(Baothanhhoa.vn) - Du lịch Thanh Hóa đang đứng trước nhiều cơ hội mới cho phát triển. Song, cùng với cơ hội là rất nhiều thách thức đan xen, mà để vượt qua được, ngành du lịch cần lực đẩy mạnh mẽ từ sự định hướng rõ ràng và các quyết sách cụ thể, hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch Thanh Hóa: Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức

Du lịch Thanh Hóa đang đứng trước nhiều cơ hội mới cho phát triển. Song, cùng với cơ hội là rất nhiều thách thức đan xen, mà để vượt qua được, ngành du lịch cần lực đẩy mạnh mẽ từ sự định hướng rõ ràng và các quyết sách cụ thể, hiệu quả.

Du lịch Thanh Hóa: Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thứcThông qua hội thảo “Phát triển du lịch Thanh Hóa trước thời cơ và thách thức mới” (ngày 19-1) đã giúp Thanh Hóa tham vấn được nhiều ý kiến tâm huyết, khách quan từ phía các nhà quản lý, chuyên gia du lịch.

Nhận diện “gót chân Asin”

Năm 2020, ngành du lịch lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có do tác động của đại dịch COVID-19. Các chỉ tiêu về lượng khách và tổng thu đều không đạt, khiến các chỉ tiêu đặt ra trong “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” cũng không thể cán đích. Cụ thể, lượt khách và tổng thu du lịch lần lượt giảm 8,9% và 16,8% so với kế hoạch. Tuy nhiên, đó mới là giảm về “lượng”, còn nếu so về “chất” thì phải thẳng thắn nhìn nhận: Du lịch Thanh Hóa vẫn giữ vị trí khá khiêm tốn trên thang bậc xếp loại.

Thị trường khách du lịch Thanh Hóa có sự phân hóa rất rõ rệt, trong đó, thị trường khách nội địa chiếm gần 98%. Thị trường khách quốc tế chủ yếu đến từ các nước châu Á như Trung Quốc (chiếm 31,7%); Nhật Bản (16,2%), Hàn Quốc (10%)... và tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Bên cạnh đó, đối tượng khách châu Âu, châu Mỹ như Pháp (7,1%), Mỹ (4,7%), Nga (5,1%), Đức (3,6%), Đan Mạch (2,8%)... chủ yếu là khách công vụ, khách chuyên gia (chiếm 60,8%), khách nghỉ dưỡng, tham quan (chiếm trên 27,5%), còn lại là mục đích khác. Nếu dựa theo cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú, thì tỷ lệ khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Thanh Hóa còn thấp. Điều đó khiến cho lượng khách đến Thanh Hóa tuy đông, nhưng tổng thu du lịch chưa cao.

Hiện nay, sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa là du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng. Nếu muốn thay đổi cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú của khách, theo hướng lưu trú dài ngày và chi tiêu cao, thì cần có các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, khả năng cạnh tranh cao, nhằm đáp ứng thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của khách du lịch. Đó là các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch golf...; song song với đó là “làm mới” các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp... Nhưng thực tế, việc xây dựng các sản phẩm mới, cũng như tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch truyền thống, hiện vẫn là một điểm yếu của du lịch Thanh Hóa.

Vài năm trở lại đây, hoạt động đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành du lịch. Trong đó, hạ tầng du lịch được đặc biệt quan tâm, với nhiều tuyến đường trung tâm được xây dựng, kết nối đến các khu, điểm du lịch tiềm năng và tạo đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch. Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư kinh doanh du lịch có quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao cũng được đầu tư, đưa vào khai thác hiệu quả. Tuy vậy, vấn đề về hạ tầng và đầu tư du lịch hiện vẫn là một “điểm nghẽn” của du lịch. Bởi, dù được quan tâm đầu tư nhưng hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu; giao thông tiếp cận các khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa; hạ tầng giao thông đường thủy, đường biển phục vụ du lịch chưa phát triển, khả năng kết nối các loại hình giao thông chưa tốt; các dự án đầu tư đều chậm tiến độ so với đăng ký và chủ trương đầu tư; cơ chế hợp tác công - tư, việc huy động nguồn lực từ khối tư nhân cho hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại Thanh Hóa còn hạn chế...

Bên cạnh những hạn chế, bất cập kể trên, thì công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là ở nước ngoài, vẫn còn rất hạn chế; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch có lúc có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh trong phát triển du lịch còn thấp, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, các vấn đề về ứng dụng công nghệ số, các tiện ích trong hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa, tôn trọng và bảo vệ môi trường; khả năng ứng phó của ngành du lịch trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, thời tiết... cũng là những vấn đề đang đặt ra cho du lịch Thanh Hóa lúc này.

Đồng bộ giải pháp

Du lịch Thanh Hóa đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với nhiều thách thức nội tại cần vượt qua và cả những khó khăn khách quan phải đối mặt. Song, du lịch cũng đang đứng trước cơ hội mới để cất cánh. Đó là Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về du lịch. Đây là lần đầu tiên quan điểm về phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa được thể hiện rõ trong văn kiện của Đảng. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX tiếp tục xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và lựa chọn Chương trình phát triển du lịch là 1 trong 6 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2020–2025. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để tỉnh ta đề ra các chính sách cụ thể, đột phá, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành du lịch.

Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển du lịch, mới đây, ngày 19-1, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch Thanh Hóa trước thời cơ và thách thức mới”, với sự tham gia của nhiều nhà quản lý đầu ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch lớn trong và ngoài tỉnh. Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, đã đặt vấn đề: Thanh Hóa cần làm gì và làm như thế nào cho phù hợp, hiệu quả, khả thi các mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn? Dư địa nào để phát triển du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng? Thanh Hóa có khả năng phát triển các loại hình du lịch nào trong tương lai? Du lịch Thanh Hóa cần hướng đến thị phần khách du lịch nào?...

Để trả lời các vấn đề được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nêu lên, nhiều ý kiến từ phía nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đã thống nhất cho rằng, Thanh Hóa cần xây dựng được các nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch. Trong đó, chú trọng đến nhóm giải pháp chính sách và điều kiện hỗ trợ cho phát triển du lịch. Cụ thể là xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù, phù hợp với điều kiện địa phương và luật pháp hiện hành, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, các dự án du lịch có quy mô lớn, đồng bộ dịch vụ, cần nhiều vốn và có khả năng tạo thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa. Đồng thời, nâng cao chỉ số cạnh tranh về mức độ cởi mở du lịch quốc tế, thông qua việc mở rộng và kết nối các đường bay trong nước và quốc tế và nghiên cứu thị trường nguồn của du lịch Việt Nam nói chung, từ đó, xác định các thị trường mục tiêu cho du lịch Thanh Hóa. Cũng trên cơ sở nghiên cứu thị trường để xác định các đặc điểm, sở thích, thị hiếu tiêu dùng..., nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng thị trường.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Thanh Hóa, nhiều ý kiến cho rằng, cần chú trọng đến việc xây dựng và liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch. Theo đó, trong những năm tới, Thanh Hóa cần đầu tư có trọng điểm, đồng bộ cho 1 đến 2 khu du lịch có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và hấp dẫn khách du lịch trong, ngoài nước. Cụ thể như đầu tư đồng bộ cho Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Nam Sầm Sơn và Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí cao cấp Bến En. Hai khu du lịch này khi được đầu tư xây dựng, sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày. Song song với đó, Thanh Hóa cần nghiên cứu quy hoạch và thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch khác, ví như dự án du lịch dọc sông Mã gắn với tuyến du lịch đường sông và khu di tích - danh thắng - du lịch Hàm Rồng. Đồng thời, có cơ chế ưu tiên đầu tư các cơ sở lưu trú cao cấp 4 - 5 sao; trung tâm ẩm thực, mua sắm hàng lưu niệm; các cơ sở vui chơi giải trí tổng hợp... Có như vậy mới tạo ra được một chuỗi các sản phẩm du lịch và dịch vụ đồng bộ, cạnh tranh, hấp dẫn du khách nghỉ dưỡng dài ngày, chi tiêu cao.

Cùng với đó, Thanh Hóa cần tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong phát triển du lịch. Điển hình như phối hợp với Hà Nội và các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh, xây dựng và khai thác tour du lịch kết nối các di sản thế giới gồm Thành Nhà Hồ - Tràng An - Hoàng thành Thăng Long - Vịnh Hạ Long. Liên kết với tỉnh Ninh Bình để xây dựng sản phẩm du lịch tham quan nghiên cứu các di sản thế giới trong một tour du lịch; sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp giữa Vườn quốc gia Bến En và Cúc Phương; sản phẩm du lịch tham quan nghiên cứu các di chỉ khảo cổ hang Con Moong (Thanh Hóa) và động Người Xưa (Ninh Bình)... Ngoài ra, Thanh Hóa cũng cần có giải pháp lâu dài nhằm hạn chế tính mùa vụ trong du lịch. Cụ thể là chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm ít chịu ảnh hưởng của tính mùa vụ. Điển hình như du lịch tham quan thắng cảnh; du lịch kết hợp nghiên cứu, học tập; du lịch văn hóa; du lịch khảo cổ; du lịch MICE; du lịch chơi golf; du lịch chăm sóc sức khỏe, vật lý trị liệu, làm đẹp; du lịch mua sắm... Đồng thời, chú trọng các chính sách giảm giá, các chương trình khuyến mại, ưu đãi khách hàng trong mùa thấp điểm, nhằm tăng thời gian lưu trú của khách và kéo dài mùa vụ du lịch.

Bài và ảnh: Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]