Một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 so với các quy định trước đây (Kỳ 1)
Ngày 15/6/2022, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Với việc thông qua Luật Thi đua, khen thưởng đã bãi bỏ hiệu lực của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích từ ngữ
Về phạm vi điều chỉnh, Luật năm 2003 gồm 8 chương, 96 điều quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. So với Luật năm 2022 gồm 8 chương, 103 điều thì phạm vi điều chỉnh không có gì thay đổi. Tuy nhiên, Luật năm 2022 ngoài việc điều chỉnh tên một số Chương còn thay đổi hoàn toàn tên Chương 6 từ “Quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng” thành “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về thi đua, khen thưởng”. Với sự thay đổi này cho thấy quy định mới đã khẳng định cụ thể hơn, chi tiết hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Về đối tượng áp dụng, không những được áp dụng đối với cá nhân, tập thể người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân, tập thể người nước ngoài theo quy định tại Luật năm 2003 mà Luật năm 2022 còn mở rộng thêm đối tượng áp dụng, đó là hộ gia đình người Việt Nam và cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Về giải thích từ ngữ, ngoài việc điều chỉnh một số khái niệm về thi đua, khen thưởng và danh hiệu thi đua thì Luật năm 2022 đã bổ sung thêm 3 khái niệm mới: sáng kiến; Bộ, ban, ngành, tỉnh và năm tròn.
Về mục tiêu và nguyên tắc thi đua khen thưởng
Về mục tiêu thi đua, khen thưởng, so với việc chỉ quy định mục tiêu thi đua trong Luật năm 2003 và mục tiêu này cũng được điều chỉnh, bổ sung trong Luật năm 2013 thì Luật năm 2022 quy định rất cụ thể, chi tiết, rõ ràng mục tiêu của thi đua, mục tiêu của khen thưởng tại Điều 4 Luật này, cụ thể:
- Mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về nguyên tắc thi đua, khen thưởng
Nguyên tắc thi đua: Trên cơ sở giữ nguyên các nguyên tắc được quy định tại Luật năm 2003, Luật năm 2022 bổ sung thêm nguyên tắc minh bạch vào “Tự nguyện, tự giác, công khai” thành “Tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch”.
Nguyên tắc khen thưởng: Đối với vấn đề này, ngoài việc cơ bản vẫn áp dụng nguyên tắc “Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng” và “Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời” theo quy định tại Luật năm 2003; được sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì Luật năm 2022 đã có sự điều chỉnh, bổ sung rất rõ ràng. Theo đó, nguyên tắc khen thưởng được xác định tại khoản 2 Điều 5 Luật năm 2022 như sau:
- Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;
- Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;
- Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;
- Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua khen thưởng.
Về các loại hình khen thưởng, hình thức khen thưởng và căn cứ xét khen thưởng
Về các loại hình khen thưởng, so với Luật năm 2003 chỉ dừng ở mức nêu các loại hình khen thưởng thì Luật năm 2022 đã giải thích rõ từng loại hình khen thưởng đồng thời bổ sung thêm hình thức khen thưởng công trạng, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng phong trào thi đua và bãi bỏ hình thức khen thưởng thường xuyên, khen thưởng qua tổng kết thành tích các giai đoạn cách mạng.
Về các hình thức khen thưởng, Luật năm 2022 cơ bản vẫn giữ nguyên các hình thức khen thưởng theo quy định tại Luật năm 2003, chỉ bãi bỏ một hình thức khen thưởng là Huy hiệu. Theo đó, các hình thức khen thưởng được quy định tại Điều 9 Luật năm 2022 gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; Kỷ niệm chương; Bằng khen và Giấy khen.
Về căn cứ xét khen thưởng, Điều 10 Luật năm 2022 xác định căn cứ xét khen thưởng gồm: “Thành tích đạt được; Tiêu chuẩn khen thưởng; Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích”. Điều này có nghĩa là so với quy định tại Luật năm 2003 thì văn bản mới đã bãi bỏ căn cứ “Phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích”; bổ sung căn cứ “Thành tích đạt được; điều chỉnh căn cứ “Trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” và giữ nguyên căn cứ “Tiêu chuẩn khen thưởng”.
Về danh hiệu thi đua, căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua
Về danh hiệu thi đua, Luật năm 2022 và 2003 vẫn thống nhất danh hiệu thi hiệu gồm: Danh hiệu thi đua đối với cá nhân; Danh hiệu thi đua đối với tập thể; Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình.
Về căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, so với Luật năm 2003, Luật năm 2022 đã bãi bỏ căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua “Đăng ký tham gia thi đua”. Theo đó, căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua chỉ còn: “Phong trào thi đua”; “Thành tích thi đua” và “Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua”.
Về quỹ thi đua khen thưởng
Đây có thể xem như là điểm mới vô cùng quan trọng trong quy định về công tác thi đua, khen thưởng. Với vấn đề này, Luật năm 2003 mới chỉ dừng ở mức quy định một cách chung về ngân sách dành cho công tác thi đua, khen thưởng tại Điều 11, đó là “Nhà nước dành ngân sách thích đáng cho công tác thi đua, khen thưởng; khuyến khích mọi cá nhân, tập thể người Việt Nam và nước ngoài tham gia đóng góp vào Quỹ thi đua, khen thưởng của Nhà nước”. Tuy nhiên, đến Luật năm 2022, tại Điều 11 của Luật này không những xác định rõ nguồn gốc hình thành quỹ thi đua, khen thưởng mà còn nêu chi tiết từng nội dung cần chi thưởng; trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong việc tổ chức thực hiện quỹ này. Theo đó:
- Quỹ thi đua, khen thưởng được hình thành trên cơ sở ngân sách nhà nước, từ quỹ thi đua, khen thưởng của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác, sự đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, cá nhân, tổ chức nước ngoài và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
- Quỹ thi đua, khen thưởng được dùng để chi tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chi in, làm hiện vật khen thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình.
- Bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị lập quỹ thi đua, khen thưởng để chi tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, chế độ về khen thưởng theo đúng quy định của pháp luật.
- Người ra quyết định khen thưởng có trách nhiệm chi trả thưởng từ quỹ thi đua, khen thưởng do cấp mình quản lý; trường hợp Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng thì cơ quan đã đề nghị khen thưởng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 83 Luật này có trách nhiệm chi thưởng từ quỹ thi đua, khen thưởng do cấp mình quản lý.
- Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng.
Về hiện vật khen thưởng
Đây là điểm mới, khác biệt quan trọng trong Luật năm 2022 so với các quy định cũ. Vì đây là lần đầu tiên trong Luật liên quan đến thi đua, khen thưởng Quốc hội đã quy định cụ thể về hiện vật khen thưởng so với những quy định mang tính chung chung về hình thức khen thưởng trong những văn bản trước đây. Theo đó, Điều 12 Luật năm 2022 xác định:
- Hiện vật khen thưởng là sản phẩm đặc biệt, được Nhà nước bảo hộ để tặng cho tập thể, hộ gia đình, tặng hoặc truy tặng cho cá nhân khi được cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng, gồm huân chương, huy chương; huy hiệu của danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động”, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; kỷ niệm chương; bằng, cờ, giấy khen của các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
- Chính phủ quy định chi tiết mẫu, màu sắc, số sao, số vạch cho từng loại, hạng huân chương, huy chương, huy hiệu của danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động”, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, kỷ niệm chương; chất liệu, kích thước khung các loại huân chương, huy chương, bằng, cờ, giấy khen của các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; thủ tục cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng.
Đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng
So với việc chỉ dừng ở mức quy định rất chung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác tại Điều 9, Điều 12 và Điều 13 Luật năm 2003 thì Luật năm 2022 xác định rất rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cơ quan, cá nhân có liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng từ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị tham mưu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng.
Đặc biệt, tại Điều 14 Luật năm 2022 đã quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức Việt Nam khi nhận hình thức khen thưởng của cá nhân, tổ chức nước ngoài. Theo đó: cá nhân, tổ chức Việt Nam khi nhận hình thức khen thưởng của cá nhân, tổ chức nước ngoài phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng ý hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong thi đua, khen thưởng
Ngoài việc giữ nguyên các hành vi “Tổ chức thi đua, khen thưởng trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng thi đua, khen thưởng để vụ lợi” và “Kê khai gian dối, làm giả hồ sơ, xác nhận, đề nghị sai trong thi đua, khen thưởng” theo Luật năm 2003 thì Luật năm 2022 đã điều chỉnh và bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trong thi đua, khen thưởng tại khoản 2, 4, 5, 6 Điều 15 gồm: cản trở, nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trái pháp luật; sử dụng hiện vật khen thưởng trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, tác động xấu đến xã hội và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trái quy định của pháp luật.
* Qua một số điểm mới của Luật năm 2022 được trình bày ở trên, có thể thấy rõ một số hiệu quả mà văn bản này sẽ đem lại đối với công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, với sự ra đời của Luật năm 2022 đã bãi bỏ rất nhiều văn bản cũng quy định về vấn đề này. Đây sẽ là cơ sở pháp lý cơ bản nhất giúp những người trực tiếp thực hiện công tác thi đua, khen thưởng mà không phải nghiên cứu, tìm hiểu nhiều loại văn bản khác nhau. Do đó, sẽ dễ tra cứu, dễ theo dõi, dễ áp dụng vào thực tế hơn so với trước đây.
Thứ hai, trên cơ sở những quy định chung được quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn rất nhiều so với những quy định cũ sẽ làm tiền đề cơ bản, đơn giản nhưng thống nhất để các cơ quan, đơn vị tiến tới áp dụng thực hiện công tác thi đua, khen thưởng một cách thuận lợi hơn.
Thứ ba, với sự bổ sung một cách cụ thể, chi tiết các quy định liên quan đến quỹ thi đua, khen thưởng; hiện vật khen thưởng cũng như xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác thi đua, khen thưởng sẽ là tiền đề quan trọng giúp các đơn vị này tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng một cách thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.
Thi đua, khen thưởng là công tác không thể thiếu trong hoạt động của tất cả các cơ quan, đơn vị từ khu vực công đến khu vực tư; là hoạt động thường xuyên và bắt buộc của tất cả các cơ quan, đơn vị nói riêng và tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị nói chung. Sự ra đời của Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng, sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với công tác này trong giai đoạn hiện nay. Với cơ sở pháp lý này, công tác thi đua, khen thưởng của các cơ quan trong hệ thống các cơ quan nhà nước nói riêng cũng như của tất cả các cơ quan, tổ chức nói chung trong hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần vào sự phát triển bền vững của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Lê Ngọc Khánh
Trưởng ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Thanh Hóa
{name} - {time}
-
2025-01-15 12:28:00
Như Xuân đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật
-
2025-01-15 12:26:00
Điểm nóng 15/1: Cô gái trẻ nghi bắt cóc cháu bé 4 tuổi ở Hải Phòng, chưa rõ động cơ
-
2024-01-18 15:22:00
Chủ động chống buôn lậu và hàng cấm qua cảng biển Nghi Sơn
Hoằng Hoá: Bắt 11 đối tượng phạm tội ma túy trong tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm
Bắt quả tang đối tượng tàng trữ, mua bán súng săn và các linh kiện súng
Thông báo cưỡng chế đối với hộ dân chuyển đổi đất nông nghiệp sai quy định tại xã Cầu Lộc
Phường Phú Sơn bảo đảm an ninh - trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Công an huyện Yên Định bắt 2 đối tượng chuyên cho vay lãi nặng
Ngăn chặn thêm một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội
Các phương thức, thủ đoạn dụ dỗ đưa người xuất cảnh, vượt biên trái phép
Hiệu quả từ những ca tuần tra vũ trang
TP Thanh Hóa kiên quyết không để người dân nổ pháo trái phép trong đêm giao thừa