Khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024
Sự kiện Hội nghị Thành phố thông minh năm 2024 có sự tham dự đại diện các Bộ, ngành, địa phương và nhiều diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực thông minh hóa đô thị, công nghệ và phát triển bền vững.
Sáng 2/12 tại Hà Nội, Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam-châu Á 2024 đã chính thức được khai mạc với chủ đề “Đô thị thông minh-Kinh tế số-Phát triển bền vững”.
Hội nghị do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra trong 2 ngày (2 – 3/12/2024).
Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định “Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam-Châu Á 2024” không chỉ là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, mà còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu khai mạch Hội nghị.
Với chủ đề xuyên suốt: “Thành phố thông minh-Kinh tế số-Phát triển bền vững” hội nghị lần này không chỉ gắn với ba mục tiêu chiến lược mà còn phản ánh những trụ cột chính của tầm nhìn chiến lược “ tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu“ trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực.
"Sự kiện hôm nay chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch và môi trường bền vững. Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn được chia sẻ tại hội nghị sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương trong khu vực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững," ông Hà Minh Hải khẳng định.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh Hội nghị này cũng là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết mạnh mẽ của Hà Nội trong việc tạo lập một môi trường hợp tác đa cấp độ, kết nối toàn cầu, kết nối chặt chẽ doanh nghiệp, các trường, viện nghiên cứu, các chuyên gia nhà khoa học, với chính quyền và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển xanh, thông minh, bền vững.
Nói về quá trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA khẳng định, mặc dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng Thủ đô đã chọn được cách tiếp cận khác hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả phục vụ, hạnh phúc của người dân.
Điều này có thể thấy qua những thành tự lớn mà Hà Nội đã đạt được như: Sẵn sàng hạ tầng 5G với 12.000 trạm BTS, và cáp quang tới 100% hộ gia đình; iHanoi đã có 1,1 triệu tài khoản; 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã được kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, và hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai ...
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA phát biểu tại sự kiện.
Cùng với Hà Nội, các địa phương khác cũng đã ghi nhận được nhiều bước tiến lớn trong việc xây dựng thành phố thông minh. Có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, hơn 50 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh và gần 200 IOC cấp huyện.
Không chỉ vậy các đô thị đều đã hoàn thiện các hạ tầng cơ bản như dữ liệu, truyền dẫn và giải pháp. Hầu hết các đô thị xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á.
"Tuy nhiên bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong biến động không ngừng của chính trị, kinh tế, công nghệ. Và chỉ có kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới có thể là câu trả lời. Chúng ta cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống, tạo ra sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa. Ngoài ra là tập trung vào những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, AI, automotive,..." ông Nguyễn Văn Khoa cho biết.
Xây dựng đô thị thông minh gắn liền với dữ liệu
Chia sẻ về quá trình triển khai thành phố thông minh của Thủ đô, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết thành phố đang trong quá trình xây dựng chi tiết các nhiệm vụ cụ thể phải triển khai thông qua Đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030."
Theo đó quan điểm của Đề án bao gồm: Kết hợp tư duy toàn cầu, giải pháp địa phương, hành động Hà Nội; Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động; Phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển thành phố thông minh; Đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị thông minh; Ưu tiên hạ tầng thông tin thông minh; Xây dựng hạ tầng dữ liệu tích hợp, chia sẻ, dùng chung, hạ tầng kết nối đồng bộ; Hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.
Hà Nội sẽ có mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng về việc phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng “Văn hiến-Văn minh-Xanh-Thông minh-Hiện đại” vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mau chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng thành phố thông minh bền vững. Xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả và nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh. Đi cùng với đó là tăng cường đào tạo và tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết, chất lượng cao.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội sẽ ưu tiên các vấn đề như giao thông đô thị, bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá, du lịch và bảo vệ môi trường nước, không khí. Để giải quyết được các ưu tiên này, Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Nói về chiến lược dữ liệu thành phố đến năm 2030, ông Nguyễn Việt Hùng khẳng định, dữ liệu sẽ mở ra không gian phát triển mới cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời trở thành nguồn lực cốt lõi để thúc đẩy Hà Nội phát triển thành đô thị thông minh, hiện đại, vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Dữ liệu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố. Không chỉ vậy, dữ liệu còn là nền tảng đảm bảo mục tiêu xây dựng Hà Nội thành một thành phố thông minh, tiên tiến, thành phố kết nối toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường quản lý và thúc đẩy sự thịnh vượng cho Thủ đô trong dài hạn.
Do đó, Hà Nội đã có những quan điểm rất rõ ràng và cụ thể về dữ liệu như: lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua dữ liệu; bảo mật và quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu; đảm bảo tính liên thông và tương thích giữa các hệ thống dữ liệu; minh bạch và trách nhiệm giải trình; thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến áp dụng các quy hoạch, quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về dữ liệu.
Ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố theo hướng bền vững. Hướng đến việc tối ưu hóa quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội trở thành một thành phố tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bền vững trong nước và khu vực.
Được biết từ nay đến 2030, với dữ liệu, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển: hạ tầng dữ liệu không gian đô thị thông minh; triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch–kiến trúc–phát triển đô thị trên địa bàn thành phố; cơ sở dữ liệu định danh– dữ liệu chủ các ngành lĩnh vực; hồ sơ dữ liệu thành phố Hà Nội; phát triển cơ sở dữ liệu và mở dữ liệu; triển khai dữ liệu giao thông và hệ thống phân tích giao thông thông minh; hệ thống phân tích dữ liệu để dự báo biến đổi dân số và lao động; kho dữ liệu và nền tảng phân tích an ninh, trật tự; phát triển cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hệ thống giám sát và cảnh báo thiên tai, phòng chống dịch bệnh.
Trong khuôn khổ khai mạc Hội nghị, đã có nhiều chia sẻ từ các chuyên gia, doanh nghiệp về phát triển thành phố thông minh như: thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và tiêu chí đánh giá đô thị thông minh bền vững; ứng dụng AI và khai phá dữ liệu lớn phục vụ phát triển thành phố thông minh; AI và dữ liệu lớn: nền tảng chiến lược cho đô thị thông minh, kinh tế số và phát triển bền vững... Bên cạnh đó là kinh nghiệm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh hay Malaysia trong việc xây dựng thành phố thông minh, thúc đẩy nền kinh tế số, phát triển bền vững.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-07 15:09:00
Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe
-
2025-01-07 14:33:00
Thực hư cuộc gọi từ số lạ khiến người dùng mất hết tiền trong tài khoản
-
2024-12-02 09:21:00
Hội nghị Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ 14
Siêu dự án cáp quang ngầm giúp tập đoàn công nghệ Meta phát triển AI
Zalo vượt qua 3 nền tảng xuyên biên giới Facebook, TikTok và Google về lượng người dùng
Khoảng 2,6 tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận Internet
Vì sao Mỹ muốn Google “chia tay” Chrome?
Mạng xã hội nào được nhiều người dùng nhất tại Việt Nam?
Lịch sử “gây tranh cãi” xung quanh việc thêm nguyên tố florua vào nước máy
Ai đang chiến thắng trong cuộc đua AI?
Chuyên gia quốc tế dự đoán lĩnh vực “lên ngôi” tại VinFuture 2024
Thuê VPS cho website: Giải pháp quản lý website mạnh mẽ và linh hoạt