(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Sở Công Thương tập trung triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả. Một trong các giải pháp thường xuyên để hàng nội địa từng bước chiếm lĩnh được thị trường nông thôn trong tỉnh, đó là việc triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn

Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Sở Công Thương tập trung triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả. Một trong các giải pháp thường xuyên để hàng nội địa từng bước chiếm lĩnh được thị trường nông thôn trong tỉnh, đó là việc triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Nỗ lực đưa hàng Việt về nông thônSản phẩm tiêu biểu của huyện Quảng Xương tại Hội nghị trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Quảng Xương là một trong số những huyện phối hợp với Sở Công Thương để tổ chức và tham gia một số hội chợ như: Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP và hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022; Hội nghị kết nối cung cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Hay mới đây nhất là Hội nghị trưng bày, giới thiệu quà lưu niệm, sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng OCOP tại TP Sầm Sơn năm 2023 và gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc sản tại Liên hoan đặc sản xứ Thanh năm 2023. Trong đó có Công ty TNHH Đông Y Quang Anh, Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham, Công ty CP Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao Queen Farm, HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc cùng tham gia. Nhờ những hội chợ, hội nghị được tổ chức mà người dân huyện Quảng Xương có nhiều cơ hội được trải nghiệm và khám phá thêm nhiều sản phẩm do chính địa phương mình sản xuất.

Ông Lê Đình Khoa, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quảng Xương cho biết: Từ khi huyện và các ngành chức năng tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mỗi năm huyện tổ chức và tham gia từ 2 - 3 cuộc hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn nên người dân có nhiều lựa chọn để mua sắm hơn. Qua đó, hàng Việt cũng dần “quen mặt” và được người dân chọn lựa nhiều hơn.

Với các giải pháp đưa hàng Việt tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng thông qua các hội chợ, hội nghị giới thiệu sản phẩm, đã góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, đa số người tiêu dùng đã lựa chọn dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Sở Công Thương chủ trì phối hợp tổ chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, với hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý và xuất xứ rõ ràng, giúp người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Việt. Trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022, quy mô 400 gian hàng, thu hút hơn 500 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP từ các tỉnh, thành phố phía Bắc về trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại hội chợ. Ngoài ra, sở còn tổ chức các đợt xúc tiến thương mại tại các tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, TP Cần Thơ) để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, như: nem chua, kẹo lạc, bánh gai và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, trực tiếp tham gia trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 và tham gia Hội chợ triển lãm thương mại và sản phẩm OCOP - Bắc Ninh 2022...

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, ngày 22-5-2023, Sở Công Thương ban hành Kế hoạch số 609/KH-SCT về tổ chức các Phiên chợ kết nối cung – cầu về nông thôn năm 2023. Theo đó, Sở Công Thương tổ chức 3 Phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn tại các huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước vào quý III và IV năm 2023. Đây sẽ là cơ hội để bà con Nhân dân vùng nông thôn được dễ dàng tiếp cận, yên tâm mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thương mại lớn trong tỉnh như: Công ty TNHH Lan Sơn; Công ty TNHH TM Long Anh; Công ty TNHH Sơn Vũ... đã tổ chức đưa hàng về nông thôn thông qua hệ thống đại lý để phục vụ Nhân dân, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó chủ yếu là hàng Việt. Công ty CP Tập đoàn Miền núi đã xây dựng phát triển chuỗi siêu thị đóng tại 11 huyện miền núi và các cửa hàng tự chọn, các điểm, quầy bán hàng tại một số xã trong huyện với trên 90% hàng hóa sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có một số doanh nghiệp đã và đang xây dựng, phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi như: hệ thống siêu thị The City; hệ thống cửa hàng Winmart+ đang từng bước mở rộng địa bàn hoạt động về các huyện nông thôn trong tỉnh, tạo nhiều cơ hội cho người dân nông thôn được thuận lợi, dễ dàng mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu nhằm từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ đó, người tiêu dùng đã thay đổi dần thói quen mua sắm; hàng hóa thương hiệu Việt đã được đa số người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]