(Baothanhhoa.vn) - Trong chuyến công tác trở lại huyện Mường Lát mới đây chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ về môi trường sống của đồng bào. Bên cạnh những khu rừng bạt ngàn màu xanh, các bản làng bừng lên sức sống mới, những con đường bê tông trải dài, những ngôi nhà đã khang trang hơn trước và các công trình nước sạch, khu vệ sinh, khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm đã bố trí cách xa khu vực nhà ở. Đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào nơi đây đã và đang “thay da, đổi thịt”, từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững.

Hiệu quả từ những mô hình sinh kế “đuổi cái nghèo” ở Mường Lát

Trong chuyến công tác trở lại huyện Mường Lát mới đây chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ về môi trường sống của đồng bào. Bên cạnh những khu rừng bạt ngàn màu xanh, các bản làng bừng lên sức sống mới, những con đường bê tông trải dài, những ngôi nhà đã khang trang hơn trước và các công trình nước sạch, khu vệ sinh, khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm đã bố trí cách xa khu vực nhà ở. Đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào nơi đây đã và đang “thay da, đổi thịt”, từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững.

Hiệu quả từ những mô hình sinh kế “đuổi cái nghèo” ở Mường LátCán bộ các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện Mường Lát phối hợp với chính quyền địa phương trao con giống cho bà con xã Pù Nhi (Mường Lát).

Những năm trở lại đây, Nhân dân trong huyện đã nhận được sự hỗ trợ sinh kế như nguồn vốn, con giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật... Qua đó, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Chị Sung Thị Lâu ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ được hỗ trợ một con bò sinh sản (trị giá 10 triệu đồng) của Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2016-2020", đã tiếp thêm động lực để chị tạo dựng sinh kế. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của đề án, chị đăng ký tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do UBND xã tổ chức và vay vốn tại chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để mua giống lúa lai, giống bưởi, cam về trồng. Đến nay, chị đã phát triển được đàn bò lên thành 12 con, 200 con gà, 1 ha rừng xoan, 6 sào lúa và 1 ha mía, thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm.

Hay như mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản giống địa phương theo hình thức “ngân hàng bò”; mô hình trồng cỏ kết hợp với chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả, với diện tích trồng cỏ trên 100 ha; mô hình trồng dưa hấu tại xã Quang Chiểu mang lại thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/ha; mô hình thâm canh cây lúa lai, lúa thuần trên tổng diện tích thực hiện cả hai vụ là 540,3 ha, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha... Đến nay, Hội LHPN huyện Mường Lát phối hợp với các đơn vị liên quan đã và đang duy trì 17 mô hình phát triển kinh tế; các mô hình đã tạo sinh kế, hỗ trợ cho các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần lan tỏa phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo thống kê của UBND huyện Mường Lát, trong giai đoạn từ năm 2020 tới nay, huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135, Nghị định 30a, theo đó hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật cho người dân. Trong giai đoạn 2023-2025, việc đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng cho người dân trên địa bàn huyện Mường Lát sẽ được khảo sát, nghiên cứu kỹ để phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng xã. Trong đó các xã khu vực 1 (Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung) tập trung học các nghề như thú y, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, quản lý bảo vệ rừng. Các xã khu vực 2 (Quang Chiểu, Mường Chanh) tập trung học các nghề trồng lúa, trồng cây ăn quả, quản lý bảo vệ rừng, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, nghiệp vụ du lịch gia đình, du lịch cộng đồng; khu vực 3 (các xã Pù Nhi, Nhi Sơn) tập trung học các nghề trồng cây ăn quả, cây dược liệu, nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; khu vực 4 (thị trấn Mường Lát) tập trung học các nghề trồng rau an toàn, kỹ thuật xây dựng, sửa chữa ô tô, xe máy, trồng cây ăn quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mường Lát Hoàng Văn Dũng cho biết: Thời gian tới, huyện Mường Lát tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc để kết nối vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm do Nhân dân sản xuất. Cùng với đó, giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống một cách bền vững.

Bài và ảnh: Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]