(Baothanhhoa.vn) - Với định hướng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, tiến tới số hóa trường học, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với các đơn vị viễn thông hướng dẫn các nhà trường tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai rộng khắp các cơ sở giáo dục vẫn cần thêm quyết tâm từ phía các nhà trường, sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh học sinh và nhiều giải pháp linh hoạt từ nhà cung cấp dịch vụ, đem đến sự thuận tiện cho phụ huynh học sinh và các nhà trường.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học

Với định hướng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, tiến tới số hóa trường học, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với các đơn vị viễn thông hướng dẫn các nhà trường tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai rộng khắp các cơ sở giáo dục vẫn cần thêm quyết tâm từ phía các nhà trường, sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh học sinh và nhiều giải pháp linh hoạt từ nhà cung cấp dịch vụ, đem đến sự thuận tiện cho phụ huynh học sinh và các nhà trường.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học

Chị Lưu Thị Hồng (ngoài cùng bên phải), kế toán Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học

Trường Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa) hiện có 1.500 học sinh và là một trong những trường học đầu tiên được phê duyệt các khoản thu đóng góp đầu năm học 2022-2023. Cô Phạm Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình cho biết: Nhà trường đã và đang phối hợp với đơn vị cung cấp các phần mềm nhằm đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường, hướng dẫn giáo viên, phụ huynh lập tài khoản, cài đặt App thanh toán học phí và các khoản thu đóng góp đầu năm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh để tạo sự đồng thuận, thực hiện đồng bộ trong nhà trường.

Để thay đổi thói quen nộp học phí và các khoản đóng góp từ trực tiếp sang sử dụng công nghệ số, Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa đã phối hợp với Phòng Kế hoạch - Tài chính có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị cung cấp các ứng dụng, giải pháp công nghệ số, đơn vị trung gian... để hướng dẫn thực hiện các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học.

Chị Lưu Thị Hồng, kế toán Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đã triển khai tới phụ huynh học sinh thông qua các cuộc họp phụ huynh; gửi video hướng dẫn cài đặt App thanh toán để các giáo viên chủ nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh sử dụng. Việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều lợi ích như: giúp tiết kiệm thời gian, không cần làm thủ công về công tác đối soát, kiểm tra tiền học phí, tiền đóng góp của học sinh... Tất cả đều được thực hiện tự động giúp giảm rủi ro phát sinh trong các giao dịch tiền mặt như thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền giả...

Xác định sử dụng hoàn toàn các bước thanh toán bằng công nghệ, trực tuyến cũng là một trong những bước tiến tới xây dựng trường học thông minh. Ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Triệu Sơn chia sẻ: Ngành giáo dục huyện Triệu Sơn đã có văn bản triển khai việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đến tất cả các trường học trên địa bàn. Các trường học cũng đang từng bước triển khai thực hiện nhằm đảm bảo việc thu chi công khai, minh bạch, nhanh gọn về thủ tục, đảm bảo tính pháp lý...

Những tiện ích của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại là rất lớn, tuy nhiên, thực tế việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cần thêm những giải pháp phù hợp

Rào cản từ thói quen sử dụng tiền mặt, nhiều phụ huynh khu vực nông thôn, miền núi chưa tiếp cận được với hình thức thanh toán qua App hoặc qua đơn vị trung gian; giải pháp công nghệ của đơn vị cung cấp chưa thực sự khiến các nhà trường thuận tiện, hài lòng... là những khó khăn đang hiện hữu.

Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Quý (Hoằng Hóa) chia sẻ: Thanh toán không dùng tiền mặt là câu chuyện phải phù hợp với phụ huynh học sinh. Do đó, nhà trường vẫn tiến hành song song việc thu tiền trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh hiểu về tiện ích cũng như các thao tác để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Sự không đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các trường học và giữa các địa bàn cũng là một khó khăn khác đòi hỏi sự quyết tâm, vào cuộc từ nhiều phía.

Thầy Nguyễn Quốc Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1 (Triệu Sơn), cho biết: Nhà trường rất đồng tình và ủng hộ việc số hóa trường học, trong đó có việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt bởi tính thuận tiện, giúp nhà trường công khai, minh bạch tài chính. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn do thói quen sử dụng công nghệ của phụ huynh; việc triển khai thực hiện các giải pháp số hóa phải thông qua nhiều phần mềm, nhiều ứng dụng trực tuyến... dẫn đến rườm rà, khó hiểu, khó nhớ đối với phụ huynh học sinh.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học

Để hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học đạt hiệu quả cao nhất, các cơ sở giáo dục cần lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp, đa dạng hóa các kênh thanh toán để phụ huynh có nhiều lựa chọn, thuận tiện trong việc đóng các khoản phí; tăng cường quản lý, làm chủ dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin riêng tư của phụ huynh học sinh.

Là một trong những đơn vị cung cấp các giải pháp, nền tảng thúc đẩy phát triển xã hội số. Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc VNPT Thanh Hóa, cho biết: Trong lĩnh vực giáo dục, VNPT Thanh Hóa đã triển khai hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu cho gần 2.000 trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Trên nền tảng đó, đã triển khai các dịch vụ, giải pháp như phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, hồ sơ số giáo dục, quản lý giáo án điện tử, điểm danh thông minh, học trực tuyến... cung cấp dữ liệu cho IOC giáo dục nói riêng và IOC tỉnh Thanh Hóa nói chung. VNPT Thanh Hóa cam kết sẽ luôn đồng hành, hợp tác, phối hợp, chia sẻ để triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình phối hợp với ngành giáo dục nói riêng và chương trình chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Hiện, các trường học, cơ sở giáo dục đang tiếp tục lựa chọn, ứng dụng các giải pháp, nền tảng số phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy và học, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục...

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]