(Baothanhhoa.vn) - Mường Lát vẫn nghèo! Nhưng con người nơi đây đã và đang thay đổi, họ đã biết nhìn sang những ngọn núi xa hơn.

“Những ngôi sao” dưới “vùng trời thủng”

Mường Lát vẫn nghèo! Nhưng con người nơi đây đã và đang thay đổi, họ đã biết nhìn sang những ngọn núi xa hơn.

Những ngôi sao dưới “vùng trời thủng”Chân dung 6 thanh niên tiên tiến huyện Mường Lát được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu, tấm gương khởi nghiệp thành công và Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

"Ngôi sao nhỏ" vươn lên trong học tập

Cố Nhà văn Kiều Vượng, người có gần 5 năm sinh sống và làm việc dọc biên giới phía tây gọi nơi cổng trời quanh năm mây phủ bạc trắng và mưa lút thút là “vùng trời thủng”. Trong tiểu thuyết cùng tên, cố nhà văn đã phần nào khắc họa những khó khăn về vị trí địa lý, sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán và cuộc sống của đồng bào vùng cao nơi đây. Nó phần nào lý giải Mường Lát là huyện nghèo nhất tỉnh và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, với chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc hàng thấp nhất.

Người ta nhắc nhiều về cuộc sống đồng bào “vùng sâu, vùng xa”. Nhưng ở nơi đây đang có một thế hệ trẻ đã và đang dám nghĩ, dám làm, đem sức trẻ để lao động, học tập, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực cho sự đổi mới của địa phương. Ngày 22 - 23/4, tại Trung tâm hoạt động và bồi dưỡng cán bộ thanh, thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa (TP Sầm Sơn) đã diễn ra Hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu, tấm gương khởi nghiệp thành công và Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Và, điều bất ngờ huyện Mường Lát là một trong những huyện nổi bật nhất với 6/40 đại biểu được tuyên dương.

Cô gái dân tộc Thái Hà Phương Uyên, sinh năm 2004, sinh viên K23F - Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức là 1/6 đại biểu huyện Mường Lát được tuyên dương. Uyên là tấm gương vượt khó học giỏi được bà con đồng bào dân tộc bản Na Tao, xã Pù Nhi nể phục. Ngay từ khi ê a những con chữ đầu tiên tại Trường Tiểu học Pù Nhi, Uyên đã chứng tỏ sự thông minh, niềm đam mê với việc học. Ngày qua ngày, con đường học tập của Uyên được nối dài thêm khi Uyên tiếp tục nỗ lực vượt khó để hoàn thành cấp THCS và THPT tại các trường nội trú trên địa bàn huyện và tỉnh.

Dù phải sống tự lập xa gia đình từ nhỏ, nhưng Uyên luôn tự nhủ phải cố gắng học tập để không phụ lòng mong mỏi của gia đình và xã hội. Kết thúc mỗi năm học, Uyên đều khẳng định mình với những thành tích đáng nể. Trở thành sinh viên Trường Đại học Hồng Đức với điểm số đầy thuyết phục, Uyên nỗ lực học tập và liên tục đạt các danh hiệu là sinh viên giỏi và sinh viên xuất sắc của trường. Ngoài giờ học, Uyên còn tham gia rất nhiệt tình, năng nổ trong công tác đoàn và phong trào sinh viên. Là thành viên Câu lạc bộ Du lịch trẻ “Khám phá du lịch xứ Thanh”, trong những năm qua, Uyên cùng các bạn trẻ đã góp phần quảng bá du lịch của Thanh Hóa đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Uyên nói em không sợ khi được nghe hay chứng kiến những khó khăn, nhọc nhằn của nghề giáo; bởi trở thành giáo viên là ước mơ lớn nhất của bố em, nhưng bố không thực hiện được vì hoàn cảnh gia đình không cho phép. Em sẽ thay bố thực hiện ước mơ đó, và sẽ làm thật tốt. “Bố mẹ em là người dân tộc thiểu số, thuần nông, cả đời “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng luôn động viên chúng em cố gắng học. Bố mẹ là điểm tựa, hậu phương vững chắc để chúng em nỗ lực vươn lên. Vì thế, để trở thành giáo viên, em không sợ khó, sợ khổ. Em có thể đến bất cứ khu vực nào, dù sâu và xa nhất, chỉ mong có thể đóng góp một phần cho sự phát triển của quê hương”, nữ sinh bộc bạch.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Không chỉ nỗ lực trên con đường học tập, nhiều tấm gương sáng của thanh niên Mường Lát còn được biết đến với vai trò là người “cất cánh” cho phong trào lập thân, lập nghiệp. Trong đó, Vi Văn Đợi, sinh năm 1993, dân tộc Thái, ở khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát, là một điển hình. Tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thay vì thi đại học, Đợi đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhiều năm bôn ba, năm 2020 Đợi trở về quê hương lập nghiệp. Xác định thế mạnh và hạn chế của địa phương, anh đã đầu tư phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi. Anh mua xoan, lát, keo về trồng trên đồi; mua bò, gà, lợn nuôi dưới tán rừng, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Mò mẫm từ những ngày đầu tiên, đến nay mô hình đã phát triển với 20ha cây lát, 10ha cây keo, 4ha cây măng bát độ và nhiều cây trồng khác như ngô, sắn, chuối... Năm 2021, anh đứng ra thành lập HTX Thương mại dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp huyện Mường Lát, chuyên bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Hiện tại, trang trại của gia đình anh Đợi và HTX mang lại thu nhập khoảng từ 300 - 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Những ngôi sao dưới “vùng trời thủng”Cô gái dân tộc Thái Hà Phương Uyên (thứ 4 từ trái sang) năng nổ trong học tập và các phong trào đoàn, thiện nguyện.

Không chỉ là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, với vai trò là một bí thư chi đoàn tiêu biểu, anh Vi Văn Đợi luôn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ một số hộ gia đình thanh niên có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bản thân anh Đợi và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương. Anh cũng luôn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động, đặc biệt luôn tiên phong trong thực hiện phong trào lập thân, lập nghiệp, cống hiến sức mình cho quê hương, tạo việc làm cho thanh niên địa phương.

Trong cộng đồng dân tộc Dao, Tặng Văn Sinh, sinh năm 1989, ở bản Con Dao, xã Quang Chiểu, cũng là một đại diện của thế hệ thanh niên dám nghĩ, dám làm. Tốt nghiệp Trường THPT Mường Lát, anh Sinh đi làm thuê nhiều nơi để mưu sinh, nhưng vẫn không đủ tiền lo cho gia đình. Năm 2016, anh quyết định về quê lập nghiệp, qua sự tư vấn của gia đình và bạn bè, anh đã xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây xoan, lát, bưởi, nuôi thêm lợn, gà, vịt. Đến năm 2018, anh Sinh nhận thấy ở khu vực biên giới ít người trồng cây quýt đường, cam Lào, nếu thực hiện sẽ có khả năng thành công và cung cấp ra địa bàn huyện sản phẩm an toàn. Anh mạnh dạn vay vốn để mua 200 cây quýt đường và cam về trồng, kết hợp trồng rừng, chăn nuôi. Sau 7 năm khởi nghiệp, đến nay mô hình đã trồng được 600 cây quýt đường và cam, gần 2ha rừng trồng cây xoan và lát, nuôi 10 con trâu, bò, hơn 20 con lợn, 100 con gà... thu nhập bình quân của gia đình đạt khoảng 140 triệu đồng/năm.

Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Tặng Văn Sinh còn là một bí thư chi đoàn năng nổ trong các hoạt động đoàn của xã. Anh thường xuyên cùng đoàn xã tham gia tập hợp thanh niên trong bản để dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đóng góp nhiều ngày công vào chương trình XDNTM.

Từ cuối năm 2023 đến nay, huyện Mường Lát đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo. Từ số hộ nghèo, cận nghèo chiếm chủ yếu trên địa bàn, đến nay xã Mường Chanh chỉ còn 18,05% số hộ nghèo đa chiều; xã Quang Chiểu còn 28,49%... Những đổi thay ở “vùng trời thủng” này có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ đoàn viên, thanh niên, lực lượng trẻ tuổi sống có lý tưởng, hoài bão, cống hiến, khởi nghiệp, lập nghiệp.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]