(Baothanhhoa.vn) - Mối tình kết nghĩa thủy chung Thanh Hóa - Quảng Nam, được khởi phát từ yêu cầu tất yếu lịch sử và gắn bó bằng sợi dây liên hệ thần kỳ của tình đồng chí, tình anh em ruột thịt. Song, cũng bởi lịch sử luôn có quy luật vận động của riêng nó, khiến cho mối lương duyên 60 năm, cũng có lý lẽ riêng để tồn tại. Lý lẽ ấy bắt nguồn từ những giá trị của chiều sâu quá khứ, sự đồng điệu văn hóa, cùng vẻ đẹp tâm hồn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết nối từ mạch nguồn quá khứ đến tương lai...

Mối tình kết nghĩa thủy chung Thanh Hóa - Quảng Nam, được khởi phát từ yêu cầu tất yếu lịch sử và gắn bó bằng sợi dây liên hệ thần kỳ của tình đồng chí, tình anh em ruột thịt. Song, cũng bởi lịch sử luôn có quy luật vận động của riêng nó, khiến cho mối lương duyên 60 năm, cũng có lý lẽ riêng để tồn tại. Lý lẽ ấy bắt nguồn từ những giá trị của chiều sâu quá khứ, sự đồng điệu văn hóa, cùng vẻ đẹp tâm hồn...

Kết nối từ mạch nguồn quá khứ đến tương lai...

Các tòa Thái miếu Lam Kinh. Ảnh: Lê Dung

Trên dải đất hình chữ S vốn gian lao và đầy sóng gió, nếu xứ Thanh bắt đầu từ cái phần đất thắt lại, do Vịnh Bắc bộ ăn sâu vào mà thành; thì xứ Quảng lại bắt đầu từ cái phần đất nhoi ra biển, như muốn kéo Hoàng Sa về gần với đất mẹ Tổ quốc. Hai vùng đất vốn cách nhau tới gần 700 cây số, tưởng chừng như hoàn toàn khác biệt, ấy thế mà lại có mối liên hệ sâu xa và bền bỉ, đủ sức vượt qua thời - không, để gắn kết hai xứ sở ở những điểm tương đồng kỳ diệu.

Trước thế kỷ XV, dải đất rộng phía Nam đèo Hải Vân còn chưa mang tên xứ Quảng. Khi vua Lê Thánh tông thân chinh dẫn quân dẹp loạn Chiêm Thành, đã xuống chiếu thành lập Thừa tuyên Quảng Nam (năm 1471). Sự kiện “Mở Quảng Nam, đặt Trấn Ninh/ Đề phong muôn dặm, uy linh ai bì” của vị vua hùng tài thao lược bậc nhất lịch sử, đã được khắc vào bia đá, cho hậu thế cháu con muôn đời ngưỡng vọng: “Giang sơn khai thác hà niên, phụ lão tương truyền Hồng Đức sự/ Trở đậu hinh hương thử địa, tinh linh tường ký Thạch Bi cao”! Có lẽ, chính nhờ nền móng sơ khai nhưng bền vững này mà về sau, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã nghe theo “lời sấm” của trạng Trình, quyết gây dựng mảnh đất phên dậu thành chốn “vạn đại dung thân”. Cũng kể từ đó, xứ Quảng bước vào “vận hội thăng hoa” để phát triển rực rỡ suốt gần 2 thế kỷ XVII và XVIII.

Quả là, “non sông được mở mang năm nào, nghe các bậc cha ông truyền lại rằng chính là công đức của vua Hồng Đức”. Còn “danh thơm tiếng tốt và sự linh thiêng của xứ này, được khắc ghi rõ ràng trên đá bia ở đỉnh núi cao”, lại gợi nhắc hậu thế về những con người vô danh, từng theo vua Lê, chúa Nguyễn “từ thuở mang gươm đi mở cõi”. Khi tìm hiểu về những cuộc di dân quy mô lớn, có người đã đưa ra nhận định rằng, từ nửa ngàn năm trước, những lưu dân đầu tiên vào khai phá vùng Thuận Quảng đều phát tích từ sông Mã, sông Chu. Những tộc họ lớn ở đất Quảng hầu hết đều ghi “Tổ tiên phát tích từ xứ Thanh”! Điều đáng nói là, những di dân ấy đã gồng gánh theo mỗi chuyến đi xa cả tên đất, tên làng, cùng truyền thống văn hóa nơi bản quán. Để rồi, từ “vốn liếng” riêng, họ đã gom góp mà tạo dựng nên cấu trúc làng xóm, lối làm ăn và cách thức sinh hoạt của cộng đồng mới.

Với mỗi người dân đất Việt, nguồn cội hay nơi phát tích gốc gác tổ tiên - quê hương bản quán, luôn đặc biệt thiêng liêng và ý nghĩa lớn lao. Phải chăng vì vậy mà bản tính cư dân xứ Quảng, như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, luôn ẩn chứa tính cách của những người đi mở đất thuở xưa? Đó là cốt cách tinh thần ham học hỏi, thông minh, dũng cảm, thẳng thắn, cương trực, cần cù lao động. Cho nên, dẫu phải đương đầu với vô vàn gian khó, khắc nghiệt của thời tiết, môi trường và cả những “xung đột tất yếu” với cư dân Chămpa bản địa. Song, bằng tư tưởng khoan dung, nhân ái, con người nơi đây đã vượt lên gian khó, để gây dựng nên diện mạo xứ Quảng sinh động và hàm xúc, hài hòa cổ - kim và hài hòa các nền văn hóa?

Dải đất Tổ quốc tính từ địa đầu Lũng Cú - Hà Giang, đến điểm cực Nam - đất mũi Cà Mau này, có mấy nơi được gọi là “xứ”. Tính ổn định tương đối và vai trò địa - chính trị, bề dày lịch sử, cùng một truyền thống văn hóa đa dạng và đậm đà bản sắc, mới là nền tảng cho sự hình thành nên “xứ”. Hy hữu làm sao khi cả xứ Thanh và xứ Quảng đều có những nét đặc trưng nổi bật ấy. Nếu kho tàng di sản xứ Thanh in đậm dấu tích kinh kỳ, trên những bức tường thành đá xám ngắt và kỳ vĩ; thì xứ Quảng là “một xứ sở lạ lùng về tháp cổ và phố cổ rêu phong, mà kiến trúc, điêu khắc của nó đã đạt tới đỉnh cao nhân loại”. Nếu nền văn minh Đông Sơn có sức ảnh hưởng và lan tỏa rộng khắp khu vực châu Á; thì văn hóa Chămpa, văn hóa Sa Huỳnh cũng đạt đến đỉnh cao rực rỡ. Đặc biệt hơn, như một số nghiên cứu đã chỉ ra, từ tầng sâu địa chấn và tâm thức, vùng đồng bằng sông Thu Bồn còn là nơi hội tụ của văn hóa Đông Sơn. Thậm chí, những tác động vật chất từ nền văn hóa Đông Sơn đã đẩy cơ tầng kinh tế - xã hội của cư dân Sa Huỳnh lên một tầm cao mới!

Hẳn là, với bấy nhiêu “luận chứng” lịch sử và văn hóa, đã đủ để kết nối và tạo ra sự tương đồng kỳ diệu cho hai vùng đất? Vậy nên, mối quan hệ trọn nghĩa vẹn tình Thanh Hóa - Quảng Nam suốt 60 năm qua, suy cho cùng, là sự kế thừa và tiếp nối “khúc khải hoàn từ ngàn xưa vọng lại”. Đó là tiếng đoàn quân theo chân vua Lê, chúa Nguyễn năm nào; một để giữ yên bờ cõi, khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm; một để khai phá, phát triển và vẽ lại tấm bản đồ dân tộc đầy rạng rỡ và rất đỗi tự hào! Thế hệ ông cha đã tiến về phương Nam - vốn chông chênh và bất an - bằng tinh thần hào sảng và tâm thế của người mở đường. Để rồi, thế hệ của những con người thời đại Hồ Chí Minh, đã tiếp bước trong âm vang yêu nước và bằng bầu máu nóng chảy tràn trong huyết quản. Đó là thế hệ lên đường, để hiện thực hóa lời hiệu triệu, cũng đồng thời là chân lý thời đại bất diệt “Không có gì quý hơn độc lập tự do”!

Kết nối từ mạch nguồn quá khứ đến tương lai...

Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa).

Đoàn kết tạo ra sức mạnh, đó là sự thật hiển nhiên. Và nếu nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần ấy, được xuất phát từ tinh thần chính nghĩa và mục đích cao đẹp, thì càng được nhân lên gấp bội. Tình đoàn kết Thanh Hóa - Quảng Nam, được hình thành và kết nối, giữa một bên đang ra sức dựng xây các giá trị mới cho chế độ ưu việt và góp sức cho miền Nam ruột thịt và một bên, vừa tranh đấu giành giật, bảo vệ từng tấc quê hương, vừa gìn giữ từng chút di sản cha ông ta gửi gắm lại. Nhiệm vụ nào cũng quan trọng và nặng nề, cũng thiêng liêng và cao cả. Cũng vì “liên minh” của tình ruột thịt ấy, mà suốt những năm chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị giải phóng quân Quảng Nam (Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 đặc công, Bệnh xá 78). Đặc biệt, sự hiện diện của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn - “quả đấm thép” đánh đâu thắng đó - đã lập vô số chiến công trên khắp mặt trận Hoà Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn. Rồi sự ra đời của hàng nghìn thuyền nan chống Mỹ, thô sơ nhưng đầy sức mạnh, đã vận chuyển hơn trăm nghìn tấn hàng các loại, chi viện cho chiến trường miền Nam...

Vừa làm tốt vai trò hậu phương lớn, Thanh Hóa vừa “chia lửa” với miền Nam, với Quảng Nam ruột thịt, bằng nhiều chiến thắng giòn giã và vang dội nhất, ngay trên dòng sông Mã kiêu hùng và dưới chân cầu Hàm Rồng huyền thoại. Cũng bởi “đường chúng ta đi dẫn tới độc lập, đoạn chúng ta vượt là bước gần tới chiến thắng, hàng chúng ta chở là phá tan sào huyệt quân thù”, Thanh Hóa quyết giành thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải, để từng đoàn xe Quảng Nam nối nhau đưa hàng ra tiền tuyến. Rồi khí thế “tiến công ra đồng ruộng như đồng bào Quảng Nam xông vào đồn giặc” cũng rộn ràng khắp nẻo xứ Thanh; các phong trào thi đua “3 giỏi”, 5 tấn, 10 tấn thắng Mỹ; những thửa ruộng Quảng Nam, con đường Quảng Nam, con mương Quảng Nam và hàng trăm sáng kiến thi đua mang tên Quảng Nam... Tất cả đều hướng đến mục đích lớn lao “Vì sự nghiệp giải phóng tỉnh Quảng Nam thân yêu và anh dũng”.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà muôn vàn gian khổ hy sinh, Quảng Nam là địa bàn đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Họ đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng với danh hiệu “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, “Thành đồng quyết thắng”. Khắp nơi, đồng bào liên tục đứng lên phá ấp chiến lược. Ngọn lửa hồng thiêu hủy hàng ngàn, hàng vạn mét rào ấp chiến lược, đã làm sáng rỡ đêm tối và đốt cháy ngùn ngụt một góc trời. Chính ngọn lửa ấy đã thôi thúc sức chiến đấu, sự mưu trí, sáng tạo, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn. Để rồi, tổng kết toàn bộ cuộc chiến, quân và dân Quảng Nam đã đánh trên 158.000 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 203.000 tên địch, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà tư tưởng vĩ đại Các Mác từng nhấn mạnh, “Tình bạn có ý nghĩa chân chính, cổ điển của vấn đề, đó là viên ngọc đẹp nhất trên đời”. Mối quan hệ sâu nặng nghĩa tình Thanh Hóa – Quảng Nam, đã vượt qua vô vàn thử thách khắc nghiệt, phải chăng xứng đáng là “viên ngọc đẹp nhất”? Mối quan hệ ấy vốn là “sản phẩm” của lịch sử và mang đậm giá trị lịch sử, giá trị văn hóa. Nhưng nếu văn hóa được nhìn ở khía cạnh của những Giá - Trị - Người; thì mối quan hệ Thanh Hóa - Quảng Nam, bằng các giá trị tự thân - giá trị vật chất sáng rỡ và giá trị tinh thần đầy tính nhân văn - phải chăng cũng đã trở thành văn hóa? Và nếu “văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả đã bị lãng quên đi”; thì những gì được kết tinh, gìn giữ, trao truyền từ hàng trăm năm trước và được kế thừa, phát triển 60 năm qua, liệu rồi đây sẽ được nâng lên tầm cao mới, hay sẽ có một chiều sâu mới?

Khi “mặt trời mọc mặt trời chỉ hướng”. Thế hệ đi trước lên đường, trong tim mỗi người luôn có một mặt trời soi sáng. Đó là mặt trời của lý tưởng, của khát khao độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc, sẽ tỏa rạng xuống quê hương xứ sở và thay màu cuộc sống. Ngẫm lại, trên con đường tiến vào phương Nam buổi ấy, phải chăng họ đã gặp bàn chân từ thuở sơ khai của ông cha ta. Đó là sự gặp gỡ của lịch sử, để rồi, dù trong khốn cảnh ngặt nghèo nhất, nó vẫn nảy mầm những tình cảm thiêng liêng, những hy vọng tốt đẹp cho ngày mai - cho tương lai. Vậy thế hệ đang được hưởng trọn cuộc sống tự do, hòa bình, thì mặt trời trong tim mỗi người là gì? Lý tưởng nào đang trở thành ánh sáng, để soi cho họ nối tiếp và kế thừa di sản từ mối lương duyên thắm thiết 60 năm, hay sâu xa hơn từ mạch nguồn quá khứ?

Có một thực tế rằng, hoàn cảnh càng thuận lợi, thì trách nhiệm trước bản thân và hậu thế càng nặng nề. Cho nên, dù “Quá khứ được nhìn từ đôi mắt hôm nay”, thì đôi mắt ấy cũng chẳng thể đánh lừa được tình cảm và lý trí. Bởi, trên mảnh đất xứ Thanh - xứ Quảng từng “thấm nặng lời thề - máu đỏ”. Đó là máu của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, những người có tên và cả những người vô danh, đã nhuộm đỏ những ruộng đồng bờ bãi, đã “đổi màu” cả một khúc Mã Giang, Thu Bồn. Đó còn là mồ hôi, là nước mắt của “những hồn xuân rực lửa nhiệt tình”, đã quên tháng quên ngày “Xây đời mới bên bờ sông Mã/ Soi tương lai cho dải nước Thu Bồn” (Cao Phương). Họ là những người đã bắc nhịp cầu của tình bác ái, thủy chung trong sáng giữa xứ Thanh và xứ Quảng. Vậy nên, không có lý do gì mà hậu thế lại không trân trọng, gìn giữ, đắp bồi cho mối lương duyên tốt đẹp càng vững bền, tươi mới và thiết thực.

Như lời Bác Hồ từng căn dặn, thì “Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ nguồn cội cổ điển. Càng thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lê nin càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Chính vì lẽ đó, kế thừa và phát triển mối quan hệ nghĩa tình Thanh - Quảng, trở thành “mối tình thế kỷ”, thậm chí “mối tình nhiều thế kỷ”, vừa là vinh dự cũng đồng thời là trách nhiệm của thế hệ hôm nay!

Bài và ảnh: Lê Dung


Bài Và Ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]