Tại Thánh đường Hồi giáo Istiqlah ở Jakarta, trong tháng Ramadan, mỗi ngày có khoảng 3.000-5.000 suất ăn được chuẩn bị sẵn để các tín đồ từ khắp nơi tới đây cầu nguyện và cùng nhau buka puasa.

Lễ Buka Puasa tại thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á

Tại Thánh đường Hồi giáo Istiqlah ở Jakarta, trong tháng Ramadan, mỗi ngày có khoảng 3.000-5.000 suất ăn được chuẩn bị sẵn để các tín đồ từ khắp nơi tới đây cầu nguyện và cùng nhau buka puasa.

Lễ Buka Puasa tại thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á Bên ngoài Thánh đường Isiqlah. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Trong tháng Ramadan, sau một ngày dài nhịn ăn, uống, thì lễ cầu nguyện cuối buổi chiều và Buka Puasa là thời điểm mà các tín đồ mong chờ.

Trước giờ lễ quan trọng của buổi chiều, Thánh đường Hồi giáo Istiqlah ở Thủ đô Jakarta của Indonesia đã có rất đông các tín đồ tới để chờ đến giờ cầu nguyện và “xả nhịn.”

Như tất cả các thánh đường khác, đây không chỉ là nơi các tín đồ tới để cầu kinh, mà còn là nơi họ có thể tĩnh tâm, nghỉ ngơi, đọc kinh thánh và tìm đến sự bình yên, tĩnh lặng trong tinh thần.

Puasa là nghi thức quan trọng nhất trong tháng Ramadan của người Hồi giáo. Có người gọi Ramadan là “tháng nhịn ăn” hay “tháng ăn chay,” đều chưa thực sự đúng. Bởi các tín đồ Hồi giáo chỉ nhịn ăn, uống từ khi Mặt Trời mọc đến khi Mặt Trời lặn.

Sau buổi cầu nguyện chiều, khi Mặt Trời lặn, họ lại cùng nhau chia sẻ và thưởng thức bữa tối. Và trong khoảng thời gian từ khi Mặt Trời lặn đến trước khi Mặt Trời mọc, người Hồi giáo có thể tự do ăn uống.

Trong tháng Ramadan, mỗi buổi chiều đều có những bữa ăn từ thiện được tổ chức ở những nơi công cộng cho người nghèo như một phần của việc sẻ chia. Đặc biệt là các thánh đường đều chuẩn bị rất nhiều suất ăn cho nghi thức Buka Puasa, kết thúc một ngày nhịn ăn và uống.

Tiến sỹ Ismail Cawidu, thành viên Hội đồng Điều hành Thánh đường Istiqlah cho biết: Tại Thánh đường Istiqlah này, trong tháng Ramadan, mỗi ngày có khoảng 3.000-5.000 suất ăn được chuẩn bị sẵn để các tín đồ từ khắp nơi tới đây cầu nguyện và cùng nhau buka puasa. Bữa ăn này được gọi là Iftar.

Mặc dù rất đông người, và trải qua một ngày dài không hề ăn, uống, nhưng việc nhận các phần ăn diễn ra rất trật tự. Mọi người ngồi xếp hàng và các tình nguyện viên sẽ đưa các phần ăn tới tận chỗ của từng người.

Hộp đồ ăn gồm có nước uống, đặc biệt là quả chà là sẽ được dùng đầu tiên, rồi có cơm, thịt gà, sốt ớt chưng, krungpuk (như phồng tôm) và các món tráng miệng bao gồm đồ ngọt, hoa quả.

Bà Zubaidah, tín đồ ở Tomang (Tây Jakarta) cho biết: Năm nào tôi cũng đến đây vào tháng Ramadan và gần như hàng ngày trong cả tháng, chúng tôi ngồi ở sân để đợi khi buổi lễ kết thúc, chúng tôi sẽ ăn tối cùng nhau, và hôm nay là ngày đầu tiên của tháng Ramadan, có nhiều người cùng tới đây, rất đông vui.

Các tín đồ nam và nữ được bố trí ở hai khu vực riêng. Cách nhau một khoảng sân khá rộng. Việc nhịn ăn là nhằm mục đích đưa các tín hữu đến gần Thánh Allah hơn và nhắc nhở họ về những nỗi khổ của người nghèo.

Trong tháng lễ, người Hồi giáo phải tuân thủ nghiêm ngặt những lời cầu nguyện hàng ngày và dành thời gian tĩnh tâm, chiêm nghiệm tôn giáo cao độ.

Ông Ghulam, tín đồ tới từ Yogyakarta chia sẻ đã nhiều lần tới Thánh đường này trong tháng Ramadan vì đây là nơi linh thiêng. Ông và năm người trong gia đình đến rất hạnh phúc khi tới đây để cùng nhau cầu nguyện và ăn bữa Ifta,” ông nói.

Để buka puasa, nhiều tín đồ Hồi giáo chọn trở về nhà để cùng ăn tối với gia đình, trong khi nhiều người chọn đến các thánh đường để cùng chia sẻ bữa tối với các tín đồ khác sau buổi cầu nguyện vào lúc Mặt Trời lặn. Tại bữa Iftar này, họ đều rất vui vẻ vì nó đã đánh dấu một ngày Puasa thành công của họ./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]