(Baothanhhoa.vn) - Ở tuổi 65, nhưng cựu thanh niên xung phong Trịnh Văn Toàn ở thôn Thạch Lãng, xã Trường Minh (Nông Cống) vẫn săn chắc, mạnh khỏe nhờ cần cù lao động. Mỗi ngày ông đều làm việc ở khu trang trại ven mép sông Yên thuộc thôn Phúc Đỗi cùng xã. Một khu sản xuất trù phú hơn 2,9 ha được ông gây dựng nên nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ cải tạo bãi lầy thụt hoang hóa ven sông trong suốt gần 10 năm qua.

Cựu thanh niên xung phong gần thập kỷ cải tạo bãi bồi ven sông Yên

Ở tuổi 65, nhưng cựu thanh niên xung phong Trịnh Văn Toàn ở thôn Thạch Lãng, xã Trường Minh (Nông Cống) vẫn săn chắc, mạnh khỏe nhờ cần cù lao động. Mỗi ngày ông đều làm việc ở khu trang trại ven mép sông Yên thuộc thôn Phúc Đỗi cùng xã. Một khu sản xuất trù phú hơn 2,9 ha được ông gây dựng nên nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ cải tạo bãi lầy thụt hoang hóa ven sông trong suốt gần 10 năm qua.

Cựu thanh niên xung phong gần thập kỷ cải tạo bãi bồi ven sông YênCựu thanh niên xung phong Trịnh Văn Toàn với thành quả là khu sản xuất cho thu nhập cao ở xã Trường Minh (Nông Cống).

Dòng sông Yên uốn lượn hiền hòa nhưng nhỏ hẹp nên mỗi mùa mưa bão, nước lại dâng cao rồi cuồn cuộn chảy như muốn cuốn phăng đi tất cả. Vì lẽ đó mà đến nay, nhiều đoạn bãi bồi ven sông qua các huyện Nông Cống, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn vẫn còn bỏ hoang. Thế nhưng gần 10 năm trước, khi xã Trường Minh kêu gọi người dân ra vùng ven sông xây dựng các mô hình kinh tế, ông Trịnh Văn Toàn đã mạnh dạn đi đầu. Đào từng gốc cây bụi, cuốc từng chòm cỏ năn, với ông đã trở thành công việc lặp đi, lặp lại từ ngày này sang tháng khác. Với bản chất cần cù, lại ham học hỏi kiến thức sản xuất nông nghiệp, ông đã từng bước hình thành được những khu đất sản xuất trên diện tích đấu thầu. Trồng cây màu, cây ăn quả nhưng mỗi mùa mưa, nước sông dâng cao lại cuốn trôi đi những tài sản, rồi gây úng ngập. Không nản chí, lùi bước trước khó khăn, thử thách, người cựu thanh niên xung phong tiếp tục tiết kiệm, rồi vay mượn để thuê máy xúc đào 3.000m2 các ao để lấy đất tôn cao dần khu sản xuất. Từ nguồn nguyên liệu dư thừa của hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, ông tận dụng làm thức ăn cho các loài cá trắm, cá quả, cá rô phi đơn tính... Do vùng nước sông Yên có độ mặn thấp, ông nghiên cứu và quyết định du nhập nuôi tôm thẻ chân trắng, liên tục gặt hái thành công với những lứa tôm năng suất. Ở những thân đất thấp, gia chủ tiếp tục cải tạo để triển khai các mô hình tôm - lúa kết hợp.

Giai đoạn 2016-2018, ông bắt đầu phát triển diện tích cây lưu niên, nhưng một số cây vẫn bị ngập rồi chết úng trong những đợt có lũ lớn, nên ông đã khăn gói vào tận miền Tây Nam bộ tìm hiểu các mô hình cây ăn quả trong vùng trũng thấp. Nhận thấy cây dừa Bến Tre phù hợp với vùng nước nhiễm mặn thấp, lại chịu được ngập úng khi nước dâng cao nên ông đã phát triển tới 500 cây quanh khu trang trại. Cùng với đó là hàng trăm bụi chuối được trồng và phát triển xanh tốt, vừa cho quả vừa tận dụng thân và lá làm thức ăn cho cá và chăn nuôi. Để cây “sống chung” với môi trường trũng thấp, ông đã đào các con mương nhân tạo chạy dọc hệ thống cây ăn quả hai bên bờ. Đến nay, 800 cây nhãn lồng, 300 cây bưởi Diễn, 150 cây bưởi da xanh, 130 cây mít... đều sai cành trĩu quả.

Cựu thanh niên xung phong gần thập kỷ cải tạo bãi bồi ven sông Yên

Nhìn từ xa, màu xanh cây lá đã phủ kín dải đất ven sông chạy dài chừng 300m. Thấp thoáng trong những lùm cây là hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây dựng khá bài bản. Theo ông Toàn, chăn nuôi chính là hoạt động cho thu nhập chính của trang trại. Nhiều năm qua, trang trại luôn duy trì khoảng 500 con gà/lứa, mỗi năm 3 lứa. Tương tự là khoảng 2.400 con vịt được chia đều cho 3 lứa nuôi mỗi năm, góp phần đưa nguồn thu từ chăn nuôi gia cầm của trang trại hằng năm đạt khoảng 150 triệu đồng, thu về lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng. Đáng nói, việc chăn nuôi ở đây đã được xử lý chất thải khá tốt nhờ các hầm bioga và bể xử lý nước thải. Không những làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, chủ trang trại sinh năm 1957 còn thuê riêng một nhân viên thú y làm việc dài hạn để chăm sóc cho đàn gia cầm, phòng chống dịch bệnh.

Theo hạch toán của chủ mô hình kinh tế tổng hợp này, năm 2022 vừa qua, tổng thu nhập từ các hoạt động kinh tế tại trang trại đạt 815 triệu đồng, trừ các chi phí còn lợi nhuận hơn 500 triệu đồng. Ngoài 2 nhân lực chính trong gia đình, trang trại còn giải quyết việc làm cho thêm 6 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Sự phát triển của mô hình sản xuất tổng hợp này đã góp phần tạo sự lan tỏa trong xây dựng trang trại ở địa phương.

Có thể khẳng định, hành trình lấy sức người vượt sức thiên nhiên của ông Trịnh Văn Toàn đã đem lại nhiều thành công, góp phần xây dựng một mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình tại xã Trường Minh.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]