Bước chuyển trong xây dựng chính quyền điện tử tại thị xã Bỉm Sơn
Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số là xu hướng tất yếu, khách quan của sự phát triển. Với quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thị xã Bỉm Sơn đã và đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động.
Cán bộ, công chức phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn) hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ thiết yếu.
Phường Lam Sơn là một trong những “điểm sáng” của thị xã Bỉm Sơn trong xây dựng chính quyền điện tử. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức (CBCC) phường sử dụng thành thạo, hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh, thực hiện tạo lập, xử lý, ký số, ban hành văn bản trên phần mềm TDOffice đúng quy trình. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. Đội ngũ CBCC của phường thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi công việc, tăng cường sử dụng các phần mềm chuyên ngành như: Chứng thực điện tử, quản lý thông tin hộ tịch, bảo trợ xã hội... 100% hồ sơ TTHC tại phường được cập nhật, quản lý và giải quyết trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử. 100% CBCC đã thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi, đến, tạo lập, ký số, ban hành văn bản trên phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc TDOffice...
Chủ tịch UBND phường Lam Sơn, Tống Văn Thọ cho biết: "Xác định công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực phối hợp thực hiện là vô cùng quan trọng. Do đó, phường Lam Sơn đã chú trọng tuyên truyền, tập huấn để đội ngũ CBCC, người dân, doanh nghiệp hiểu và cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số tại địa phương".
Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đã tạo ra những thay đổi tích cực trong nền hành chính công tại thị xã Bỉm Sơn. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị xã Bỉm Sơn, 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình, trong đó có 82,76% hồ sơ TTHC trên tổng số giao dịch được thanh toán trực tuyến; 100% hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC được số hóa; 100% CBCC, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số.
Việc xây dựng và phát triển chính quyền số tại thị xã Bỉm Sơn cũng đã tạo sự công khai, minh bạch trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết các TTHC, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính. Hiện nay, Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc TDOffice đã được đầu tư tại 100% xã, phường, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; 91,6% hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang; gần 78% người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ thiết yếu; 100% các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xếp hạng cấp tỉnh trở lên được số hóa...
Để thực hiện các dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu thì việc sử dụng điện thoại thông minh được cài đặt các ứng dụng số là điều kiện tiên quyết. Do vậy, các phường, xã trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương cài đặt chữ ký số cho người dân, vận động hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử.
Thị xã cũng đã tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), đáp ứng yêu cầu triển khai, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động. Hiện nay, hệ thống mạng LAN nội bộ của UBND thị xã Bỉm Sơn bao gồm 1 máy chủ và 103 máy trạm, đảm bảo 100% CBCC, viên chức làm công tác tham mưu được trang bị máy tính và được kết nối mạng LAN, WAN và internet một cách đồng bộ. 100% xã, phường và đơn vị sự nghiệp được kết nối internet băng thông rộng và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
Kết quả đạt được phản ánh đúng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tại thị xã Bỉm Sơn. Tuy nhiên, thị xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: Kỹ năng quản lý, vận hành, khai thác, ứng dụng CNTT của CBCC cấp xã, phường còn hạn chế do không có trình độ chuyên môn về CNTT (công chức phụ trách CNTT cấp xã, phường đều làm việc kiêm nhiệm); vẫn còn một bộ phận người dân chưa cài đặt được tài khoản định danh điện tử; trên địa bàn thị xã vẫn còn 7,63% người dân không sử dụng điện thoại thông minh...
Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thị xã Bỉm Sơn xác định tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia hợp đồng điện tử; vận động người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công thiết yếu; tổ chức ra quân cài đặt chứng thư số cho người dân; tuyên truyền, vận động hộ sản xuất, kinh doanh có ngành nghề phù hợp tham gia sàn thương mại điện tử. Đồng thời, nâng cấp hạ tầng CNTT, đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được phê duyệt; chỉ đạo, đôn đốc bộ phận một cửa thị xã và các xã, phường tiếp tục thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận hồ sơ của người dân gửi qua hệ thống bưu chính công ích; đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi tham gia dịch vụ công...
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2024-11-21 08:54:00
Sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách thuận lợi cho người bệnh BHYT
-
2024-11-21 06:10:00
Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025
-
2024-11-01 15:55:00
Tham vấn các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách ở Ngọc Lặc
Tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho thanh niên huyện Cẩm Thủy
Triển khai, thực hiện một số nội dung trọng tâm của Đề án 06
Phát động Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo về chuyển đổi số cho thích ứng biến đổi khí hậu”
Phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số
Hai thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tỉnh Thanh Hóa được tham gia tọa đàm cùng Thủ tướng chính phủ
Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong Công an Nhân dân
Chuyển đổi số ngân hàng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội
Hướng tới mục tiêu cao hơn