tình đã tụ tập tại quảng trường Civic, giơ cao tay để thể hiện tình đoàn kết cũng như để tưởng nhớ nạn nhân George Floyd. Làn sóng biểu tình sau cái chết của công dân Mỹ George Floyd cũng tiếp tục lan tới các nước như Ireland, Pháp, Cộng hòa Séc và Tunisia.

Ngày 6-6, hàng nghìn người đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Dublin của Ireland để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và lạm dụng vũ lực của cảnh sát Mỹ. Người biểu tình đã quỳ gối xuống đường để bày tỏ sự bất bình và yêu cầu một sự thay đổi mang tính hệ thống trước nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Đây là cuộc biểu tình thứ ba tại Đại sứ quán Mỹ ở Dublin sau vụ ông Floyd bị một cảnh sát Mỹ ghì cổ dẫn đến tử vong.

Tại thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp, hàng chục nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành để tưởng nhớ công dân Mỹ George Floyd. Bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, những người biểu tình vẫn xuống đường ở các khu vực gần Tháp Eiffel, hưởng ứng các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp nước Mỹ. Theo ước tính của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 23.300 người đã tham gia các cuộc tuần hành trên cả nước, trong đó riêng tại Paris là 5.500 người.

Ngày 6-6, hàng nghìn người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc đã đụng độ với cảnh sát tại trung tâm thủ đô London của Anh. Những người tham gia biểu tình để bày tỏ sự bất bình trước nạn lạm dụng vũ lực của cảnh sát Mỹ sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ da màu tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Cuộc biểu tình tại London phần lớn diễn ra ôn hòa, nhưng có một số ít người biểu tình tại khu vực gần nơi ở của Thủ tướng Anh Boris Johnson tại phố Downing đã ném chai lọ vào cảnh sát, buộc lực lượng này có hành động tự vệ và đẩy lui những người biểu tình này. Trước đó, người biểu tình đã tuần hành ngang qua Đại sứ quán Mỹ ở phía Nam sông Thames, chặn lối đi và giương cao các biểu ngữ phản đối. Sau đó, người biểu tình đã kéo về tòa nhà Quốc hội Anh, giơ cao biểu ngữ với dòng chữ “Black Lives Matter” (Quyền sống cho người da đen), phớt lờ các khuyến cáo của chính phủ là tránh tụ tập đông người do lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Cùng ngày, nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại các thành phố khác ở nước Anh, cũng như ở nhiều nước châu Âu và châu Á, phản ánh sự tức giận trên khắp thế giới về cách đối xử của cảnh sát đối với những sắc tộc thiểu số. Đại sứ Mỹ tại Anh Woody Johnson cũng ra tuyên bố lên án cái chết của Floyd và nói rằng nước Mỹ cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để chống nạn phân biệt chủng tộc và bất công.

Tại Đức, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố ở Đức để chống phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử dựa trên màu da sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd tại thành phố Minneapolis ở Mỹ. Cảnh sát cho biết khoảng 14.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Hamburg, trong đó riêng Tòa thị chính thành phố có khoảng 6.000 người tham gia. Một số ga tàu điện ngầm và S-Bahn đã tạm thời bị đóng cửa để hạn chế người biểu tình. Trong khi đó, tại Berlin, cảnh sát cho biết quảng trường Alexanderplatz đã kín người biểu tình và nhà chức trách đã phải chặn một số tuyến phố để hạn chế người biểu tình. Dự kiến, ban đầu chỉ là 1.500 người, song thực tế đã có khoảng 10.000 người tham gia. Một bộ phận người biểu tình đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, trong khi phần lớn không tuân thủ những quy định này. Biểu tình cũng diễn ra ở nhiều thành phố khác ở Đức như Frankfurt/Main, München, Köln, Stuttgart... Trong số các cuộc biểu tình được kêu gọi ở Đức mang tên “Biểu tình im lặng”, nhiều cuộc đã diễn ra với hình thức đoàn người tuần hành im lặng trong thời gian 8 phút 46 giây để tưởng nhớ Floyd, đúng bằng khoảng thời gian người này bị cảnh sát ở Minneapolis khống chế trước khi người này thiệt mạng hôm 25-/5 vừa qua.

Tại Cộng hòa Séc, hàng trăm người cũng đã tụ tập tại quảng trường trung tâm ở thủ đô Praha, trong đó một nhóm biểu tình đã tuần hành đến Đại sứ quán Mỹ tại Praha để bày tỏ sự phản đối.

Trong ngày 6-6, các đảng chính trị và các tổ chức phi chính phủ ở Tunisia đã tổ chức biểu tình để phản đối chính sách phân biệt đối xử và bạo lực ở Mỹ. Hàng trăm người đã tham gia cuộc tuần hành trên đại lộ Habib Bourguiba - tuyến đường chính ở trung tâm thủ đô Tunis. Một số cộng đồng từ các quốc gia châu Phi đang sinh sống ở Tunisia cũng đã tham gia cuộc tuần hành. Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu phản đối nạn phân biệt chủng tộc và các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong một tuyên bố chung, các đảng phái chính trị tổ chức cuộc tuần hành trên khẳng định tình đoàn kết đối với hàng triệu người dân Mỹ đã biểu tình trong suốt một tuần qua tại nhiều bang của Mỹ để phản đối hành vi bạo lực dẫn tới cái chết của ông George Floyd. Trước đó, trong phiên họp toàn thể của Quốc hội Tunisia, nghị sỹ Safi Said cho rằng những gì đang diễn ra ở Mỹ như là “chiến dịch phân biệt chủng tộc". Điều này không chỉ liên quan đến người Mỹ gốc Phi, mà còn bao gồm cả người gốc Mỹ Latinh và Arab. Ông Safi Said cũng kêu gọi sự ủng hộ đối với người dân Mỹ chống lại tội ác phân biệt chủng tộc.

TTXVN


TTXVN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]