Bóng bầu dục Mỹ và bóng đá Đức, mối lương duyên kỳ lạ mở đường ra thị trường thế giới cho Bundesliga
Bundesliga là nơi sản sinh ra Bayern Munich, một “ông kẹ”, một “cỗ máy hủy diệt” của bóng đá thế giới. Thế nhưng, ngoài Bayern Munich, và phần nào đó là Borussia Dortmund, giải đấu này không phải là một giải đấu giàu tiếng tăm bên ngoài Châu Âu. Vì vậy, một giải pháp khá kỳ lạ nhưng cũng rất hiệu quả đã được những người làm bóng đá Đức thực hiện, đó là “bắt tay” với các đội bóng bầu dục Mỹ.
COVID-19 đã khởi đầu mối lương duyên này như thế nào?
Vào ngày chủ nhật tuần trước trên sân Deutsche Bank Park của Eintracht Frankfurt, Kansas City Chiefs đối đầu với Miami Dolphins trước 50.000 ngàn khán giả đam mê thể thao, giải trí và nhất là sự mới mẻ tới từ môn thể thao được sản sinh ra bởi người Mỹ, một môn thể thao có những thứ mà bóng đá không có, đó là sự kích thích tới từ những pha đẩy người mạnh mẽ, cùng với đó là những pha tắc bóng bằng cả thân mình ở những thời điểm quyết định của trận đấu. Kết thúc trận đấu, Kansas City Chiefs có được chiến thắng 21-14.
Đây là trận đấu thứ hai của NFL (National Football League - giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ - ND) trên đất Đức. Trước đó một năm, Munich có vinh dự được tổ chức một trận đấu NFL như thế. Và vào chủ nhật tuần này, Frankfurt sẽ lại có vinh dự được tổ chức một trận đấu của NFL, một giải đấu vẫn còn xa lạ với Lục địa già.
Có thể nói, đây chính là mô hình mà người Đức đang muốn học theo.
Một người hâm mộ Kansan City Chiefs bên ngoài SVĐ Deutsche Bank Park. Nguồn: The Athletic.
Nguyên nhân nằm ở chỗ người Đức luôn muốn cạnh tranh với những cỗ máy kiếm tiền đẳng cấp như Premier League hay La Liga, đặc biệt là ở những thị trường bên ngoài Châu Âu, và trong chiến lược đó của hạng đấu cao nhất nước Đức, NFL chính là một đối tác, một mô hình mà họ muốn hướng tới.
Mối lương duyên giữa NFL và DFL (Deutsche Fussball Liga - một cơ quan chuyên trách về vấn đề của hai hạng đấu Bundesliga), bắt đầu từ mùa hè năm 2020, thời điểm Bundesliga là giải đấu đầu tiên trở lại từ đại dịch. NFL khi đó có vai trò như một “tư vấn viên” cho DFL về việc mở cửa lại giải đấu như thế nào cho an toàn. Kể từ đó, hai cơ quan này bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn, và vào năm 2022, cả hai đã ký kết một văn bản ghi nhớ mang tính thắt chặt mối lương duyên này.
Với NFL, DFL chính là cầu nối giữa họ và người Đức, là một cách để những người làm bóng bầu dục Mỹ tạo ra sự thu hút với các trận du đấu quốc tế của họ, từng được tổ chức ở London, Mexico City và có thể là những thành phố khác trên thế giới trong tương lai.
Tuy nhiên, mối lương duyên giữa Frankfurt và bóng bầu dục Mỹ còn xa hơn thế. Cụ thể, đó là ở thập niên 90, khi giải đấu NFL Europa, một giải đấu kết hợp giữa các đội bóng bầu dục Mỹ tới từ Châu Âu như Barcelona Dragons, Frankfurt Galaxy và London Monarchs và các đội bóng tới NFL. Đó cũng là lý do vì sao mà “thủ đô tài chính” nước Đức được NFL lựa chọn tổ chức trận đấu giữa Kansas City Chiefs và Miami Dolphins.
Những rào cản cho một kế hoạch táo bạo
Frankfurt là một “thủ đô tài chính” của nước Đức, một thành phố đậm chất Mỹ, còn Munich là một “thủ đô quốc tế”, một thành phố đa dạng về mặt chủng tộc và văn hóa, vì vậy, chẳng có gì lạ khi cả hai thành phố này được chọn làm nơi tổ chức các trận du đấu quốc tế của NFL. Còn với các thành phố khác trên đất Đức, việc tổ chức những trận đấu như trận đấu giữa Kansas City Chiefs và Miami Dolphins là những điều chỉ có trong phim viễn tưởng!.
"NFL, theo tôi, sẽ chẳng đạt được chút lợi lộc gì từ một đội bóng như Dortmund hay ngược lại. Bóng đá Mỹ không có một sợi dây liên kết nào với một thành phố như chúng tôi, vì vậy, tổ chức một trận đấu NFL ở đây là một điều vô lý. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi phản đối hay chỉ trích những gì Bayern Munich hay Eintracht Frankfurt đang làm, vì họ có những cung cách hoạt động riêng". Carsten Cramer, giám đốc bộ phận marketing và thương mại của Borussia Dortmund, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với The Athletic.
Carsten Cramer (bìa phải) bên cạnh giám đốc thể thao của Borussia Dortmund, tiền vệ trung tâm huyền thoại Michael Zorc. Nguồn: The Athletic.
Một rào cản thứ hai khiến mối lương duyên giữa Bundesliga và NFL gặp trắc trở, đó là CĐV, những người luôn có tiếng nói trong việc điều hành CLB, một phần vì bộ luật 50+1 thiêng liêng của bóng đá Đức, một phần khác vì nền bóng đá này luôn hướng đến hình ảnh một giải đấu trong sạch và không bị “vấy bẩn” bởi đồng tiền.
Một ví dụ cho điều này đó là ở mùa trước, CĐV của 36 CLB hàng đầu nước Đức đã tổ chức bầu cử để ngăn chặn một thỏa thuận rao bán 12,5% bản quyền truyền thông của Bundesliga cho các tập đoàn đầu tư tư nhân, một thỏa thuận sẽ đem về số tiền 1,74 tỷ Bảng cho Bundesliga, số tiền đủ để giải đấu này đầu tư cho bộ phận truyền thống quốc tế cũng như truyền thông điện tử, còn 60% còn lại sẽ được đầu tư vào cải thiện cơ sở vật chất cho các CLB.
Dortmund đương nhiên cũng nằm trong số các CLB ủng hộ quyết định này. Bởi theo họ, số tiền đầu tư này sẽ giúp các CLB được du đấu nhiều hơn và được tập huấn ở nước ngoài nhiều hơn giống như NFL. Tuy nhiên, 11 CLB phản đối lại cho rằng những bản hợp đồng như thế sẽ mở lối cho giới đầu tư “diều hâu” xâm chiếm Bundesliga, đồng thời, tạo ra sự mất cân bằng về mặt phân chia lợi nhuận giữa các CLB Bundesliga với nhau.
Có thể, kế hoạch này sẽ sớm trở lại. Tuy nhiên, với những lá phiếu bầu mang đầy tính thù địch, cùng với đó là việc các CĐV đã “để mắt” tới giao kèo sặc mùi tiền này, rất khó để kế hoạch này có thể trở lại mà không vấp phải sự phản đối tới từ các CĐV.
Và ở trận đấu Der Klassiker diễn ra vào chủ nhật tuần trước, người hâm mộ Dortmund đã thể hiện rõ “quyền lực nhân dân” của mình bằng một tấm banner ở khán đài Gelbe Wand, khán đài nằm ở phía Nam SVĐ Signal Iduna Park. Trên tấm banner đó là những dòng văn đong đầy “yêu thương” gửi tới ban lãnh đạo của CLB: “DFL & Investoren: Wir haben euch im blick!”, tạm dịch: “Gửi DFL và giới đầu tư: bọn này để ý tới các người rồi đấy”!.
Tấm banner "đong đầy sự yêu thương" của các CĐV Borussia Dortmund dành cho ban lãnh đạo và các nhà đầu tư. Nguồn: The Athletic.
Tựu chung lại, với một nền bóng đá mang đậm tính chất “cộng đồng” như Đức, việc thương mại hóa, dù chỉ là một vài trận đấu “kinh điển”, hay ở chiều ngược lại, đó là tổ chức các trận đấu của các môn thể thao khác để thu hút người hâm mộ đến sân, là một điều khó có thể được thực hiện. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta nói rằng tham vọng này của những người làm bóng đá Đức là viển vông hay thiếu thực tế.
KDNX
Nguồn ảnh, tư liệu: The Athletic.
- 2024-11-03 10:38:00
Man United-Chelsea: Một kết thúc đẹp cho Van Gol?
- 2024-10-31 09:34:00
Ruben Amorim: Chúng ta biết gì về cái tên này?
- 2023-11-09 19:30:00
Câu chuyện về Tage Herstad, “fan cuồng” tham dự 1.000 trận đấu của Liverpool
Footbonaut, “khẩu thần công” tạo nên những chân chuyền hàng đầu Borussia Dortmund
Thủ môn chơi chân và bài học ứng xử với “cái mốt”
Có một Graeme Souness “rất điên” ở sân Ali Sami Yen
Sheffield United 1-2 Man United: Một chiến thắng để xoa dịu nỗi đau
Kế sách “tằm ăn dâu” của Sir Jim Ratcliffe dưới góc nhìn kinh tế
Laurie Cunningham: “Idol thời trang” giàu tốc độ của Real Madrid
Georgi Kinkladze: câu chuyện về “người Gruzia” vĩ đại của sân Maine Road
Tottenham đã tiến bộ thế nào sau 8 vòng đấu?
Eden Hazard và cái giá của việc theo đuổi giấc mơ