(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2020, trong lĩnh vực nông nghiệp đã có 77 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) (chiếm 38,7% so với tổng số nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh) với tổng số vốn trên 323 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học là trên 132 tỷ đồng.

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2020, trong lĩnh vực nông nghiệp đã có 77 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) (chiếm 38,7% so với tổng số nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh) với tổng số vốn trên 323 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học là trên 132 tỷ đồng.

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sảnMô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa).

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều chứng minh được hiệu quả về kinh tế, chất lượng, giải phóng sức lao động, để hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại như: mô hình trồng dưa taki Nhật Bản trong nhà màng, nhà lưới; mô hình trồng dưa vàng, rau hữu cơ; mô hình trồng cam công nghệ cao tại huyện Thạch Thành; các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP như mô hình sản xuất chanh leo theo chuỗi giá trị tại các huyện miền núi... Ứng dụng các kỹ thuật mới, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh và phát triển bền vững; chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP, như: mô hình chăn nuôi lợn ngoại khép kín an toàn sinh học tại huyện Cẩm Thủy; mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm gà rừng tai đỏ; lợn Táp Ná đạt VietGAHP; chăn nuôi bê đực từ đàn bò sữa để lấy thịt gắn với chuỗi tiêu thụ thực phẩm an toàn. Thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm nuôi trồng các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như mô hình nuôi thương phẩm cá tầm Nga, cá trắng tại huyện Thường Xuân, Lang Chánh; nuôi cá đen tại huyện Thọ Xuân; nuôi cá song trong ao đất; nuôi cá giò, tôm hùm tại đảo Hòn Mê; mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc; sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chẽm theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô công nghiệp; liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm càng xanh toàn đực; ứng dụng công nghệ Biofloc và UltraFine Bubble nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao, đảm bảo an toàn thực phẩm... Đến nay, Thanh Hóa đã làm chủ một số công nghệ sản xuất giống thủy sản để phục vụ nuôi thương phẩm và cung cấp con giống không chỉ trong tỉnh mà còn ở các địa phương lân cận...

Việc chú trọng ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông, lâm, thủy sản đã tạo ra sự chuyển mình lớn cho nền nông nghiệp của tỉnh. Điều này được minh chứng rõ khi tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt gần 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/trang trại/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói là có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động KH&CN phục vụ nông, lâm, thủy sản vẫn còn hạn chế do chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đưa vào thực tiễn sản xuất còn chậm. Việc áp dụng, duy trì và nhân rộng kết quả các mô hình nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn...

Để cụ thể hóa các chính sách KH&CN trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngày 13-8-2021, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 27-KH/TU về thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là KH 27), với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN ở các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên.

Theo KH 27, nội dung nghiên cứu tập trung vào các giống mới, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết; bảo tồn các gen quý/bản địa của địa phương; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác thủy canh, canh tác trong hệ thống nhà kính, nhà lưới gắn với công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường. Tiếp nhận, chuyển giao công nghệ di truyền trong chọn lọc và tạo giống chất lượng, bảo tồn nguồn gen vật nuôi. Nghiên cứu phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, an toàn dịch bệnh. Ứng dụng hệ thống tự động hóa, bán tự động và cơ giới hóa trong chăn nuôi công nghiệp với năng suất cao, tiết kiệm năng lượng, kết cấu bền vững và công nghệ tiên tiến. Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm công nghiệp, nuôi ngao tập trung; tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới trong khai thác, bảo quản trên tàu khai thác hải sản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác. Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số cây lâm nghiệp mới; khảo nghiệm sản xuất cây có giá trị kinh tế cao gắn với công nghiệp chế biến. Tiếp nhận và chuyển giao công nghệ viễn thám trong quản lý rừng và phòng trừ sâu, bệnh hại cây lâm nghiệp...

Để việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN đạt hiệu quả cao, thời gian tới các ban, sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Từng bước ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn Sao Vàng. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành và sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại, HTX, hộ gia đình đầu tư hệ thống chế biến nông sản, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Triển khai việc áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, quy mô lớn. Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức KH&CN của tỉnh với các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước để nghiên cứu lai tạo các giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chính xác. Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống cây trồng mới, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt; tiếp cận công nghệ nông nghiệp chính xác, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác thủy sản (như máy dò cá sona, máy thu lưới đối với nghề kéo lưới...) và các công nghệ bảo quản, chế biến thủy sản. Đồng thời, tăng cường phổ biến kết quả nghiên cứu, ứng dụng để các tập thể, cá nhân chủ động ứng dụng vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]