Kiên quyết làm chuyển biến tình hình trong chấp hành pháp luật về thủy sản trên địa bàn tỉnh
Sáng 10/9, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở ngành, đoàn thể cấp tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác chống IUU; đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các đồn biên phòng tuyến biển.
Các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh dự hội nghị.
Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 1649-CV/TU ngày 13/4/2020 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU; Kế hoạch số 215-KH/TU ngày 29/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu khai mạc hội nghị.
HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành 1 Chỉ thị, 1 Công điện, 10 Kế hoạch, 58 văn bản chỉ đạo về chống khai thác IUU; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tỉnh Thanh Hóa...
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản, chống khai thác IUU. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, cửa lạch, bãi ngang, cảng cá kiên quyết không cho các tàu cá hoạt động trên biển khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, xử lý các tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân đã cơ bản chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhận thức được tác hại của hành vi khai thác IUU, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100% tổng số tàu tham gia khai thác; các cảng cá đã từng bước khắc phục hạn chế được chỉ ra trong các đợt kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tập trung lực lượng, thành lập các đoàn tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, các cửa lạch, tại cảng cá và các vụ việc phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá. Kết quả đã phát hiện lập biên bản xử lý vi phạm 105 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt trên 1 tỷ 136 triệu đồng...
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Việc xử lý vi phạm khai thác IUU còn thấp, nhiều tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên biển 10 ngày chưa xử lý, nhiều đơn vị giao xử lý nhưng không có kết quả. Vẫn còn tình trạng tàu cá không đủ điều kiện vẫn ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản; tình trạng tàu cá không cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác mà bốc tại bến cá tự phát như: kênh De (Hậu Lộc); sông Bạng thuộc phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn).
Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Còn một số chủ tàu tự ý cải hoán máy, cải hoán nghề sang các nghề cấm phát triển, hạn chế phát triển (nghề lưới kéo) để đi khai thác dẫn đến không thể đăng kiểm, cấp phép theo quy định. Cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các điều kiện của EC về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, chống khai thác IUU...
Kiên quyết làm chuyển biến tình hình trong chấp hành pháp luật về thủy sản
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các ngành trong thực hiện gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao Công an tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo số 1249 gửi Thường trực Tỉnh ủy phản ánh một số tồn tại, hạn chế và vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ: Thanh Hóa có vùng biển rộng lớn, người dân có truyền thống sản xuất mưu sinh bằng nghề biển từ lâu đời, toàn tỉnh có 6.115 tàu các loại, là một trong những tỉnh có lượng tàu lớn của cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các huyện ven biển đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý đối với hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, qua đó góp phần gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam.
HĐND tỉnh và một số huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình; hỗ trợ ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới hầm bảo quản sản phẩm.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp Bộ đội Biên phòng, Công an, UBND các huyện tăng cường quản lý nhà nước tại các bến cá, cảng cá và đã góp phần đưa hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản đi vào nền nếp, phát triển.
Với trách nhiệm trong việc góp phần gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam, chúng ta nghiêm túc nhìn nhận còn những tồn tại hạn chế đó là: Công tác cấp giấy đăng kiểm cho tàu cá còn chậm; số lượng tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản) vẫn còn. Tỷ lệ giám sát sản lượng hải sản qua cảng còn thấp; vi phạm về ghi nhật ký khai thác, vi phạm về khai thác sai vùng biển; còn nhiều tàu cá mất kết nối giám sát hành trình nhưng chưa được xử lý... Tất cả các vi phạm nêu trên đều có địa chỉ và số lượng vi phạm rõ ràng, do đó các địa phương căn cứ để vào cuộc xử lý và xác định trách nhiệm.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tổ trưởng; Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tổ phó và các thành viên gồm lãnh đạo Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh và mỗi huyện ven biển cử một đồng chí phó chủ tịch UBND tham gia tổ công tác liên ngành để rà soát các sai phạm, đồng thời tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm ở mỗi địa phương và không để kéo dài; phấn đấu trước ngày 30/9/2024 xử lý dứt điểm những tồn tại đã chỉ ra.
Ban Thường vụ các huyện, thị xã, thành phố khu vực ven biển, mà trước hết là đồng chí bí thư, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt từ nay đến ngày 30/9/2024. Các huyện, thị xã, thành phố khu vực tuyến biển cũng nên thành lập tổ công tác của mình do đồng chí Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo, có sự tham gia của chính quyền các xã ven biển và các ngành chức năng của huyện để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm, có hiệu quả.
Về xử lý sai phạm trong khai thác thủy sản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo làm rõ và xử lý đối với các trường hợp sai phạm trong đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoạt động cho tàu cá, không để tồn tại nhiều tàu cá “3 không”; không để xảy ra trong công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng...
Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các huyện, các xã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả tàu cá ra vào cảng, ra vào cửa lạch, bãi ngang, bến cá tự phát; kiên quyết xử lý đối với các tàu đi khai thác không đủ thủ tục giấy tờ, ngắt kết nối giám sát hành trình, khai thác sai vùng, sai nghề đăng ký. Đồng thời chỉ đạo các đồn biên phòng làm rõ trách nhiệm vì sao các tàu cá có vi phạm vẫn được xuất bến đi khai thác; tàu có vi phạm bị phát hiện không bị xử lý?
UBND các địa phương ven biển chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về khai thác thủy sản cho ngư dân; đồng thời chỉ đạo xử lý dứt điểm những vi phạm trong khai thác thủy sản phát sinh trên địa bàn, nhất là các hành vi không giám sát chặt chẽ việc ghi nhật ký, báo cáo khai thác; lắp đặt vận hành thiết bị giám sát hành trình... Đồng thời cụ thể hóa trách nhiệm nhiệm của các đồng chí phó chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực này để chỉ đạo xử lý và xác định trách nhiệm.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo các phòng chức năng chỉ đạo xử lý dứt điểm các trường hợp để xảy ra sai phạm trong thực hiện chính sách về thủy sản. Công an tỉnh xử lý đối với các trường hợp môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép; hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình...
Nhận thức gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam là công việc khó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngư dân. Trong đó các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phát động đợt cao điểm (từ nay đến 30/9/2024) đến đoàn viên, hội viên, các tầng lớp ngư dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về khai thác thủy sản để góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị 10 ngày/lần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang chủ trì hội nghị giao ban với các đồng chí Chủ tịch UBND các huyện, xã ven biển và các lực lượng chức năng để kiểm tra, đánh giá tình hình và tiếp tục chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh cần tháo gỡ; kiên quyết làm chuyển biến tình hình trong chấp hành pháp luật về thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Quốc Hương
{name} - {time}
-
2025-01-15 11:53:00
Trưởng Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống Nhân dân huyện Nông Cống
-
2025-01-15 11:51:00
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thăm, kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống Nhân dân huyện Quảng Xương
-
2024-09-10 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 10/9/2024
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 10/9
Điểm nóng 10/9: Kỷ luật Đảng Phó Trưởng Công an ‘ngoại tình’ với phụ nữ đang có chồng con
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 9/9
Hội nghị Tiểu ban Nội dung Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030
[Bản tin 18h] Cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 và hoàn lưu bão
Thăm hỏi động viên gia đình ngư dân bị chìm tàu trong cơn bão số 3 tại huyện Quảng Xương
[Infographics] - Dấu hiệu nhận biết nguy cơ sạt lở đất
Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn hoạt động công đoàn