(Baothanhhoa.vn) - Là vùng đất núi rừng miền Tây của tỉnh Thanh Hóa; được thiên nhiên ưu ái về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, bản Ngàm Pốc, xã Yên Thắng (Lang Chánh) đã, đang được huyện quan tâm, thúc đẩy, đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng.

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở bản Ngàm Pốc

Là vùng đất núi rừng miền Tây của tỉnh Thanh Hóa; được thiên nhiên ưu ái về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, bản Ngàm Pốc, xã Yên Thắng (Lang Chánh) đã, đang được huyện quan tâm, thúc đẩy, đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng.

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở bản Ngàm PốcMột trích đoạn của nghi lễ truyền thống “Chá Mùn” được thể hiện tại lễ hội Mường Đeng, xã Yên Thắng.

Bản Ngàm Pốc tiếp giáp với các xã Trí Nang, Yên Khương, Lâm Phú (Lang Chánh) và xã Yên Nhân (Thường Xuân). Bản Ngàm Pốc có địa hình đa phần là đồi núi xen kẽ những bản làng, là nơi sinh sống, diễn ra các hoạt động sinh hoạt lao động, sản xuất; phong tục, văn hóa đa dạng, còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống quý báu của người Thái đen. Cái tên “Ngàm Pốc” trong tiếng Thái có nghĩa là đẹp, vậy nên khi đặt chân đến bản đẹp nơi vùng cao sơn cước này vào bất kỳ mùa nào trong năm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ, đắm chìm trong khí hậu mát mẻ ôn hòa. Vẻ đẹp xanh mướt của ruộng bậc thang, các thác nước cao đổ xuống như tấm lụa hòa mình trong núi rừng. Những guồng nước như những bánh xe khổng lồ được người Thái sáng tạo bao đời nay, dẫn nước phục vụ cho bản làng.

Đặc biệt vào mỗi dịp cuối tuần, du khách có thể được trải nghiệm một phiên chợ độc đáo vùng cao tại bản Ngàm Pốc - nơi giao lưu buôn bán rất nhiều sản vật địa phương. Và càng đa dạng hơn khi có sự thông thương buôn bán giữa người dân bản Ngàm Pốc với cư dân cụm bản Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, nước bạn Lào. Chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là không gian giao lưu mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Khi đến với bản Ngàm Pốc, du khách còn được tham gia nhiều nghi lễ truyền thống như hát khặp, khua luống, tục buộc chỉ cổ tay... Đặc biệt du khách còn được hòa mình vào lễ hội tín ngưỡng dân gian “Chá Mùn” với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được hạnh phúc, bình an, no đủ. Hơn tất cả là được thưởng thức những món ăn đặc sản như: cơm lam, thịt nướng, cá suối, măng rừng, thêm vài chén rượu men lá, quây quần bên bếp lửa trong những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái... mới thấy hết được sự nồng ấm, đượm tình mến khách của bà con bản địa vùng cao nơi đây.

Với những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, địa lý, những năm qua xã Yên Thắng đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng ở bản Ngàm Pốc như: Khuyến khích người dân đầu tư phát triển homestay, vườn du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương... Tuy nhiên, theo đánh giá của du khách khi đến trải nghiệm tại bản Ngàm Pốc thì loại hình du lịch này vẫn chưa được đầu tư quy mô, bài bản, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đủ để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Một số mô hình homestay vẫn chưa được chú trọng và đầu tư, do thiếu kiến thức và kỹ năng làm du lịch, khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút du khách đến trải nghiệm. Thêm vào đó, việc phát triển tự phát với tâm lý “mạnh ai người ấy làm” sẽ khiến du lịch cộng đồng phát triển kém hiệu quả và thiếu tính bền vững.

Được biết, bản Ngàm Pốc có 313 hộ, với 1.354 nhân khẩu, đa số là người dân tộc Thái, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp và dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng cũng là một trong những định hướng mà lãnh đạo và bà con nơi đây muốn hướng đến để cải thiện đời sống cho người dân. Hiện tại, xã Yên Thắng đang tập trung tuyên truyền để người dân đẩy mạnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch gắn với XDNTM. Chính quyền địa phương đang tích cực khai thác lợi thế, đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Để thu hút du khách, mỗi hộ gia đình và người dân cần phải thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm, tu sửa, sắp xếp nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Đây là loại hình mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho bà con nơi đây, không chỉ giúp cho người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn để bảo tồn bản sắc và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của bản làng vùng cao.

Theo ông Lê Hữu Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng, thời gian tới xã sẽ tập trung khôi phục, phát triển các ngành nghề mang nét đặc trưng riêng của bản Ngàm Pốc như: dệt thổ cẩm, đan lát, vận động các nghệ nhân cùng con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, gần đây xã đã phối hợp với các cấp, ngành chức năng tổ chức cho người dân trong bản tham gia các lớp tập huấn phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, bảo tồn phục dựng lễ hội tâm linh “Chá Mùn”- một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen nơi đây, giúp truyền dạy và giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào cho thế hệ kế tục. Để kết nối các địa điểm thành “bản đồ” du lịch của bản, giúp thuận tiện và nhiều trải nghiệm cho du khách hơn, chính quyền địa phương bước đầu đã tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch, đưa ra định hướng làm cơ sở hình thành các loại hình du lịch phù hợp với từng điểm đến. Huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối, từng bước hình thành các khu du lịch mang tính chuyên nghiệp, giúp tăng hiệu quả kinh tế, tăng giá trị bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lang Chánh, cho biết: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhận thấy lợi thế của việc phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương, phòng đang tham mưu xây dựng kế hoạch để có phương án hỗ trợ những hộ làm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch các khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao, ruộng bậc thang bản Ngàm Pốc, bản Peo, xã Yên Thắng... Lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ tục Chá Mùn của người Thái đen, xã Yên Thắng. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương, đưa du lịch cộng đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đối với những ai yêu cảnh đẹp miền sơn cước, đam mê “check in”, tham gia khám phá, trải nghiệm đời sống đồng bào dân tộc Thái thì bản Ngàm Pốc là một địa chỉ vô cùng thú vị và mới mẻ. Với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, sự đoàn kết thống nhất của cấp ủy, chính quyền và các hộ dân trong bản, hy vọng trong thời gian tới, bản Ngàm Pốc sẽ xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, tạo tiền đề cho kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Ngân Kim



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]