13:47 06/04/2024 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Tròn 7 thập kỷ từ khi cuộc đụng đầu sinh tử nơi lòng chảo Điện Biên Phủ làm rúng động nhân loại, cuộc sống đã sang một trang mới. Song, tinh thần và khí phách Điện Biên Phủ được hun đúc từ những tháng năm máu lửa, thì vẫn luôn sống trong trái tim mỗi chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày ấy. Và chính họ đã bắc một nhịp cầu nối từ quá khứ đến hiện tại, để lan tỏa tinh thần và khí phách Điện Biên Phủ vào hơi thở thời đại mới.

“Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!

Tròn 7 thập kỷ từ khi cuộc đụng đầu sinh tử nơi lòng chảo Điện Biên Phủ làm rúng động nhân loại, cuộc sống đã sang một trang mới. Song, tinh thần và khí phách Điện Biên Phủ được hun đúc từ những tháng năm máu lửa, thì vẫn luôn sống trong trái tim mỗi chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày ấy. Và chính họ đã bắc một nhịp cầu nối từ quá khứ đến hiện tại, để lan tỏa tinh thần và khí phách Điện Biên Phủ vào hơi thở thời đại mới.

“Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!

Chương trình văn nghệ với chủ đề “Bản anh hùng ca Điện Biên Phủ”. (Ảnh: Minh Hiếu).

Tiếng hát ra trận

Tháng 3 Tây Bắc, Điện Biên Phủ phủ trắng sắc hoa Ban. Nhưng vẻ đẹp thiên nhiên cũng phải nhường chỗ cho cái không khí căng chặt của thời khắc quyết định: Cuộc đụng đầu lịch sử giữa một bên là dân tộc Việt Nam phất cao ngọn cờ chính nghĩa vì độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân và đội quân xâm lược với dã tâm đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa. Ngày 13/3/1954, “điểm hỏa” được khai mở, quân ta chính thức tấn công vào tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”. Để rồi, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm” giành giật từng tấc đất, từng mét công sự, diệt từng lô cốt địch... cuối cùng, lá cờ quyết chiến, chiến thắng đã tung bay ngạo nghễ trên nóc hầm Đờ-Cát. Ngày 7/5/1954 trở thành “ngày phán xử”, thành “giờ cáo chung” cho số phận của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Vốn dĩ, đó là cuộc chiến không cân sức, nếu so sánh dựa trên những con số về vũ khí, đạn dược, binh lính... Cho nên, để làm nên chiến thắng, biết bao mồ hôi, máu xương của quân và dân ta đã phải đổ xuống để đánh đổi.

Ở cái tuổi 90 cũng ví như cỗ máy đã chạy gần hết công suất, bước chân đã chậm và đôi mắt đã mờ, nhưng ông Nguyễn Bá Viết (TP Thanh Hóa) vẫn rất minh mẫn. Dẫu sức khỏe giờ đã chẳng thể cho ông được tìm về thắp hương cho đồng đội, nhưng cũng không ngăn được nỗi nhớ thương dành cho người đã khuất. Và dẫu thời gian có khắc nghiệt đến mấy, cũng chẳng thể lấy đi đoạn ký ức đã “khắc cốt ghi tâm” và trở thành một phần máu thịt của người cựu binh chiến trường Điện Biên Phủ.

Tuổi hoa niên 18, chàng trai Nguyễn Bá Viết tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. “Sau đợt tuyển quân, chúng tôi bắt đầu hành quân từ Thanh Hóa đi Điện Biên Phủ, lúc đó chưa ai biết nhiệm vụ của mình là gì”. Con đường hành quân vô cùng gian khổ, băng rừng, vượt suối, lội đèo, vượt các bãi vắt rừng già, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để hành quân. Đường đi đã khó khăn nhưng toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật. “Sau khi đến ngã ba Cò Nòi, chúng tôi gặp những đoàn quân từ các tỉnh, thành khác cùng hành quân về Điện Biên Phủ. Đường hành quân ban đêm lúc này cũng trở nên đông và vui hơn”, ông Viết nhớ lại.

Lên chiến trường, ông nhận nhiệm vụ phụ trách thông tin liên lạc của Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Trong thời gian gấp rút chuẩn bị cho trận chiến, ông Viết đã kịp quen thân với đồng chí Lê Chí Thọ, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 89. Sau này, khi kể lại trận mở màn ngày 13/3/1954, quân ta tiến công vào cứ điểm Him Lam, ông Viết càng xúc động khi nhắc về những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường: “Khi nghe tin chiến thắng (Him Lam) cũng là lúc tôi nghe tin đồng chí Lê Chí Thọ đã anh dũng hy sinh, cùng nhiều anh em khác trong Tiểu đoàn 89. Sự hy sinh của đồng chí Thọ khiến tôi rất đau lòng, bối rối, vì đó là người anh em, người đồng chí thân thiết, đã cùng chia sẻ những gian khổ bấy lâu nay. Cũng phải chờ sau khi chiến thắng Điện Biện Phủ tôi mới biết anh Thọ cùng quê với mình”.

“Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Bá Viết (TP Thanh Hóa) tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Minh Hiếu).

Từng có dịp lên Điện Biên Phủ và trải nghiệm những cung đường vắt ngang lưng chừng núi, qua những địa danh lịch sử Cò Nòi, Pha Đin... nhưng chúng tôi vẫn chẳng thể hình dung nổi sự hung hiểm của con đường ra mặt trận mà các bác, các chú đã đi qua 70 năm trước. Song, gian khổ, ác liệt, hi sinh vẫn không thể làm chùn chân những đoàn quân ra trận, những dòng người nối nhau không dứt trên “cung đường lửa”, để tạo thành “bức tranh liên hoàn dài vô tận” mang tên “cả nước ra trận”. Vẻ đẹp hào hùng cùng khí thế xung trận chưa từng có của dân tộc, đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp “vẽ” lại bằng ngôn từ giản dị, chân thực: “Từ Cò Nòi tới Điện Biên Phủ là đường độc đạo. Tôi bắt đầu được chứng kiến hình ảnh cả nước ra trận. Người đi như trảy hội. Những đoàn dân công Việt Bắc, Tây Bắc, Khu a, Khu 4 đều gặp nhau ở đây. Bộ binh, pháo binh, công binh, vận tải, văn công..., đơn vị này nối tiếp đơn vị kia... Từng đoàn xe ô tô vận tải, xe kéo pháo chậm chạp qua suối, máy rú từng hồi khi lên dốc... Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển chú “voi con” đi thoăn thoắt trên đường. Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng gánh, người Thái, người Dao gùi, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận... Từ hàng ngũ các đoàn dân công bỗng chốc lại vang lên một giọng hò, khi thì trong vắt của một cô gái đồng bằng Bắc Bộ, khi thì trầm ấm của một chàng trai Khu Tư. Tiếng hát, câu hò như trả lời, như vượt lên những thách thức của bom đạn mỗi lúc càng nhiều ở phía trước. Tôi đã đi chiến dịch nhiều, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một không khí phấn khởi, hào hùng như lần này. Nhưng đây là điều có thể hiệu được”! (Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”)

Lịch sử là bài học của tương lai

Lần lại những vệt ký ức đã bị thời gian bào mòn, những câu chuyện xúc động chập chờn trong tâm trí và cả sức khỏe vốn đã được đo đếm bằng tuổi “xưa nay hiếm”... những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đi ra từ chiến trường ngày ấy, đã gặp lại nhau trong cái bắt tay thật chặt, trong niềm xúc động khó thể nguôi ngoai và trong niềm tự hào quá đỗi của hậu thế.

Những con người có mặt ở đây ngày hôm nay, có những người đã từng biết mặt hay tên, cũng có nhiều người chưa từng quen biết. Thế nhưng 70 năm trước, có thể họ đã từng chiến đấu trên một chiến hào; từng đạp lên đèo dốc hiểm trở để đưa pháo vào trận địa; từng vượt qua mưa bom bão đạn trên cung đường tải lương; từng ôm nhau khóc mừng chiến thắng, hay cùng hát vang khúc khải hoàn ca khi lá cờ quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ-Cát... Dù có thể chưa từng gặp mặt, nhưng họ có chung một danh từ gọi tên: Là đồng đội, là thanh niên xung phong, là dân công hỏa tuyến. Và trên hết thảy, họ là những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Họ đã không tiếc dâng hiến thanh xuân, mồ hôi và xương máu cho Điện Biên Phủ toàn thắng, mà nhờ đó, nhân loại biết đến hai tiếng “Việt Nam” như là đại diện cho chính nghĩa và chiến thắng.

“Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!

Tình đồng đội. (Ảnh minh Hiếu).

Cuộc gặp mặt cũng là để vinh danh và tri ân những người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường – “những người anh hùng thứ nhất”. Đồng thời, cũng là để nhắc nhớ hậu thế, dù là 7 thập kỷ hay 7 thế kỷ nữa có qua đi, thì chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử trong thiên sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng ấy sẽ luôn luôn nhắc nhở hậu thế về tinh thần, về quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta, dù trong bất kỳ hoàn cảnh cam go, khốc liệt nhất. Đồng thời, Điện Biên Phủ không còn là cái tên, là danh xưng, mà đã trở thành một biểu tượng hay “cái mốc chói lọi bằng vàng”, để nhắc nhớ chúng ta luôn biết trân trọng, tự hào, hàm ơn và hơn hết là luôn sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức. Bởi, như Bác Hồ đã căn dặn: “Để tranh lấy thắng lợi mới, chúng ta phải ra sức vượt khó khăn mới; quân, dân và cán bộ ta, mỗi người phải ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ, tuyệt đối chớ khinh địch, chớ chủ quan. Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!.

Nếu “lịch sử là bài học của tương lai”, thì khi đứng trước những “chứng nhân sống lịch sử” rất chân thật, rất con người nhưng vô cùng vĩ đại này, đã cho chúng ta một bài học hết sức quý giá và đầy thuyết phục, rằng: Dân tộc ta đã chiến thắng kẻ thù hùng mạnh không phải bằng vũ khí tối tân, mà bằng sức mạnh ý chí còn cứng hơn sắt thép vẫn luôn nung nấu trong mỗi con người Việt Nam yêu nước. Trong công cuộc bảo vệ và dựng xây Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay, chắc hẳn có “nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”. Đó là Điện Biên Phủ của những thách thức do tình hình thế giới tác động và cả những khó khăn nội tại cần khắc phục. Song đó còn là Điện Biên Phủ của tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường mạnh mẽ và của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong thời đại ngày nay, khi mà độc lập dân tộc vẫn là vấn đề sống còn, thì tinh thần Điện Biên Phủ vẫn luôn ngời sáng. Để rồi, dưới ánh sáng bất diệt của tinh thần Điện Biên Phủ, khí phách Điện Biên Phủ và những bài học đắt giá từ Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tin tưởng để nỗ lực, quyết tâm làm nên những “kỳ tích Điện Biên Phủ” cho quốc gia - dân tộc trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Trách nhiệm vinh quang ấy, trước hết thuộc về thế hệ trẻ hôm nay - những người đã và đang được thừa hưởng di sản truyền thống hào hùng cha ông đã vun đắp, trao truyền. Như lời tâm sự của em Lê Nguyễn Mai Phương, học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn tại buổi gặp mặt: “Chúng cháu hiểu rằng, biết bao thế hệ trẻ Việt Nam hôm qua đã bình thản trước cái chết, sẵn sàng dâng hiến thanh xuân của mình cho mùa xuân hoà bình tươi sáng của dân tộc. Bởi vì những con người Việt Nam ưu tú ấy đã đặt niềm tin vào những người đang sống, những người sẽ sống, sẽ thay họ bước tiếp con đường bảo vệ và xây dựng đất nước, để biết bao máu xương đã đổ xuống không trở nên vô nghĩa”.

“Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!

Đại biểu về dự buổi gặp mặt . (Ảnh: Minh Hiếu).

“Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của một tư tưởng chiến lược ưu việt. Điện Biên Phủ chủ yếu là thắng lợi của Nhân dân, của con người Việt Nam”. Thiết nghĩ, đó là nhận xét rất xác đáng. Bởi, suy cho cùng thì chính lòng yêu nước nồng nàn trong mỗi con người Việt Nam, mới là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng vĩ đại. Để rồi, những con người của 2 thế hệ già và trẻ, của 2 giai đoạn chiến tranh và hòa bình – có mặt tại sự kiện đầy xúc động ngày hôm nay – cũng là đang truyền lửa và tiếp lửa yêu nước, để ngọn lửa ấy thắp dậy một “Điện Biên Phủ” thời đại mới: Đó là tương lai dân tộc bước vào “kỷ nguyên ánh sáng” của phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Khôi Nguyên

Tin liên quan:
Tin liên quan:
  • “Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!
    Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...

    Đi qua chiến tranh, ký ức về một thời hoa lửa với người lính - nói như một tác gia, tựa hồ đã như gió quét lá khô, để sống giữa đời thường bình dị, an yên. Thế nhưng, nước mắt hội ngộ lại trào ra bởi những khúc tráng ca dội về trong ngày gặp mặt. Họ, những người lính Nguyên Phong thời đại Hồ Chí Minh đã “Bạch đầu quân sĩ tại”, song mỗi người vẫn là một mảnh ghép sống động về Điện Biên Phủ, rất đỗi kiêu hùng mà sao bình dị đến thế. Báo Thanh Hóa lược ghi những dòng tâm sự trong ngày gặp mặt, trân trọng gửi tới quý độc giả.

  • “Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!
    Tinh thần và khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận hội mới của ...

    Tại Chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng thời nêu bật niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Báo Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí.

  • “Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!
    Phát huy tinh thần Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để hiện thực hóa được khát ...

    Tại Chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có bài phát tri ân sâu sắc tới các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời khẳng định ý nghĩa quan trọng của các sự kiện Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, trước mắt hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm 2024. Báo Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]