(Baothanhhoa.vn) - Mường Khoòng - một trong những Mường lớn của người Thái cổ ở xứ Thanh, nơi được coi là “cái nôi” của văn hóa Thái vì còn hội tụ đầy đủ tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán sinh hoạt. Ông Hà Nam Ninh, một nghệ nhân cao tuổi của vùng đất Mường, nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước - người được mệnh danh là “người thầy chữ Thái” trên vùng sơn cước đã có đóng góp lớn trong việc giữ gìn, truyền dạy chữ Thái cổ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người giữ “hồn” Thái qua những con chữ

Mường Khoòng - một trong những Mường lớn của người Thái cổ ở xứ Thanh, nơi được coi là “cái nôi” của văn hóa Thái vì còn hội tụ đầy đủ tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán sinh hoạt. Ông Hà Nam Ninh, một nghệ nhân cao tuổi của vùng đất Mường, nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước - người được mệnh danh là “người thầy chữ Thái” trên vùng sơn cước đã có đóng góp lớn trong việc giữ gìn, truyền dạy chữ Thái cổ.

Người giữ “hồn” Thái qua những con chữ

Những cuốn tài liệu do thầy Hà Nam Ninh dịch và biên soạn.

Đam mê từ thuở thiếu thời

Từ TP Thanh Hóa, dọc theo Quốc lộ 217, chúng tôi tìm đến nhà ông Hà Nam Ninh ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước). Khác với vẻ ồn ào, náo nhiệt của một thị trấn đang chuyển mình, qua con dốc khá cao, chúng tôi lọt vào khuôn viên như bước vào một dòng văn hóa khác. Nhìn trước ngó sau chỉ thấy bóng nhà sàn, những chiếc lá đa rụng bên hiên vắng... ngôi nhà sàn trầm ngâm trong nắng trưa, gợi bao háo hức cho những vị khách từ phố thị.

Trong nếp nhà sàn đã cũ, mang hơi hướng truyền thống của đồng bào Thái, ngay bên bờ sông Mã, nghệ nhân Hà Nam Ninh dáng người dong dỏng cao, đang ngồi ngay giữa nhà, xung quanh chỉ toàn tài liệu về tiếng Thái. Dù đã hơn 70, nhưng giọng nói và ánh mắt của ông vẫn nhanh nhẹn, có sức truyền cảm, lôi cuốn người tiếp xúc. Sau tuần trà mời khách, ông kể về cuộc đời gắn liền với văn hóa Thái của dân tộc mình.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình người dân tộc Thái ở vùng đất Mường Khoòng, ông rất tự hào về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Ông cho biết, người Thái quê ông sống chân chất, tuy nghèo khó nhưng trong cuộc sống mưu sinh của mình, họ đã tạo dựng, hun đúc được phong tục, tập quán và đặc biệt là chữ Thái – phương tiện ghi chép văn tự và sáng tác văn học. Từ nhỏ, ông đã được cha mẹ dạy nói tiếng Thái và văn hóa bản địa. Ông được thừa hưởng văn hóa Thái từ cha mẹ, người thân và đặc biệt là người dân tộc Thái qua các lễ hội, trò chơi, qua dựng cửa dựng nhà và phong tục, tập quán chỉ nơi đây mới có được.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ ông chỉ có thể nói và giao tiếp bằng tiếng Thái, nhưng không thể đọc và viết được chữ. Cái duyên đến với ông cũng tình cờ lắm. Vừa nhâm nhi cốc nước chè, ông kể: Người thầy đầu tiên đưa tôi đến với con chữ là thầy Hà Văn Ban (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa), là nhà văn hóa Thái rất giỏi. Khi ấy, thầy Ban vừa xuất bản cuốn “Trường ca U Thềm” chỉ viết bằng tiếng Thái, mà không có bản dịch. Vì muốn tìm hiểu thêm văn hóa dân tộc, nên tôi đã mạnh dạn xin theo thầy học chữ.

Sau một thời gian mày mò tìm hiểu, ông Hà Nam Ninh đã đọc và hiểu được nhiều truyện của người Thái. Năm 1992, ông đã có thể đọc và viết được chữ Thái. Lúc ấy, ông đã mạnh dạn viết thư cho thầy Ban bằng tiếng Thái. Đến năm 1993 thì ông đã thông thạo tiếng Thái. Ông luôn mong muốn, ai là người dân tộc Thái phải biết nói tiếng Thái, biết làn điệu Khặp, hiểu được cái nguồn, cái gốc, mới quý trọng bản sắc của dân tộc. Với trọng trách của một người con dân tộc Thái trong việc nối truyền những nét văn hóa đặc trưng của cha ông để lại, ông đã thu thập những tư liệu về các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán của người Thái đã và đang dần mất đi.

Giữ “hồn” cho người Thái

Sau nhiều năm dạy học ở trường THCS, rồi qua nhiều chức danh chính quyền, đoàn thể ở huyện Bá Thước, ông nhận ra nhiều điều. Cuộc sống càng hiện đại thì phong tục, tập quán đặc sắc ngày càng thay đổi và có dấu hiệu mai một. Hiện nay, tiếng Thái vẫn đang được sử dụng phổ biến ở miền núi Thanh Hóa, các hình thức văn nghệ cổ truyền vẫn có sức hấp dẫn, nhưng hiện tượng lạm dụng tiếng phổ thông thay thế từ ngữ thuần Thái đang làm cho tiếng Thái giảm độ trong sáng, thuần khiết, mất dần khả năng truyền cảm của lời nói. Không cam lòng nhìn những giá trị văn hóa dân tộc bị mai một, ông đã bắt tay ngay vào việc mà không ít người gọi là vô bổ, đó là dồn hết số tiền lương hưu để đến nơi có người Thái còn duy trì được bản sắc văn hóa của dân tộc mình để tìm hiểu và ghi lại.

Để khôi phục, giữ gìn tinh hoa văn hóa quý báu của người Thái, ông Hà Nam Ninh đã phải bỏ rất nhiều thời gian về tận các bản làng xa xôi hẻo lánh để sưu tầm, ghi chép. Sau hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu, ông tiến hành biên soạn một số tài liệu về chữ Thái: Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa; Bộ dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa, Tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái...

Để dạy cho mọi người biết đọc, biết viết và hiểu ý nghĩa của từng từ, câu, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm, dịch ra tiếng phổ thông những cuốn sách cổ của người Thái, đồng thời bổ sung một số tài liệu như: Lịch sử của Nhà phủ Mường Khoòng, Truyện thơ Khăm Panh, Khun Lú - Nàng Ủa, Sống Chụ Son Sao,... đây là những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Thái ở Thanh Hóa nói riêng và người Thái ở Việt Nam nói chung.

Ông cho biết thêm: Để có giáo án dạy cho học viên, tôi luôn phải đổi mới và tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Tôi tập trung soạn ra những bài giảng gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày giúp học viên dễ dàng tiếp cận, dễ hiểu, dễ tiếp thu và nhanh chóng giao tiếp được. Trong đó tôi kết hợp sử dụng những từ Thái cổ và những từ gần với tiếng Việt nhất. Có như vậy mới làm ngôn ngữ Thái giữ được tính nguyên bản của nó.

Sách chữ Thái lưu giữ ngôn ngữ cổ, thuần khiết và chứa đựng nhiều hình thức biểu đạt diễn cảm, mượt mà, giàu hình tượng. Tiếng Thái có cấu tạo ngữ pháp giống như tiếng Việt nên dễ học, phù hợp với tư duy chung của các tộc người trong khu vực và vốn từ vựng dồi dào, phong phú.

Khi ông được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ trực tiếp đi dạy cho cán bộ và người dân, số lượng người biết chữ Thái đã không ngừng tăng. Năm 2006, theo khảo sát của ông, cả tỉnh Thanh Hóa chỉ có khoảng 20 người biết đọc chữ Thái, đến nay con số đó là trên 4.000 người biết đọc, biết viết. Hiện ông vẫn đang tham gia giảng dạy chữ Thái cho sinh viên khoa ngôn ngữ Trường Đại học Hồng Đức, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và các ban, ngành cần học tiếng Thái. Cho đến thời điểm hiện tại, 12 học sinh được ông đào tạo có chứng chỉ sư phạm tiếng Thái đã có thể thay ông đi dạy tiếng Thái ở nhiều nơi trong tỉnh.

Với những thành tích trong công tác và việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2015 ông Hà Nam Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Cả đời cống hiến cho sự nghiệp văn hóa và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Ninh tâm sự: Bản thân tôi vinh dự và hạnh phúc lắm, bởi đây không chỉ là vinh dự cho bản thân mà còn là niềm tự hào của cả gia đình, dân tộc. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để có thật nhiều học trò tiếp nối cha ông giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ông luôn canh cánh nỗi lo nếu khi mất đi chữ viết sẽ mất đi cả nền văn hóa Thái, đặc biệt những thư tịch cổ. Ngày nay, tiếng Thái cổ ít được sử dụng và bị pha trộn quá nhiều tiếng phổ thông, thể hiện rõ trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Đặc biệt, giới trẻ đang dần quên đi văn hóa của dân tộc mình, đơn giản như câu chào của người Thái từ xa xưa giờ chẳng mấy người trẻ biết đến. Không chỉ thế, tính cố kết, tôn ti trật tự hay phong tục, tập quán trong cuộc sống thường ngày của người Thái cũng đang ngày càng phai mờ...

Trong trái tim ông Hà Nam Ninh luôn chất chứa niềm đam mê mang ngôn ngữ Thái đến với nhân dân, làm cho tiếng Thái sống lại và cũng là để tìm lại những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Thái. Cả cuộc đời luôn khát khao đem tri thức cho đồng bào vùng cao. Là một người con dân tộc Thái, đau đáu những trăn trở về việc giữ gìn nguồn cội văn hóa của cha ông mình, ông vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến sức lực của mình trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển ngôn ngữ Thái. Giúp người Thái nơi đây tìm lại những giá trị, bản sắc văn hóa mà tổ tiên họ từ bao đời gìn giữ, để lại cho hôm nay và mai sau.

Chào ông ra về, nhưng trong đầu tôi vẫn luôn văng vẳng đâu đó câu thơ mà ông đã đọc cho chúng tôi nghe: Khan pên pết nọi hã chí xo ép sáy/ Khan pên cáy nọi hã chí xo ép khăn. (Tạm dịch: Là vịt con ta xin học đẻ trứng/ Là gà con ta xin học gáy te te).

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]