(Baothanhhoa.vn) - Có người đã nói rằng, thế giới ngày mai thuộc về những người có tầm nhìn hôm nay. Bởi vậy, lá phiếu của vinh dự và trách nhiệm mà mỗi cử tri - công dân yêu nước đang cầm hôm nay, cũng chính là lá phiếu của niềm tin và kỳ vọng về tương lai phồn vinh vững bền của quốc gia – dân tộc Việt Nam!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lá phiếu cho tương lai!

Có người đã nói rằng, thế giới ngày mai thuộc về những người có tầm nhìn hôm nay. Bởi vậy, lá phiếu của vinh dự và trách nhiệm mà mỗi cử tri - công dân yêu nước đang cầm hôm nay, cũng chính là lá phiếu của niềm tin và kỳ vọng về tương lai phồn vinh vững bền của quốc gia – dân tộc Việt Nam!

Lá phiếu cho tương lai!

TP Thanh Hóa rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày bầu cử. Ảnh: Thu Vui

Hôm nay, chủ nhật (23-5), không như bao ngày khác. Từng góc phố, con đường, từng ngõ xóm, làng quê được dệt đỏ những cờ hoa và lòng người cũng như được nhân lên nhiều niềm hân hoan, xúc động. Hôm nay là một ngày đặc biệt - ngày hội non sông, ngày thể hiện quyền làm chủ tối thượng của Nhân dân: Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026!

Lật lại những ghi chép về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, với những lá phiếu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ra đời và tồn tại hàng nghìn năm của quốc gia Đại Việt. Bỗng bồi hồi tự hỏi, rằng vì sao trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của vận nước lúc bấy giờ, mà cha ông ta vẫn tin tưởng tuyệt đối và nô nức đi bầu cử, để “góp phần xây dựng nền móng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho con cháu mình”? Vậy mới thấy ý nghĩa sâu xa và giá trị lớn lao của những lá phiếu đầu tiên đã làm nên lịch sử ấy!

Song, khi nhìn xa hơn vào quá khứ, dường như đã có một dạng thức khác của những “lá phiếu” trách nhiệm công dân và tinh thần dân tộc. Trong trước tác nổi tiếng “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi nhấn mạnh: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”; hay trong Hội nghị Diên Hồng, các bô lão đã khảng khái hô to “Đánh”. Qua hành động và lời nói ấy, mỗi người như đã bỏ một “lá phiếu” của ý chí, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại giang sơn và khát vọng dựng xây xã tắc vững âu vàng. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước hòa bình, độc lập và mỗi công dân bước vào cuộc bầu cử với tâm thế mới: tâm thế của người làm chủ. Song, tinh thần của lá phiếu ta cầm trên tay, so với tinh thần “lá phiếu sát thát” của cha ông cách đây hơn 7 thế kỷ, dường như vẫn có điểm chung. Đó là lá phiếu của niềm tin và kỳ vọng về sự phồn thịnh vững bền cho đất nước và hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân.

Lá phiếu cho tương lai!

Khu vực bỏ phiếu số 1, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) đã hoàn tất công việc liên quan đến bầu cử, sẵn sàng cho ngày hội non sông. Ảnh: Hoàng Đông

Chưa hết, điều lắng lại qua những ví dụ từ quá khứ ấy là tinh thần đại đoàn kết và “lấy dân làm gốc” của cha ông, đã, đang và sẽ là bài học vô giá để thế hệ cháu con kế thừa, gìn giữ và thực hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã đều do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Cũng vì lẽ đó mà lá phiếu mỗi người đang cầm trên tay có một “sức nặng” đặc biệt. “Sức nặng” ấy được đong đếm bằng sự tin tưởng tuyệt đối mà mỗi cử tri gửi gắm đến các đại biểu; bằng quyền lực Nhân dân đặt trọn vào “người đại diện Nhân dân”; bằng trách nhiệm của mỗi công dân yêu nước trong việc tìm hiền tài cho đất nước...

Song niềm tin ấy không phải xuất phát từ một sự cảm tính nhất thời nào. Bởi, nhìn sự vận hành hiệu quả của Quốc hội và nhất là tiếng nói của các ĐBQH tại diễn đàn nghị trường những năm gần đây, đã cho ta cơ sở của niềm tin để lựa chọn. Nhiều đại biểu thay vì đọc kiến nghị, đã tích cực chất vấn, thậm chí vừa chất vấn, vừa tranh luận và phản biện với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, nhằm đi đến cùng vấn đề, sự việc. Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu phải thực sự có trách nhiệm với dân, gần dân, lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của dân. Đặc biệt, nghị trường Quốc hội khóa XIV với không ít cuộc chất vấn, tranh luận sôi nổi đã mổ xẻ, phân tích nhiều vấn đề xã hội nóng hổi liên quan đến lợi ích tối thượng của quốc gia, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Đây có thể xem là một điển hình mẫu mực về vai trò của “người đại biểu Nhân dân” mà mỗi cử tri ngày hôm nay đang hình dung. Song điều đó chỉ có thể có được khi “người đại biểu Nhân dân” thấy được vinh dự và trách nhiệm lớn lao mà mỗi lá phiếu đã gửi gắm đến mình. Vinh dự được nói lên tiếng nói của Nhân dân, tiếng nói công tâm và trách nhiệm trước những nan đề kinh tế - xã hội phát sinh. Đồng thời là tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám đi đến cùng sự thật, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc Nhân dân, thậm chí là vì vận mệnh quốc gia – dân tộc.

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Và do đó, đòi hỏi ĐBQH phải có đầy đủ phẩm chất và năng lực để đảm đương trọng trách to lớn. Khi bàn về vấn đề này, “Đại tướng của Nhân dân” Võ Nguyên Giáp – người đã tham gia Tổng tuyển cử đầu tiên và là ĐBQH từ khóa I – nhấn mạnh rằng “... phải xác định tiêu chuẩn của ĐBQH, vừa phải có tư cách đạo đức tốt, vừa phải đủ trình độ kiến thức các mặt, nhất là pháp luật, để tham gia xây dựng luật pháp và bàn bạc, quyết định công việc quan trọng của đất nước, chứ không chỉ nặng về cơ cấu...”. Còn theo lời cổ nhân thì “dụng nhân như dụng mộc”, với sự kỳ công, tỉ mẫn từ khâu lựa chọn, gọt đẽo, mài giũa, tôi luyện đến sử dụng. Chính vì vậy, việc cầm lá phiếu cũng không thể đơn giản là để bỏ vào hòm phiếu. Bởi, với lá phiếu của lương tri và trách nhiệm, mỗi cử tri đã góp phần quan trọng vào quá trình “dụng nhân”, bằng cách sáng suốt lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất, có đủ đức, đủ tài gánh vác nhiệm vụ vẻ vang là đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, quyền lợi và đặc biệt là quyền lực Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết”. Bình đẳng trong bầu cử là khi lá phiếu của mọi cử tri, bất kể tầng lớp, dân tộc, giới tính, tuổi tác... đều có giá trị như nhau. Nghĩa là từ 75 năm trước đến bây giờ, mọi công dân Việt Nam đều được bình đẳng trước lá phiếu bầu cử, được tự do với sự lựa chọn của mình và được tôn trọng quyền lợi thiêng liêng ấy. Để mỗi “lá phiếu của niềm tin” đang được những đôi bàn tay bám đầy dầu máy hay lấm lem bùn đất, đôi bàn tay còn vương bụi phấn hay đang nắm chắc cây súng, đôi bàn tay luôn trăn trở cho những con số hay đang nặng gồng gánh mưu sinh... cùng đồng lòng gửi gắm vào “hòm phiếu của hy vọng”. Bởi vậy, kết quả cuộc bầu cử cũng chính là kết quả của lòng dân và ý chí dân tộc. Và vì lẽ đó mà vai trò và ý nghĩa lớn lao của cuộc bầu cử - xuyên suốt 75 năm Quốc hội Việt Nam, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 – vẫn vẹn nguyên và tươi mới giá trị lịch sử, giá trị thời đại!

Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân... Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”. Cơ đồ và vị thế ấy chính là động lực niềm tin, có khả năng khơi dậy khát vọng cống hiến và sức mạnh tiềm tàng trong con người. Để rồi, mỗi lá phiếu được quyết định bởi ý thức về quyền của mỗi cử tri – công dân có trách nhiệm, sẽ là lá phiếu cho tương lai và vì tương lai rộng mở đường phát triển của quốc gia – dân tộc Việt Nam!

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]