(Baothanhhoa.vn) - Phong trào “sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” đã, đang phát triển rộng khắp khu vực miền núi tỉnh Thanh và thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia. Từ phong trào ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình để cộng đồng học tập, làm theo.

Lan tỏa những điển hình sản xuất giỏi ở khu vực miền núi

Phong trào “sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” đã, đang phát triển rộng khắp khu vực miền núi tỉnh Thanh và thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia. Từ phong trào ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình để cộng đồng học tập, làm theo.

Lan tỏa những điển hình sản xuất giỏi ở khu vực miền núiTrồng dưa Kim Hoàng hậu trong “Trang trại xanh 3 sạch” của gia đình anh Lương Ngọc Lai, xã Luận Thành (Thường Xuân).

Về thôn Ba Bái, xã Xuân Thái (Như Thanh) hỏi thăm ông Hà Văn Thuyên - người dân tộc Thái, ai cũng đều biết. Không chỉ là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã năng nổ, nhiệt huyết với công tác hội và trách nhiệm, yêu thương đồng đội, ông còn là tấm gương vượt khó, cần cù lao động, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Như bao chàng trai của quê hương Xuân Thái, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mùa xuân năm 1987, ông lên đường nhập ngũ, đóng quân tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hoàn thành nghĩa vụ, năm 1989 ông trở về quê hương, lúc bấy giờ, thôn Ba Bái còn là vùng đất với nhiều cái “không”. Hiện hữu nhất phải kể đến hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia chưa được đầu tư, diện tích đất trồng lúa ít... Những cái “không” ấy vô hình chung đã trở thành “lực cản” làm cho đời sống của người dân trong thôn gặp nhiều khó khăn và gia đình ông Thuyên không phải là ngoại lệ. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không bất lực trước khó khăn, ông bắt tay vào thực hiện ý tưởng xây dựng mô hình phát triển kinh tế vườn rừng. Được sự hỗ trợ của chính quyền xã Xuân Thái, ông đã nhận 12 ha đất lâm nghiệp để bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng sản xuất. Sau 6 năm chăm sóc, lứa keo đầu tiên của gia đình ông đã cho thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông Thuyên có lãi hơn 350 triệu đồng. Từ sự thành công bước đầu đó, để bảo đảm tính bền vững, ông tiếp tục cải tạo vườn rừng, trồng hơn 400 cây dổi lấy hạt. Đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 40 triệu đồng từ việc bán hạt dổi. Vốn là người ham học hỏi, ông Thuyên đã đi đến một số địa phương trong tỉnh để học tập, nghiên cứu các mô hình vật nuôi đặc sản. Năm 2014, được sự giúp đỡ của Hạt Kiểm lâm Như Thanh, ông đã đầu tư chuồng trại nuôi hươu lấy nhung. Hiện nay, đàn hươu của gia đình ông đã phát triển lên 20 con. Hằng năm, gia đình ông có thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng từ bán hươu giống, nhung hươu. Lấy ngắn nuôi dài, ông còn đầu tư nuôi hơn 50 con lợn cỏ, lợn lòi, 200 con gà rừng, 3 con trâu, 7 con bò sinh sản. Theo nhẩm tính của ông Thuyên, sau khi trừ chi phí, bình quân hàng năm gia đình ông có thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ gia trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Bằng tinh thần tự lực cánh sinh, chăm chỉ lao động, sản xuất, gia đình ông Thuyên đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá giả của địa phương.

Ngoài ông Thuyên, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa còn hàng trăm hộ đồng bào DTTS khác đã và đang đi đầu trong khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng hiệu quả. Từ đó, góp phần tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng, thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo ở mỗi địa phương. Tiêu biểu như bà Tôn Thị Hồng Việt, người dân tộc Mường, ở thôn Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) với mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp. Gia trại của gia đình bà Việt hiện trồng 19 ha keo lấy gỗ và kết hợp nuôi 130 đàn ong mật, 50 con bò sinh sản, 500 con gà thả vườn, cùng ao cá. Mỗi năm trừ chi phí gia đình bà Việt có thu nhập bình quân hơn 350 triệu đồng. Hay như ông Hà Văn Sinh, dân tộc Thái, thôn La Ca, xã Cổ Lũng (Bá Thước) đã đứng ra thành lập HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo hướng VietGAP. Hiện nay, HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng có 12 thành viên tham gia. Mỗi thành viên đang nuôi từ 500 đến 1.500 con vịt Cổ Lũng/lứa và cho thu nhập hơn 720 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi thành viên trong HTX có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Còn với anh Lương Ngọc Lai, dân tộc Thái, xã Luận Thành (Thường Xuân), với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, quyết tâm đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi “Trang trại xanh 3 sạch”. Từ mô hình này, anh Lai đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Luận Thành để thuận lợi tiêu thụ sản phẩm. Ước tính mỗi năm HTX sản xuất và cung ứng cho thị trường 22 tấn gà, 12 tấn dưa và 30 tấn rau củ quả, với doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng; lợi nhuận từ 400 đến 600 triệu đồng/năm...

Từ các phong trào thi đua yêu nước nói chung, phong trào “sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” nói riêng, ở vùng đồng bào DTTS xứ Thanh đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đó thực sự là những “hạt nhân” góp phần cổ vũ, khích lệ đồng bào DTTS trong tỉnh phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, cần cù, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tích cực phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, cũng như bứt phá làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]