(Baothanhhoa.vn) - Sau khoảng 5 năm kể từ ngày thành lập, bộ môn đấu kiếm Thanh Hóa mới giành được tấm HCV lịch sử tại Giải trẻ quốc gia năm 2022. Phía sau tấm huy chương quý giá giành được là câu chuyện phải đi mượn, thuê kiếm của bộ môn trong một thời gian dài.

Chuyện “mượn kiếm” và nỗ lực vượt khó của bộ môn đấu kiếm Thanh Hóa

Sau khoảng 5 năm kể từ ngày thành lập, bộ môn đấu kiếm Thanh Hóa mới giành được tấm HCV lịch sử tại Giải trẻ quốc gia năm 2022. Phía sau tấm huy chương quý giá giành được là câu chuyện phải đi mượn, thuê kiếm của bộ môn trong một thời gian dài.

Chuyện “mượn kiếm” và nỗ lực vượt khó của bộ môn đấu kiếm Thanh HóaBộ môn đấu kiếm Thanh Hóa với tấm HCV lịch sử tại Giải trẻ vô địch quốc gia năm 2022.

Bộ môn đấu kiếm được thành lập năm 2017, nằm trong lộ trình phát triển thể thao thành tích cao Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là một trong số những bộ môn mới được xây dựng và đầu tư mới hoàn toàn. Những ngày đầu thành lập, bộ môn gặp không ít khó khăn từ việc tuyển chọn các VĐV cho tuyến trẻ đầu tiên, cho tới trang thiết bị, dụng cụ tập luyện. Các thành viên ban huấn luyện của bộ môn là những HLV được tăng cường từ các bộ môn khác sang. Trong một thời gian ngắn, toàn bộ ban huấn luyện phải hoàn thành công tác tập huấn chuyên môn, kỹ - chiến thuật của môn đấu kiếm để bắt tay ngay vào công việc. Tuyến VĐV đầu tiên của bộ môn được tuyển mới hoàn toàn với độ tuổi 14 - 15. Cả thầy và trò hơn 10 con người của bộ môn đấu kiếm Thanh Hóa khởi đầu với “con số 0 tròn trĩnh” về chuyên môn và “vỏn vẹn” 2 thanh kiếm để tập luyện và thi đấu.

Đây thực sự là thử thách lớn với bộ môn còn khá non trẻ này, bởi lẽ theo ban huấn luyện đội tuyển đấu kiếm quốc gia, để các VĐV có sự tiến bộ nhanh về chuyên môn trong quá trình tập luyện và có khả năng tranh chấp huy chương tại giải trẻ và giải vô địch quốc gia, mỗi VĐV ít nhất phải có trong tay 2 thanh kiếm. Chưa kể trong quá trình tập luyện, thi đấu, việc các thanh kiếm bị gãy xảy ra thường xuyên.

Việc thiếu kiếm đã ảnh hưởng tới công tác huấn luyện, chất lượng trong tập luyện của các VĐV. Hơn nữa, bộ môn cũng có sự biến động về nhân sự ban huấn luyện nên chưa duy trì được sự ổn định. Được tạo điều kiện tham gia các giải đấu quốc gia, tuy vậy, thành tích tốt nhất của bộ môn chỉ là tấm HCĐ. Gương mặt điển hình nhất của bộ môn là Trần Thị Thảo. Nữ VĐV sinh năm 2002 này đã từng giành được HCB tại giải trẻ quốc gia và đã được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia gần 4 năm trở lại đây. Trong bối cảnh thiếu thốn dụng cụ tập luyện, thành tích nói trên của bộ môn đấu kiếm Thanh Hóa là đáng ghi nhận. Đồng thời đây là cơ sở để bộ môn có bước thay đổi hoàn toàn mới.

Năm 2021, ban huấn luyện bộ môn đã có sự thay đổi, củng cố nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới 2021-2025. HLV Nguyễn Văn Dũng (từ bộ môn teakwondo) được giao trọng trách làm trưởng bộ môn. Tổng số VĐV ở cả 3 tuyến là 16. Công tác đào tạo trẻ được chú trọng, các VĐV được tạo điều kiện để thử sức tại các giải trẻ quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để bộ môn tạo ra diện mạo mới hoàn toàn so với trước kia. Giải vô địch đấu kiếm U23 quốc gia lần thứ IV năm 2022 được xem là bước khởi động quan trọng của bộ môn cho mục tiêu trên. Các VĐV Thanh Hóa vẫn xuất sắc giành được 1 HCB, 5 HCĐ. VĐV Trần Thị Thảo giành HCB ở nội dung sở trường kiếm liễu cá nhân nữ. Ngoài ra, nhiều VĐV trẻ cũng đã giành được HCĐ tại giải. Thành công trên đã tạo đà để đấu kiếm Thanh Hóa chuẩn bị cho Giải trẻ vô địch quốc gia năm 2022 tổ chức cuối tháng 9 vừa qua. Các tay kiếm xứ Thanh đã xuất sắc giành tấm HCV ở nội dung đồng đội hỗn hợp kiếm liễu. Đây là tấm HCV đầu tiên mà đấu kiếm Thanh Hóa giành được tại một giải đấu cấp quốc gia từ trước đến nay, đồng thời khẳng định cột mốc lịch sử mới của bộ môn.

Tham gia 2 giải đấu cấp quốc gia quan trọng nói trên nhưng các VĐV của Thanh Hóa vẫn phải mượn kiếm để thi đấu và vẫn giành được thành tích xuất sắc. Sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và những khó khăn, thiếu thốn là điều rất đáng ghi nhận đối với tập thể bộ môn. Sau giải đấu này, bộ môn sẽ bắt tay vào công tác chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia trong chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Đây tiếp tục sẽ là thử thách lớn cho ban huấn luyện, các VĐV. Bộ môn hiện nay vẫn chưa được mua sắm bổ sung kiếm. Nhiều khả năng, đấu kiếm Thanh Hóa tiếp tục phải mượn kiếm từ các đơn vị khác để tham gia. Sự bị động này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tranh chấp huy chương tại các kỳ đại hội thể thao toàn quốc. Việc mượn kiếm khó khăn hơn, bởi các đơn vị khác sẽ có những tính toán nhất định và hỗ trợ ở mức “hạn chế”. Nếu việc mượn kiếm khó khăn, bộ môn sẽ tính đến phương án sẽ phải thuê kiếm. Có như vậy mới bảo đảm điều kiện để các VĐV tập luyện và thi đấu.

Nguyện vọng được đầu tư, mua sắm dụng cụ tập luyện, thi đấu là rất chính đáng của bộ môn đấu kiếm Thanh Hóa. Đây cũng là vấn đề cần được ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh quan tâm. Khi đó, mục tiêu có huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX cũng như giành được những thành tích cao hơn nữa tại đấu trường quốc gia trong những năm tới mới có thể trở thành hiện thực.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]