(Baothanhhoa.vn) - Ở nghệ thuật hát ca trù xứ Thanh, có lẽ không ai là không biết tới Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Hương (nghệ danh Thiên Hương) không những là ca nương giỏi, chị còn nổi tiếng là người “ươm mầm” tương lai cho thế hệ trẻ.

Nguyễn Thị Hương - nghệ nhân “ươm mầm” tương lai

Ở nghệ thuật hát ca trù xứ Thanh, có lẽ không ai là không biết tới Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Hương (nghệ danh Thiên Hương) không những là ca nương giỏi, chị còn nổi tiếng là người “ươm mầm” tương lai cho thế hệ trẻ.

Nguyễn Thị Hương - nghệ nhân “ươm mầm” tương laiThiên Hương (ngồi giữa) trong một buổi diễn hát ca trù. Ảnh: Phan Vân

Đến thăm NNƯT Thiên Hương trong căn nhà nhỏ rợp bóng cây xanh tại thôn Vĩnh Gia 1, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa), thấy chị đang bận in ảnh thẻ trả khách, chúng tôi ngạc nhiên hỏi thì chị cười nói: “Nghề này đã theo chị được 20 năm rồi, không có nó thì làm sao mà yên tâm ngồi luyện phách, luyện ca, rồi dạy miễn phí được!”.

NNƯT Nguyễn Thị Hương sinh năm 1975, trong một gia đình truyền thống 5 đời gắn với hát chèo, hát bội. Thời đó, gánh hát gia đình – ông cố Tình nổi tiếng khắp xa gần, bởi thế Thiên Hương ngay từ khi còn nằm nôi đã được hát ru bằng lời ca tiếng hát dân gian, cứ thế những giai điệu ngọt ngào ngấm sâu vào tâm hồn từ thuở ấu thơ. Đến khi nói thạo, cô bé Thiên Hương đã biết ngân nga một làn điệu chèo. Chèo chính là môn nghệ thuật đầu tiên chị theo học, nhưng ca trù mới là môn chị gắn trọn tuổi thanh xuân và cống hiến đến tận bây giờ.

Bị thu hút bởi ca trù, vì vậy Thiên Hương dự thi Trường Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị không thể theo học mà tìm việc làm nuôi sống bản thân. Vừa làm, Thiên Hương vừa tự học hát ca trù. Lúc đó, nghệ nhân dạy ca trù ở Thanh Hóa rất ít, Thiên Hương lại không có kinh phí nên chủ yếu là tự học. Tuy nhiên, ca trù đòi hỏi những kỹ thuật đặc biệt, dù đã giỏi hát chèo, giỏi các kỹ thuật luyện thanh, nhưng khi tiếp cận với ca trù Thiên Hương bị “sững” bởi độ khó của nó. Thiên Hương vừa tự mày mò, nghiên cứu vừa học hỏi kinh nghiệp của những đàn anh, đàn chị đi trước, sau thời gian dài tự học “tôi nhận ra kỹ thuật cốt yếu nhất của ca trù là ém hơi, nhả chữ, nghe các cụ nói nhưng không ai hướng dẫn phải thực hành thế nào, tôi cứ thử hết cách này đến cách khác, mãi rồi mới biết đến kỹ thuật thở bụng. Hít vào, phình bụng ra, sau đó ép bụng cho hơi bật ra. Hơi bật ra mạnh thì giọng ngân và vang”. Những nỗ lực không ngừng cùng với tài năng bẩm sinh khiến giọng ca của Thiên Hương ngày một điêu luyện, trở thành ca nương có tiếng.

Không chỉ “chinh phục” ca trù, Thiên Hương còn tự học hát xẩm, chầu văn và hoàn thiện kỹ năng hát chèo với mong muốn giữ gìn và truyền lửa nghệ thuật truyền thống dân gian cho thế hệ trẻ. Đây cũng là điều Thiên Hương luôn “đau đáu” trong cuộc đời.

Với khát vọng truyền lửa, trong mỗi chuyến lưu diễn, Thiên Hương luôn để tâm quan sát, tìm kiếm tài năng trẻ để dẫn dắt, bồi dưỡng. Trời không phụ người có tâm, năm 2018, trong khi đang dạy chầu văn cho các cô giáo Trường Mầm non Hoằng Kim (Hoằng Hóa), Thiên Hương phát hiện cháu Lê Huyền My 5 tuổi “giọng hát trong trẻo, đầy nội lực của em khiến tôi sướng rơn như bắt được vàng, tôi ngay lập tức liên hệ với gia đình, xin phép nhà trường để được dạy hát dân gian cho cháu”.

Để không ảnh hưởng đến thời gian học tập, tranh thủ buổi trưa, tối mỗi ngày, Thiên Hương một mình tự chạy xe đến dạy học. 5 tuổi, Huyền My chưa biết chầu văn là gì, bởi vậy Thiên Hương vừa dạy học vừa kể những câu chuyện thú vị về con người, về vẻ đẹp của chầu văn với giọng điệu hài hước, dí dỏm. Theo đó, những hướng dẫn về gạch nhịp, phách theo tiếng cười vào trí nhớ Huyền My lúc nào không hay. Hai tháng trời, cô trò vừa cười vừa học, Huyền My biết và yêu chầu văn, em cũng được rèn luyện bản lĩnh đứng trên sân khấu. Tiếng hát trong trẻo, nội lực, đầy sắc màu của em qua bài “Cô đôi thượng ngàn”, đã hoàn toàn chinh phục khán giả và ban giám khảo, em đoạt Giải nhì cuộc thi Bé khỏe, bé ngoan toàn tỉnh năm 2019.

Thành công của Huyền My khiến Trường Mầm non Hoằng Kim có những thay đổi, nhiều giáo viên nhà trường đã tìm hiểu, theo học và kiên trì với nghệ thuật dân gian, một số người trở thành nhân tố “cứng” cùng với Thiên Hương trong những chương trình khai mạc, lễ hội của huyện, tỉnh. Chị Đỗ Thị Lan, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đã có tiết học giới thiệu, hướng dẫn học sinh làm quen với nghệ thuật dân gian truyền thống, thấy học sinh hào hứng, thích thú. Với những em có năng khiếu, nhà trường cùng cô Thiên Hương sẽ bồi dưỡng để phát huy, trở thành thế hệ trẻ tiếp theo giữ lửa nghệ thuật truyền thống này”.

Với mỗi học trò, Thiên Hương lại có một giáo án khác nhau. Nguyễn Thu Hằng hiện đang là diễn viên chuyên nghiệp cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long (Quảng Ninh), đã từng đoạt Giải nhì Liên hoan Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2019. Nhận thấy Hằng sinh ra trong gia đình truyền thống nghệ thuật, chất giọng đẹp có thể rèn giũa, trau dồi thành tài. Trong 2 tháng luyện tập, nhiệt huyết “truyền lửa” của cô giáo Thiên Hương khiến Thu Hằng yêu chèo lúc nào không hay. Từ đó, Thu Hằng cũng muốn trở thành một trong nhiều người “giữ lửa” chèo.

Theo NNƯT Thiên Hương, giới trẻ bây giờ rất có đam mê tìm hiểu nghệ thuật truyền thống của cha ông. Vấn đề là chính những người truyền tải đó có thay đổi gì mới mẻ để phù hợp hơn với hoàn cảnh cũng như nhịp sống của giới trẻ hiện nay không? Tư duy này giúp Thiên Hương nhận được sự ủng hộ của học trò và thành công trong việc đào tạo những “hạt nhân” giữ gìn nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu như: Tú Anh Giải nhì Sao nhí tỏa sáng năm 2017 với thể loại ca trù, Nguyễn Thị Hồng Nhung Giải nhì Liên hoan Xẩm toàn quốc năm 2019, Nguyễn Thị Thu Hằng Giải nhì Liên hoan Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2019, Trần Thị Huệ Giải Vàng Liên hoan Ca trù toàn quốc, Lê Thị Hoa Giải Bạc Liên hoan Ca trù toàn quốc... Đến nay, không ít người trong số họ đã trở thành diễn viên chuyên nghiệp.

Hiện tại, Thiên Hương thành lập nhóm xẩm mang tên “Hương đồng nội xứ Thanh” nhằm duy trì và đưa nghệ thuật hát xẩm đến gần hơn với công chúng. Trong mỗi chương trình, tiết mục biểu diễn cá nhân, Thiên Hương đều cố gắng lồng ghép vào đó những làn điệu xẩm với mục đích giúp người nghe hiểu và yêu mến xẩm như những loại hình nghệ thuật dân gian khác.

Những nỗ lực của Thiên Hương đã và đang góp phần gìn giữ, bảo tồn những điệu hát dân gian cũng như lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống tới cộng đồng, để những làn điệu truyền thống không bị mai một theo dòng chảy của cuộc sống. Với lẽ đó, Thiên Hương được phong tặng NNƯT năm 2019.

Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]