(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, đến nay dù đã gần 60 tuổi nhưng cựu chiến binh (CCB) Hoàng Viết Đức lúc nào cũng đau đáu việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống và tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn.

Người nặng lòng với nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, đến nay dù đã gần 60 tuổi nhưng cựu chiến binh (CCB) Hoàng Viết Đức lúc nào cũng đau đáu việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống và tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn.

Người nặng lòng với nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng ĐôÔng Hoàng Viết Đức bên sản phẩm tơ vàng óng của làng nghề Hồng Đô. Ảnh: Hoài Anh

Những ngày đầu năm mới 2023, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Hoàng Viết Đức (tiểu khu 10, thị trấn Thiệu Hóa). Bên ấm trà nóng, ông kể cho chúng tôi nghe về nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu truyền thống, về cái tên làng Hồng Đô, tổng Thiệu Hóa trước kia.

Ông Đức cho biết: “Trước đây làng Hồng Đô có tới 300 khung dệt, thu hút 400 - 500 thợ dệt có tay nghề và mỗi năm sản phẩm của làng nghề xuất đi khắp nơi, sang cả Lào và Trung Quốc, khoảng 15.000 tấm nhiễu mỗi năm. Thế nhưng, những năm cuối của thế kỉ XX, trong xu thế hội nhập nền kinh tế thế giới, sản phẩm tơ, nhiễu Hồng Đô không đủ sức cạnh tranh với các hàng may mặc, tơ lụa công nghiệp. Thêm vào đó, thời điểm năm 2018, 2019, khi các doanh nghiệp, nhà máy phát triển nhiều trên địa bàn huyện Thiệu Hóa và một số huyện lân cận, không ít người dân đã bỏ nghề đi làm công nhân với mức thu nhập ổn định. Vì thế mà nguy cơ “thất truyền” đối với nghề ươm tơ, dệt nhiễu truyền thống ngày càng lớn...”.

Bản thân ông Đức sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, dệt nhiễu. Gắn bó với lá dâu, con tằm từ thuở nhỏ, hiểu rõ cái hay, cái đẹp của nghề dệt nhiễu, cho nên khi thấy các hộ gia đình lần lượt bỏ nghề, những nương dâu bị phá bỏ, lòng ông như thắt lại.

Không cam chịu bỏ nghề, năm 2000 ông quyết định ra các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... để tìm kiếm việc làm và học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nghề ươm tơ, dệt nhiễu. Sau khi học hỏi được kinh nghiệm, năm 2005 trở về địa phương, ông bàn với gia đình, bạn bè và cấp ủy, chính quyền địa phương về ý tưởng khôi phục lại nghề truyền thống của quê hương. Rất may mắn ông được mọi người ủng hộ, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê mặt bằng, đất trồng dâu, vay vốn ưu đãi mua máy móc, ươm tơ, dệt nhiễu.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa làm vừa tìm hiểu trao đổi thị trường nên nghề ươm tơ dệt nhiễu của gia đình ông ngày càng phát triển. Cho đến tháng 10-2010, được sự quan tâm giúp đỡ của Hội CCB xã Thiệu Đô (nay là thị trấn Thiệu Hóa), cấp ủy, chính quyền địa phương, ông đã thành lập Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Thanh Đức chuyên sơ chế tơ tằm. Cùng với đó ông còn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên Hội CCB và Nhân dân địa phương mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, thành lập các cơ sở ươm tơ dệt nhiễu. Hiện tại, cơ sở của ông Đức đã tạo việc làm ổn định cho 25 lao động địa phương, thời gian cao điểm lên tới 50 người, với mức lương 250 nghìn đồng/người/ngày. Điều đáng mừng hơn cả là thương hiệu tơ nhiễu Hồng Đô ngày càng vươn xa, không những tiếp cận được với thị trường trong nước mà còn ra thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và một số nước châu Âu.

Tuy nhiên, điều khiến ông Đức vẫn luôn trăn trở đó là nghề truyền thống đến nay chưa thực sự thu hút người dân địa phương. Cùng với đó, dù đã được hướng dẫn cụ thể kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, song nhiều hộ dân làm nghề ở Hồng Đô vẫn chưa thực sự chú trọng, dẫn đến chất lượng kén chưa cao. Chính điều này đã, đang trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của họ. “Trung bình giá bán ở đây chỉ được khoảng 90 nghìn đồng/kg kén vàng và 110 nghìn đồng/kg kén trắng, trong khi đó kén ở một số địa phương khác có mức giá khoảng 130 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, chất lượng kén thấp dẫn đến việc buộc phải sử dụng kỹ thuật “ươm tơ nóng” giá thành 500 nghìn đồng/kg tơ, trong khi đó nếu “ươm tơ lạnh” sẽ cho giá là 600 - 700 nghìn đồng/kg” - ông Hoàng Viết Đức cho biết thêm.

Chia sẻ về định hướng phát triển nghề ươm tơ, dệt nhiễu, ông Hoàng Viết Đức bộc bạch: “Ước mong và dự định lớn nhất của tôi đó là có thể gắn phát triển nghề truyền thống với hoạt động du lịch cộng đồng”. Đồng thời khẳng định “Địa phương chúng tôi hoàn toàn có đủ tiềm năng để phát triển. Chỉ có hướng đi này mới có thể lôi cuốn người dân quay lại và gắn bó với nghề một cách bền vững. Nếu được quy hoạch một cách bài bản, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, điểm đến tham quan sinh thái làng nghề Hồng Đô chắc chắn sẽ trở nên hấp dẫn. Bởi, du khách đến đây không chỉ được tham quan cảnh làng quê, trực tiếp trải nghiệm các hoạt động của quy trình trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu mà còn được mua sắm sản phẩm của chính làng nghề...”.

Cũng theo ông Đức, phát triển nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch là một chu trình khép kín, vừa khôi phục được nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, vừa giải quyết bài toán đầu ra của sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thế nhưng, đến bao giờ và bằng cách nào, sản phẩm “tơ lụa” Hồng Đô thực sự tìm lại được thương hiệu và là điểm đến du lịch làng nghề mới hiện hữu? Đó là trăn trở của những người sinh ra từ làng, sống với nghề truyền thống và vẫn là sự đau đáu của CCB Hoàng Viết Đức.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]