(Baothanhhoa.vn) - Nhằm tận dụng lợi thế về đất đai vườn đồi, các hộ dân ở các huyện miền núi đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng dưới tán rừng để phát triển chăn nuôi. Đến nay, nhiều mô hình đã phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.

Hiệu quả chăn nuôi dưới tán rừng

Nhằm tận dụng lợi thế về đất đai vườn đồi, các hộ dân ở các huyện miền núi đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng dưới tán rừng để phát triển chăn nuôi. Đến nay, nhiều mô hình đã phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.

Hiệu quả chăn nuôi dưới tán rừngMô hình chăn nuôi dê dưới tán rừng của gia đình anh Lương Văn Thông, xã Thanh Kỳ (Như Thanh).

Trong cái nắng gay gắt của những ngày đầu hè, theo chỉ dẫn của cán bộ nông nghiệp xã Thanh Kỳ (Như Thanh), chúng tôi đến thăm mô hình trồng keo kết hợp chăn nuôi dê của anh Lương Văn Thông, một trong những tấm gương điển hình trong sản xuất nông nghiệp của xã. Đang thong thả chăn đàn dê từ rừng về chuồng, anh Thông cho biết: Nhiều năm trước, vùng đồi này chỉ trơ trụi cây dại, nắng gió. Với diện tích gần 5 ha đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng, tôi nghĩ chỉ có trồng keo và kết hợp chăn nuôi là thích hợp. Từ suy nghĩ đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua dê giống về chăn thả. Đây là loài ăn tạp, khi được nuôi dưới tán rừng sẽ tận dụng được nguồn thức ăn luôn phong phú, sẵn có trong tự nhiên, tiết kiệm chi phí sản xuất. Lá rừng héo khi rụng xuống được đàn dê tận dụng ăn hết nên không xảy ra tình trạng cháy rừng. Nhiều tháng gần đây, gia đình tôi đang duy trì đàn dê khoảng trên dưới 100 con, mỗi năm thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Trọng Viện, Chủ tịch UBND xã Thanh Kỳ: Với khoảng 2.500 ha trồng rừng, xã đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân kết hợp chăn nuôi gà thả đồi, dê... để nâng cao thu nhập cho người dân. Hầu hết con nuôi được chăn thả trên đồi phát triển rất nhanh, khỏe mạnh, ít bệnh tật. Tuy nhiên, để chăn nuôi dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân, cán bộ nông nghiệp xã Thanh Kỳ đã định hướng cho người dân chăn nuôi các loại con nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh và chú trọng công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi. Đây là hướng đi rất phù hợp trong phát triển kinh tế, hiện xã đang khuyến khích người dân nhân rộng.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn các huyện khu vực miền núi có diện tích đồi rừng lớn, mô hình chăn nuôi dưới tán rừng khá phổ biến như mô hình nuôi ong, gà, dê, lợn rừng... Tuy nhiên, người dân vẫn chủ yếu chăn nuôi tự phát theo cách truyền thống, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi còn ở phạm vi hẹp, quy mô nhỏ lẻ, phân tán... Ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Trên địa bàn huyện Như Xuân, mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng được người dân nhân rộng do vốn đầu tư chuồng trại không cao, đàn gà có sức đề kháng bệnh tốt, thức ăn chủ yếu tự nhiên, chỉ bổ sung thêm cám gạo nên chi phí sản xuất thấp. Mặc dù chăn nuôi gà trong rừng, cách xa khu vực dân cư, nhưng huyện vẫn tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng đệm lót sinh học, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ hiệu quả của mô hình chăn nuôi dưới tán rừng mang lại, người dân các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp, góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, tận dụng tốt diện tích dưới tán rừng để xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để phát triển gia trại, trang trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Sự kết hợp trên đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân bón cho các loại cây trồng trên khu vực chăn nuôi.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]