Đằng sau chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Zelensky đến Philippines
Ngày 3/6/2024, ngay sau khi kết thúc lịch trình tại Singapore, Tổng thống Zelensky bất ngờ có chuyến thăm tới Philippines trong bối cảnh Ukraine đang rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế ở hội nghị hòa bình tổ chức tại Thụy Sĩ sắp tới.
Tổng thống Zelensky nỗ lực thúc đẩy quan hệ Ukraine-Philippines
Theo báo Rappler, đây là lần đầu tiên ông Zelensky đến thăm Manila kể từ khi trở thành Tổng thống Ukraine vào năm 2019. Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos, Tổng thống Zelensky đã nói Ukraine sẽ mở đại sứ quán tại Manila trong năm nay; đồng thời, cảm ơn ông Marcos vì sự ủng hộ của Chính phủ Philippines dành cho Kiev, cũng như lập trường mạnh mẽ của Tổng thống Marcos trong các vấn đề ảnh hưởng đến Ukraine.
Việc mở đại sứ quán Ukraine tại Manila đã được thảo luận thời gian qua. Theo báo Inquirer, phía Ukraine cho biết chính phủ nước này đã có kế hoạch mở đại sứ quán tại Philippines, nhưng sau đó bị cản trở vì cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Nước này cam kết sẵn sàng mở đại sứ quán tại Manila “ngay khi tình hình ngân sách cho phép”.
Về phần mình, Tổng thống Philippines Marcos đánh giá cao kế hoạch mở đại sứ quán Ukraine tại Manila trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh Philippines sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine bằng mọi cách có thể. “Philippines cam kết làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy hòa bình và chấm dứt chiến tranh cũng như đi đến một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine”, Reuters dẫn lời phát biểu của Tổng thống Marcos trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine Zelensky.
Tổng thống Marcos chia sẻ rằng, Philippines đã và đang cố gắng thúc đẩy việc tiếp tục tuân thủ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế khi ông nhắc lại nỗ lực của nước này trong việc ủng hộ hòa bình và “làm mọi thứ có thể để thúc đẩy nền hòa bình đó”.
Quan hệ ngoại giao giữa Philippines và Ukraine kéo dài 32 năm, kể từ khi chính thức được thiết lập vào ngày 7/4/1992. Theo Reutes, từ tháng 1-7/2023, kim ngạch thương mại giữa Ukraine và Philippines tăng 58,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,2 triệu USD. Trong giai đoạn này, xuất khẩu của Ukraine sang Philippines chỉ đạt 4 triệu USD, giảm 32,3%; nhưng nhập khẩu từ Philippines sang Ukraine lên tới 34,2 triệu USD, tăng 87,5%.
Tìm kiếm sự hậu thuẫn trong cuộc xung đột quân sự với Nga
Theo The Washington Post, Tổng thống Ukraine Zelensky đến Philippines trong chuyến công du châu Á hiếm hoi nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức về cuộc chiến ở Ukraine, mà ông cáo buộc Nga, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, đang cố gắng phá hoại. Trước đó, ngày 2/6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2024, ông Zelensky bày tỏ thất vọng vì Bắc Kinh sẽ không cử đại diện dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ, và cho rằng Trung Quốc đang bị Nga lợi dụng.
Giới phân tích chính trị cho rằng, không phải ngẫu nhiên Tổng thống Zelensky sang thăm Philippines mà không báo trước nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Trước tiên, Tổng thống Zelensky không che giấu mục tiêu rằng ông muốn tận dụng hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ sắp tới không chỉ như một cách để xác định những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết tình hình ở đất nước mình, mà là một cơ hội để Chính quyền Kiev gây áp lực lên Moscow bằng tiếng nói của cộng đồng quốc tế. Tổng cộng có khoảng 160 nước được mời tham dự hội nghị, tuy nhiên lãnh đạo các nước mà Tổng thống Zelensky mong muốn có mặt, như Trung Quốc, Brazil, Nam Phi, những đối tác quan trọng của Nga tại BRICS, lại xác nhận sẽ không tham dự.
Theo trang Izvestia của Nga nhận định, việc lãnh đạo nhiều nước từ chối tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ như đòn giáng mạnh vào tham vọng của Tổng thống Zelensky. Do đó, ông buộc phải chuyển hướng sang kêu gọi sự tham gia của các nước ở Nam bán cầu, vì nếu không có sự tham gia của họ, hội nghị hòa bình sắp tới tại Thụy Sĩ có thể biến thành một cuộc họp khác của đại diện các nước phương Tây, vốn luôn xem Nga là “mối đe dọa cấp bách”. Trong khi, ông Zelensky muốn trình bày kết quả của hội nghị sắp tới như một lập trường quốc tế, buộc Nga phải chấp nhận kế hoạch hòa bình theo các điều kiện của Chính quyền Kiev.
Thứ hai, vai trò, ảnh hưởng của Philippines nói riêng, ASEAN nói chung là rất lớn, nên Tổng thống Zelensky hiểu rằng, sự ủng hộ của ASEAN sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực gây sức ép lên Moscow. Theo Reuters, ASEAN hiện đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực thông qua quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài. Thông qua các cơ chế, như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)..., các nước ASEAN đã tạo dựng và duy trì cân bằng, linh hoạt quan hệ với các đối tác bên ngoài của ASEAN, giữ ổn định, tạo điều kiện phát triển. Các nước đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN đối hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng khu vực và thế giới.
Thứ ba, ông Zelensky muốn khai thác sự đồng điệu với Tổng thống Marcos trong quan điểm với Mỹ và Trung Quốc để tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn từ Philippines. Manila và Bắc Kinh có lịch sử lâu dài về tranh chấp lãnh thổ trên biển, nhưng căng thẳng đã trở nên nghiêm trọng hơn dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ các yêu sách của các nước khác, bao gồm cả Philippines, và phớt lờ phán quyết quốc tế rằng các yêu sách của họ không có cơ sở pháp lý. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 31/5, ông Marcos cho biết Philippines sẽ không nhượng bộ trước những hành động phi pháp, cưỡng ép và hung hăng tại Biển Đông. “Các hành động bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hăng và lừa đảo tiếp tục vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi” - ông Marcos nói. “Tôi không có ý định nhượng bộ. Người Philippines không nhượng bộ”.
Chính quyền Tổng thống Philippines Marcos đã tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ khi ông phản đối các hành động của Trung Quốc trên tuyến đường thủy này. Không chỉ cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự chiến lược theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng vào tháng 2/2023, Philippines còn tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương do Mỹ dẫn dắt. Ngày 11/4/2024, hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines đã diễn ra tại Nhà Trắng, đánh dấu sự khởi đầu và thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ba nước tại khu vực.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-24 14:11:00
Nhật Bản: Cảnh sát Tokyo tiếp nhận 4 triệu món đồ thất lạc mỗi năm
-
2024-11-24 14:01:00
Giá dầu có thể giảm 20% nếu Mỹ thực thi chính sách thuế quan mới
-
2024-06-03 09:23:00
Nhật Bản và EU hợp tác xây dựng tiêu chuẩn về hydro
Hai máy bay va chạm ở triển lãm hàng không, 1 phi công thiệt mạng
Xung đột Hamas-Israel: Israel chấp nhận đề xuất của Mỹ về Gaza
Tin nóng chiến sự: Tiêm kích Đức đối đầu máy bay do thám Nga trên không phận Baltic
Đức tuyên bố quyết tâm chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan
Chiến thuật của Bộ tư lệnh Ukraine đang làm những điều có lợi cho Nga
Mỹ-Nhật-Hàn sẽ tập trận “Freedom Edge” lần đầu tiên vào mùa Hè này
Nữ doanh nhân Tomasdottir chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iceland
OPEC+ thống nhất gia hạn cắt giảm sản lượng đến hết năm 2025
Trung Quốc khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực