(Baothanhhoa.vn) - Tập tễnh từng bước với chiếc chân gỗ, thương binh Lê Xuân Mỳ dẫn chúng tôi khám phá khu vườn xanh mướt. Trong đoàn tham quan, ai cũng bày tỏ sự khâm phục với cách bài trí cây - con khoa học và nghị lực phi thường của người cựu chiến binh từng thập tử nhất sinh để giành giật sự sống.

Vườn mẫu sinh thái gắn phát triển kinh tế hộ của người thương binh 2/4

Tập tễnh từng bước với chiếc chân gỗ, thương binh Lê Xuân Mỳ dẫn chúng tôi khám phá khu vườn xanh mướt. Trong đoàn tham quan, ai cũng bày tỏ sự khâm phục với cách bài trí cây - con khoa học và nghị lực phi thường của người cựu chiến binh từng thập tử nhất sinh để giành giật sự sống.

Vườn mẫu sinh thái gắn phát triển kinh tế hộ của người thương binh 2/4Khu sân và vườn sinh thái của thương binh Lê Xuân Mỳ, xã Định Công (Yên Định).

Khu tiểu sinh thái vùng quê

Nằm ven con đường liên xã thuộc thôn Quan Yên, xã Định Công (Yên Định), khu vườn mẫu của thương binh Lê Xuân Mỳ như một khu tiểu sinh thái của vùng quê. Ngay sau đường vào cổng ngõ khang trang, gia chủ đã sắp xếp hệ thống cây cảnh với những tác phẩm bon sai đẹp mắt. Màu hoa mẫu đơn, hoa hồng, hoa giấy cổ thụ sặc sỡ xen lẫn sắc xanh của những tác phẩm Sanh Nam Điền đã dẫn lối người xem tiếp tục khám phá. Khắp sân và khu vườn trước nhà là không gian dành cho thú đam mê cây cảnh và một số cây ăn quả tầm thấp.

Bước theo những bậc thang xuống khu vườn sau nhà, những trái bưởi, trái hồng lúc lỉu chắn cả lối đi. Hệ thống đường nội vườn được đổ bê tông nên dễ dàng đi vào chăm sóc và thu hoạch các sản phẩm, đồng thời chia khu vườn thành những ô nhỏ để chuyên canh mỗi loại cây - con. Với bàn tay cần mẫn và óc sáng tạo, người thương binh 55 tuổi khéo léo bố trí các loại cây theo tầng để tận dụng mọi diện tích khu vườn. Khoảng sáng còn lại giữa các luống cây ăn quả là những hàng đinh lăng, rau ngót và cây trồng ưa rợp. Dưới các gốc bưởi và cây tán dày được đặt các bọng ong để tránh nắng nóng.

Tuy khu vườn được chia thành 3 tầng theo kiểu ruộng bậc thang, nhưng chủ vườn vẫn đầu tư hệ thống tưới khoa học với các béc tưới phun mưa và ống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây trong vườn. Cuối khu vườn, nơi thấp nhất được đào các ao trữ nước, đồng thời nuôi ba ba sinh sản. “Tôi luôn học hỏi, tìm tòi những phương pháp chăm sóc cây trồng hiện đại để áp dụng. Hiện các cây trong vườn được canh tác theo hướng an toàn sinh học. Những cây trồng được trồng bằng đất trộn phân chuồng hoai mục và trấu ngay từ đầu, quá trình sinh trưởng được bón các loại phân hữu cơ. Đó cũng là lý do các cây ăn quả trong vườn rất ngọt và sạch, được thương lái đến tận vườn thu mua” - thương binh Lê Xuân Mỳ chia sẻ.

Theo ghi chép của chủ vườn tuổi ngũ tuần, mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 700 lít mật ong. Cộng với các loại trái cây theo mùa, rau màu các loại và sản phẩm từ 30 cặp ba ba sinh sản, cũng đem về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Đó là chưa kể, thỉnh thoảng ông vẫn mua bán, trao đổi những tác phẩm cây cảnh có giá trị hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Bằng nghị lực phi thường

Ngày chúng tôi đến tìm hiểu, cũng là thời điểm thương binh Lê Xuân Mỳ cho gần 600 đàn ong của mình “đi ở” tại những vùng có nhiều hoa trong và ngoài tỉnh. Có một số chủ vườn trại ở huyện Cẩm Thủy cũng về tham quan học tập, chứng tỏ cách làm của ông Mỳ đã tạo được sự lan tỏa không chỉ ở huyện Yên Định.

Tâm đắc nhất với ông là những cây cảnh được thổi hồn thành những tác phẩm nghệ thuật. Như để minh chứng điều này, ông dẫn chúng tôi đến xem tác phẩm sanh thế phu thê đang được tạo tác. “Với tôi, chơi cây cảnh là niềm đam mê. Chính vì vậy, tôi ít bán cây. Hi hữu có người biết chơi đến nài nỉ, tôi mới bán, vì cây của mình nếu vào tay người không biết chăm sóc thì thấy tiếc công bao năm uốn tỉa”, cựu chiến binh Lê Xuân Mỳ cho hay.

Với một khu vườn đã trở thành hình mẫu phát triển kinh tế VAC gắn yếu tố cảnh quan sinh thái, nhưng ít ai tin rằng mới được gây dựng chỉ 3 năm. Với những người bình thường đã khó, nhưng với một thương binh luôn đau ốm khi trái gió trở trời lại càng đáng khâm phục.

Theo thương binh Lê Xuân Mỳ, chỉ có nghị lực của người lính Cụ Hồ mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách mà vươn lên. Từ tháng 2/1986, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Lê Xuân Mỳ đã tình nguyện nhập ngũ làm nhiệm vụ quốc gia. Rèn luyện tại Sư đoàn 325, Trung đoàn 18 thuộc tỉnh Hà Bắc khi ấy, bản lĩnh người lính ngày càng được hun đúc. Rồi năm 1978, ông cùng đồng đội hăng hái tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Trận đánh khiến ông không thể quên là tại cao điểm 1509 thuộc tỉnh Hà Tuyên cũ, ông cùng đồng đội giành giật với địch từng khoảng đồi, để rồi bị thương mất chân phải, đa chấn thương khắp cơ thể, phải cắt đi một phần ruột.

Mất mát là vậy, nhưng với ông đó vẫn còn may chán, bởi hàng chục đồng đội đã anh dũng hy sinh không thể trở về. “Trong phổi tôi vẫn còn 2 mảnh dăm đạn, cộng với vết thương khắp người nên rất đau mỗi khi trái gió trở trời. Nhiều lần không thể chống chịu nổi, tôi phải nằm viện. Tuy nhiên khi đỡ, tôi lại ra làm vườn, cải tạo và thiết kế khu vườn theo ý thích. Tôi coi tạo khuôn viên đẹp cho mình cũng là góp phần tạo cảnh quan xanh mát cho làng quê, nhất là phong trào XDNTM đã và đang được địa phương phát động” - thương binh Lê Xuân Mỳ trải lòng.

Năm 1988, cựu chiến binh Lê Xuân Mỳ về quê và đã có thú chơi cây cảnh tại căn nhà giữa xóm. Tuy nhiên sân vườn chật hẹp nên ông đã mua khu đất gần 2.200m2 của một hộ ven chân núi như hiện nay. Nằm trên triền đất dốc một bên là chân núi, phía xa là triền sông giáp ngã ba Bông nổi tiếng, ông Mỳ đã thuê máy đào ao, lấy đất đắp cao và xây dựng vườn thành 3 đường đồng mức bằng phẳng.

Ngoài những ngày đau ốm do vết thương tái phát, cả nghìn ngày qua, bàn tay của người thương binh sinh năm 1968 không ngừng nghỉ việc đào hố, trồng cây, cắt tỉa, vun trồng. Căn nhà tầng khang trang được thương binh Lê Xuân Mỳ dành dụm cả đời xây cất, cũng hoàn toàn hài hòa với khuôn viên vườn và cảnh quan được tạo dựng xung quanh.

Đồng hành với địa phương trong chương trình XDNTM, ông Mỳ đã liên kết với 10 hộ nuôi ong trong xã, đang làm thủ tục để sản phẩm mật ong được công nhận OCOP. Mô hình kinh tế VAC của thương binh Lê Xuân Mỳ cũng mới được Hội Làm vườn và Trang trại huyện Yên Định tiến cử để tham gia cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu” tỉnh Thanh Hóa năm 2023.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]