Giữ sạch "vùng xanh” nơi biên viễn (Kỳ cuối): “Làm sạch” đã khó, “giữ sạch” càng khó hơn
Sau những cuộc chiến đầy cam go với tội phạm ma túy của các lực lượng chức năng, những “đại ca”, “ông trùm” đã được đưa vào nhà đá, nhiều đường dây bị bóc gỡ, con nghiện được quản lý... Nhưng rồi khi mà phía ngoại biên còn nóng bỏng, thì liệu những “vùng xanh” ấy mới được chuyển hóa có được giữ vững?.
Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu tái định cư, nhiều hộ gia đình ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) đã vơi phần vất vả. Ảnh: P.V
Hiện hữu nguy cơ
Khó có thể trả lời câu hỏi ấy trong một sớm, một chiều. Bởi đó là cả một hành trình dài mà cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương đã và đang đi, nhưng hiệu quả thế nào thì vẫn cần thời gian chứng minh. Chỉ biết rằng, để chuyển hóa những tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, các lực lượng chức năng đã chật vật ngày đêm nơi rừng sâu núi cao, mật phục, trực chiến, giáp mặt với hiểm nguy sinh tử. Và đã có không ít cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh xương máu, hoặc mãi mãi ra đi vì bình yên bản làng nơi biên cương Tổ quốc.
Từ khi thực hiện cao điểm phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh và kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy huyện Mường Lát, cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) đã được điều động với mức cao nhất lên tuyến đầu “chia lửa” với vùng biên. Và trong những cuộc đụng độ ấy, phải đối mặt với tội phạm ma túy manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” chống trả hòng thoát thân, nhưng vì phía sau là bình yên của Tổ quốc, vì hạnh phúc Nhân dân, họ đã quả cảm đương đầu.
Như tại tụ điểm Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát) nằm biệt lập bên dòng sông Mã, đường vào đã khó, đường bản lại cheo leo, độc đạo, lực lượng công an tiếp cận chẳng dễ dàng gì. Bên trong có 2 điểm phức tạp về ma túy, cấp “hàng” cho con nghiện trong bản và vùng lân cận. Đó còn chưa kể, các đường dây mua bán “cái chết trắng” thường xuyên lợi dụng địa bàn này làm điểm tập kết và trung chuyển ma túy từ Lào về. Mà trước năm 2021, Tà Cóm còn có “bề dày thành tích ma túy”, khi có tới quá nửa hộ gia đình trong bản có người nghiện, 12 đối tượng chấp hành án phạt tù, 17 đối tượng tù tha, trong đó có 15 đối tượng tù tha về ma túy. Vậy nên cũng dễ hiểu người dân đã quen và xem ma túy làm bạn, những tên buôn “cái chết” cũng làm bạn, sẵn sàng dùng súng tự chế, chống trả lực lượng công an.
Khó khăn là thế, nhưng bằng cách làm bài bản, khoa học của lực lượng công an, bộ đội biên phòng, đầu tiên là tuyên truyền, vận động, sau là tấn công trấn áp, những tên trùm sỏ, như Thào A Lồng (SN 1992), Giàng Thị Chu (SN 1993), Sùng A Sê (SN 1977), Phàng Thị Sâu (SN 1978)... lần lượt bị bắt về quy án. Nhiều con nghiện trong bản cũng tự nguyện đi cai. Tà Cóm đã bình yên trở lại.
Không những Tà Cóm, những “điểm nóng” ma túy ở các huyện vùng biên xứ Thanh cũng đã “hạ nhiệt”, như bản Cặt, xã Nhi Sơn, bản Khằm 1, xã Trung Lý, bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát), hay các bản: Pạo, Ta Bá, xã Trung Sơn (Quan Hóa)... Cuộc sống đã yên vui, bản làng đang dần khởi sắc.
Thế nhưng, sự yên vui, khởi sắc ấy liệu có dài lâu, khi mà tù có hạn, những “đại ca”, “ông trùm” kia sẽ trở về, con nghiện sau cai cũng trở về... liệu có quyết tâm làm lại cuộc đời?. Trong khi ở bên kia đường biên giới, nguồn cung ma túy vẫn dồi dào, như vòi nước chỉ cần được mở khóa. Và rồi, khi một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa học hết lớp 9 đã phải làm bố làm mẹ với lít nhít những đứa con, cuộc mưu sinh dựa vào nương ngô, ruộng sắn... liệu có đứng vững trước cám dỗ đồng tiền... Còn chưa kể, tội phạm về ma túy ở các huyện vùng biên đang trẻ hóa, mà minh chứng điển hình là năm 2023 Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát đã phải mở phiên tòa lưu động xét xử một vụ án ma túy có 2 bị can là học sinh bậc THPT.
Thế mới biết, dù hiện tại đã “sạch” về ma túy, nhiều “vùng đỏ” đã được chuyển hóa thành “vùng xanh”, nhưng biên viễn xứ Thanh xa xôi vẫn còn là mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ cho những kẻ đi buôn “thần chết” kiếm chác. Mà ma túy chẳng những hủy hoại giống nòi, băng hoại đạo đức xã hội, còn là nguồn cơn làm phát sinh thêm tội phạm trộm cắp, cờ bạc, hiếp dâm, giết người... làm phức tạp an ninh trật tự, an ninh biên giới quốc gia. Vậy nên, sau làm “sạch”, câu chuyện giữ “sạch” địa bàn ma túy ở vùng biên viễn đã là việc cấp bách.
Là người trực tiếp có mặt trong những ngày dài chỉ huy các lực lượng đánh án ở nhiều điểm nóng trên vùng biên xứ Thanh, Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) hiểu khá rõ về các địa bàn chuyển hóa. Ông cho rằng, để giữ “sạch” địa bàn ma túy, các cấp ủy, chính quyền, nhất là ở các địa bàn giáp biên, những nơi đã từng là “điểm nóng” ma túy cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trong đó cần tích cực đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho Nhân dân, nhất là tuyên truyền tác hại của ma túy. Đồng thời quản lý chặt chẽ người nghiện, không để phát sinh người nghiện mới và tạo công ăn việc làm cho người nghiện sau cai...
“Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục đấu tranh mạnh hơn nữa, triệt xóa các điểm, tụ điểm, đường dây ma túy với phương châm: Đánh cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không đánh khúc giữa và xác định rõ quan điểm tuyệt đối không bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy khi chưa làm rõ được nguồn cung của đối tượng. Đồng thời chủ động phối hợp với lực lượng chuyên trách của các tỉnh giáp ranh và nước bạn Lào trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy”, Thượng tá Lê Khắc Minh chia sẻ.
Dân sinh là cốt lõi
Đấu tranh phòng, chống ma túy đã được xác định là nhiệm vụ không của riêng ai, và cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi đã quan tâm làm tốt công tác phòng ngừa bằng nhiều cách làm đúng, trúng, hiệu quả. Mà việc tuyên truyền pháp luật, tác hại về ma túy và chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân dẫu là nhiệm vụ khó khăn, nhưng lại phù hợp nhất. Câu chuyện ở xã Trung Sơn (Quan Hóa) đang là một ví dụ điển hình.
Chợ Trung Sơn (Quan Hóa) đang là nơi giao thương buôn bán giữa Quan Hóa và khu vực lân cận ở Hòa Bình, Sơn La, Mường Lát. Ảnh: Đỗ Đức
Tại đây, khi tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, Huyện ủy Quan Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc làm tốt công tác phòng ngừa thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với đa dạng hình thức, hấp dẫn nội dung, phù hợp với trình độ hiểu biết và phong tục tập quán người dân. Đồng thời quan tâm bố trí sắp xếp cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, công an, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Và không chỉ huy động lực lượng đấu tranh, triệt xóa các điểm ma túy phức tạp, huyện Quan Hóa đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của người dân, mà việc đầu tư, đưa vào vận hành kinh doanh chợ Trung Sơn là một minh chứng rõ ràng.
Theo Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Phạm Văn Diện, đi vào hoạt động từ cuối năm 2023 đến nay, chợ Trung Sơn đã góp phần thúc đẩy giao thương buôn bán, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Tiểu thương trong chợ không chỉ có người địa phương mà còn đến từ huyện Mường Lát, tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình.
Câu chuyện về dân sinh còn có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với công cuộc phòng, chống ma túy tại huyện Mường Lát. Bởi ở đây, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trong khi trình độ dân trí còn chưa cao, tập quán canh tác còn lạc hậu... Vậy nên, bên cạnh sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, Mường Lát còn cả hành trình dài phía trước. Bí thư Huyện ủy Hà Văn Ca cho rằng, một giải pháp rất quan trọng là cấp ủy, chính quyền địa phương phải tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện ủy Mường Lát về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung làm tốt công tác phòng ngừa thông qua tuyên truyền, vận động người dân không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy; quan tâm phát triển các mô hình kinh tế mang lại thu nhập, hiệu quả cao để cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân...
Rõ ràng, mục tiêu giữ “sạch” địa bàn ma túy đối với các huyện vùng biên xứ Thanh đang là cả một hành trình dài, có tính thường xuyên, liên tục và cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Dẫu đó chẳng phải là chuyện một sớm một chiều, và phía trước còn vô vàn gian nan thách thức, nhưng tôi tin vùng biên rồi sẽ sạch bong ma túy, để thắp lên hy vọng cho bao phận người thậm khổ, cho những đứa trẻ sinh ra đã bị quẳng vào cùng cực nỗi đau... Thế nên việc loại bỏ ma túy và giữ sạch địa bàn ma túy, không hẳn chỉ còn ở lý trí, sự quyết tâm, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, vì người dân, phục vụ người dân và giữ yên cương thổ...
Phóng sự dài kỳ của Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2025-01-13 17:40:00
Vì sao xe đưa đón học sinh chưa được sơn màu vàng đậm?
-
2025-01-13 14:59:00
Lượng tìm kiếm về xử phạt giao thông tăng mạnh sau Nghị định 168
-
2024-06-26 14:56:00
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản thi hành 4 Luật
Đồn Biên phòng Sầm Sơn bắt quả tang 2 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
Hồ sơ vụ án | Trúng lô đề người đàn ông bị 2 mẹ con nhà cái sát hại dã man
Nhân ngày phòng, chống ma túy (26/6): Quyết liệt phòng, chống tội phạm ma túy
Tiêu huỷ hơn 16.400 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ
[Video] Triệt xóa đường dây mua bán ma túy từ Hà Nội về TP.Thanh Hóa
Nha khoa Valis tiếp tục bị xử phạt và đình chỉ hoạt động
Công an huyện Quan Sơn tăng cường tuyên truyền phòng, chống ma túy
Bắt khẩn cấp đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá hơn 1.000 tỷ đồng
Cán bộ Agribank Nam Thanh Hóa ngăn chặn thành công vụ lừa đảo trên mạng xã hội