(Baothanhhoa.vn) - Bất kể trời nắng hay mưa, sáng sớm hay tối mịt, trên những cung đường miền núi, những chuyến xe vẫn len lỏi qua từng thôn, bản để mang nhu yếu phẩm đến với bà con. Người ta vẫn thường ví von là cái “chợ di động”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Chợ di động” vùng núi

Bất kể trời nắng hay mưa, sáng sớm hay tối mịt, trên những cung đường miền núi, những chuyến xe vẫn len lỏi qua từng thôn, bản để mang nhu yếu phẩm đến với bà con. Người ta vẫn thường ví von là cái “chợ di động”.

“Chợ di động” vùng núi“Chợ di dộng” của chị Nguyễn Thị Loan mang thực phẩm phục vụ bà con thôn bản.

Có dịp đến nhiều xã vùng cao, không khó để bắt gặp những cái “chợ di động”. Cũng mua, cũng bán thế nhưng quá trình ấy diễn ra ở “chợ di động” lại đơn giản hơn nhiều. Hàng hóa được các tiểu thương đặt sau đuôi xe gắn máy, người bán chạy đến đâu thì rao hàng đến đó, bà con có nhu cầu sẽ gọi lại mua. Đôi khi vắng khách, tiểu thương chạy xe đến tận nhà người dân để chào hàng. Hầu hết những thực phẩm mà các tiểu thương bán cho bà con là: thịt, cá, rau và một số nhu yếu phẩm khác.

Hơn 15 năm nay, bất kể ngày nắng hay mưa, cứ tầm 3 giờ sáng mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Loan, ở thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân), lại rong ruổi cùng con “ngựa sắt” thẳng hướng về các thôn, làng của các xã Vạn Xuân, Xuân Lộc... (Thường Xuân), để bán các loại thức ăn tươi sống, thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm khô và nhu yếu phẩm khác. Quan sát kỹ “chợ di động” trên chiếc xe máy của chị Loan, chúng tôi thấy như một cửa hàng “bách hóa”. Có đến mấy chục mặt hàng như cá trắm, cá nục, tôm, thịt lợn, thịt bò, đậu khuôn, ruốc khô, cá khô, nước mắm, rồi bí bầu, rau các loại, có cả các món ăn điểm tâm như: bánh mì, bánh tráng nướng, chè thập cẩm... Tranh thủ vài phút dừng chân bán hàng cho khách, chị Loan vui vẻ cho chúng tôi biết: “Tất cả mặt hàng này tôi đều mua ở dưới xuôi. Tôi phải đặt hàng từ chiều hôm trước rồi dậy từ 3 giờ sáng đi lấy hàng chất lên xe máy, chạy bán dọc đường của các xã từ Vạn Xuân đến Xuân Lộc... đến tầm trưa là hết hàng. Nếu những mặt hàng bà con cần nhưng không sẵn, có thể dặn trước, ngày mai tôi sẽ đem lên đầy đủ. Cảm thông với người dân miền núi tiền mặt nhiều khi không có sẵn, tôi sẵn sàng ghi nợ, đến khi họ bán được lúa hoặc con gà, con lợn có tiền thì trả”.

Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm trong 15 năm rong ruổi ở các bản làng vùng cao bán hàng, chị Loan xúc động nhớ lại câu chuyện của một cụ ông chừng 80 tuổi, sống đơn thân trên một mỏm đồi ở xã Xuân Lộc. Vì sức khỏe yếu, cụ ông không xuống được dưới đường mua hàng, nên mỗi lần đi qua, chị đều leo ngược dốc mang đồ lên tận nhà bán cho cụ. Mặc dù hàng hóa cụ mua không nhiều, chỉ vài ba thứ, như: trứng vịt, cá khô, lạc hay thỉnh thoảng là mớ rau, miếng thịt...; song được phục vụ những người khách thực sự cần mình, khiến chị Loan rất vui và cố gắng duy trì công việc này qua nhiều năm.

Mặc dù tự nhận mình là người mới vào nghề, nhưng chị Đỗ Thị Hoa, ở thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) cũng có gần 5 năm làm nghề này. Cũng như chị Loan, “chợ di động” của chị Hoa có các loại thức ăn tươi sống như thịt, cá; các loại rau, củ, quả; các loại gia vị và nhiều nhu yếu phẩm khác. Địa bàn hoạt động của chị chủ yếu là các thôn, xóm thuộc xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc). Ngoài việc bán hàng và nhận tiền mặt, chị Hoa còn thực hiện giao dịch theo phương thức “hàng đổi hàng”. Đã quen với địa điểm và thời gian chị Hoa tới bán hàng, bà con ở đây thường mang chuối, mật ong rừng, gia cầm chờ sẵn bên đường để đổi lấy thịt, cá, rau, muối... Bởi vậy, có đôi khi hàng bán vừa hết thì trên xe lại đầy ắp hàng hóa khác. Chị tâm sự: “Những chuyến đi đầu tiên, tôi cảm thấy rất mệt, tưởng như không thể tiếp tục. Thế nhưng, đi nhiều trở thành quen, ngày không chạy xe bán hàng là có cảm giác như thiêu thiếu cái gì đó”. Dù mới 5 năm rong ruổi nhưng chị đã có hàng trăm câu chuyện “chợ búa” đầy thú vị. “Tôi cũng có khoảng hơn 1 năm bán hàng rong dưới TP Thanh Hóa, thu nhập gọi là tạm đủ sống, nhưng tôi lại thích đi như thế này hơn. Cuộc sống dưới đó nhộn nhịp thật, nhưng buôn bán xô bồ, chen chúc, chứ không được thong thả, thoải mái như khi đến với bà con vùng núi”. Tuy nhiên theo chị, nghề này rủi ro cũng có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Ví như nhiều lúc đang chở hàng nặng mà xe bị thủng lốp hoặc bị hỏng máy thì chỉ có “khóc”. Hay khi trời mưa đường sá ở các thôn, xóm đi lại còn khó khăn, dốc lên, dốc xuống nên việc trơn trượt ngã xe là điều rất dễ xảy ra.

Những “chợ di động” với các loại thức ăn, hàng hóa đã góp phần cung cấp thực phẩm và đồ dùng thường nhật của đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về đường sá đi lại. Chị Bùi Thị Minh, người dân ở xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc), cho biết: “Những “chợ di động” thật tiện lợi cho người dân miền núi chúng tôi. Ở nơi heo hút này, muốn mua con cá tươi, miếng thịt hay chai nước mắm, con cá khô... chỉ có thể chờ “chợ di động”, chứ đến các quán tạp hóa, hay chợ ở trung tâm xã thì rất xa. Hơn nữa, các mặt hàng của “chợ di động” cũng rất tươi ngon, mà giá cả lại phải chăng, nên chúng tôi đều rất hài lòng”.

Cung đường của những phiên “chợ di động” của chị Loan, chị Hoa... dẫu còn rất vất vả. Nhưng nhờ đó họ vừa có thể cải thiện thu nhập, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng cao, cũng chính là mang sự tiện ích và tiếng cười đến từng nhà.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]