(Baothanhhoa.vn) - Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày mùng 9 đến 11-12-2022. Một nội dung được HĐND tỉnh chọn để chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này đó là: "Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng". Để bạn đọc nắm rõ hơn về vấn đề này, Báo Thanh Hóa có bài viết thông tin thực trạng tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cũng như biện pháp c hủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.

Tăng cường phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày mùng 9 đến 11-12-2022. Một nội dung được HĐND tỉnh chọn để chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này đó là: "Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng". Để bạn đọc nắm rõ hơn về vấn đề này, Báo Thanh Hóa có bài viết thông tin thực trạng tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cũng như biện pháp c hủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.

Tăng cường phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạngLực lượng công an bắt giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua facebook.

Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao để xâm phạm trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng an ninh trật tự (ANTT) và đời sống Nhân dân.

Từ cuối năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 132 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Trong đó, lừa đảo truyền thống xảy ra 40 vụ; lừa đảo trên không gian mạng xảy ra 92 vụ. Qua đấu tranh các chuyên án lừa đảo trên không gian mạng của lực lượng chức năng, nhận thấy các đối tượng hoạt động trên các website, sàn giao dịch tiền ảo, ứng dụng mạng xã hội (facebook, zalo...). Phạm vi hoạt động của các đối tượng này rất rộng, nơi cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí ở nước ngoài nhưng lừa đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quá trình điều tra xác định khu vực sử dụng thiết bị, tang vật để lừa đảo nằm ở khu vực biên giới Việt Nam. Trong đó, nhiều đối tượng, đường dây, ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động trên lãnh thổ nước ngoài như Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) có thiết bị là số điện thoại, địa chỉ IP ở nước ngoài; vị trí các đối tượng người Việt Nam và các đối tượng rút tiền, có hoạt động rửa tiền ở nước ngoài, khu vực giáp biên gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, xử lý tội phạm.

Qua nắm bắt tình hình và theo dõi kết quả đấu tranh, xác minh, làm rõ các hành vi lừa chiếm đoạt tài sản trên địa bàn, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận thấy có một số thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, lòng tham vật chất và sự sợ hãi của bị hại, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng các giao dịch, kết nối trên internet, mạng xã hội, mạng viễn thông để liên lạc với bị hại, sau đó lợi dụng lòng tin, lòng tham hoặc sự sợ hãi của bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo. Đối với hình thức này nổi lên một số thủ đoạn chủ yếu, như giả danh người nước ngoài kết bạn làm quen và nhắn tin cho bị hại hứa sẽ chuyển quà hoặc USD, EURO về Việt Nam. Sau đó giả danh nhân viên sân bay, bưu điện, hải quan thông báo và yêu cầu người nhận chuyển tiền đóng cước, thuế hoặc chi phí thông quan mới được nhận quà để chiếm đoạt.

Ngoài ra, đối tượng còn giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện đe dọa các cá nhân, thông báo họ đang liên quan đến vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật, yêu cầu cung cấp số tài khoản hoặc chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp nhằm mục đích phục vụ điều tra, khi nào kết thúc sẽ trả lại và không được tiết lộ cho người khác để đảm bảo an toàn tính mạng. Cùng với đó, đối tượng còn giả danh cán bộ Cục Cảnh sát giao thông, cán bộ Công an các đơn vị, địa phương thông báo cho bị hại về vi phạm khi tham gia giao thông, yêu cầu bị hại đăng nhập tài khoản để nộp tiền xử phạt nguội.

Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo còn kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo như kêu gọi người dân bỏ tiền tham gia đầu tư, mua - bán, giao dịch các loại tiền ảo”, “tiền kỹ thuật số”, “tiền mã hóa” (Bitcoin, Etherum, USDT...) trên các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Orion - BO), sàn đầu tư ngoại hối... gắn mác giấy phép hoạt động của nước ngoài, kèm theo các lời cam đoan, hứa hẹn lợi nhuận lớn, bảo hiểm vốn... Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng chủ sàn sẽ can thiệp làm mất giá trị của đồng tiền ảo, điều chỉnh kết quả giao dịch thắng-thua một cách tinh vi hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư. Cùng với đó, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; lừa đảo vay vốn qua app; lừa đảo trúng thưởng; lừa đảo đặt cọc mua hàng qua mạng…

Tăng cường phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạngNhóm 4 đối tượng bị bắt giữ về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh. Đồng thời, chỉ đạo công an các phòng nghiệp vụ, địa phương chủ động nắm tình hình, phòng ngừa và đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây, cá nhân lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Củng cố chắc chắn hồ sơ, khởi tố các vụ việc có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tăng cường công tác trinh sát nắm tình hình diễn biến, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Cùng với công tác đấu tranh, lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này; đồng thời nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, cũng như kịp thời cung cấp các thông tin, dấu hiệu hoạt động của tội phạm trong quá trình sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy tính để kinh doanh, thông tin liên lạc. Bên cạnh đó, lực lượng công an tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin như bưu chính-viễn thông, ngân hàng, tài chính... để trao đổi thông tin tội phạm, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Dự báo trong thời gian tới tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, chính vì vậy ngoài những kế hoạch, giải pháp của lực lượng công an, thì người dân cần thường xuyên cập nhật các thông tin về tội phạm đã được cơ quan công an, cơ quan truyền thông đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình, trên mạng xã hội…, nhất là thủ đoạn hoạt động phạm tội để tự phòng tránh. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai khi chưa xác thực. Đồng thời, không chuyển tiền khi chưa kiểm tra, xác minh, chưa biết rõ người nhận là ai. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay với cơ quan chức năng để được giải quyết.

Thượng tá Hoàng Văn Ngọ, Phó Trưởng Công an huyện Hà Trung: Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Tăng cường phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Để nâng cao hiệu quả công tác Nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, thời gian qua, Công an huyện Hà Trung đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tuyên truyền và yêu cầu phát thông báo về phương thức, thủ đoạn cũng như các biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, cảnh báo người dân chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm, thông tin kịp thời với lực lượng Công an khi có nghi vấn.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Công an huyện Hà Trung đã ra quyết định khởi tố 1 vụ án, 2 bị can về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (trên mạng xã hội facebook) diễn ra ngày 23-2-2022 tại địa bàn xã Hoạt Giang. Phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, địa phương làm công tác cảm hóa, giáo dục các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về đánh bạc trên không gian mạng tái hòa nhập cộng đồng...

Thời gian tới, Công an huyện Hà Trung tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường công tác kiểm soát không gian mạng nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, xử lý hoạt động lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tổ chức điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động lừa đảo, đảm bảo xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm…

Trần Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Vĩnh Lộc: Tăng cường đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tăng cường phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo tôi, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động phạm tội gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể điển hình, thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong Nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng... để người dân chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng, xuất khẩu lao động...

Vận động các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, người dân trên địa bàn phát hiện, tố giác tội phạm nói chung và các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Củng cố và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ; xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư, xã, phường, thị trấn an toàn về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Lực lượng Công an cần đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Trần Văn Giang, 375, Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nhận diện được các thủ đoạn của tội phạm để chủ động phòng ngừa

Tăng cường phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua, đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống Nhân dân. Đặc biệt, lừa đảo trên không gian mạng nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì khi hậu quả xảy ra rất khó xử lý. Bởi, không chỉ là “công cụ” giúp các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, mà không gian mạng còn là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật ngoài đời thực.

Với tính chất đặc thù như vậy, để giúp mọi người có khả năng chủ động bảo vệ mình trước các yếu tố tiêu cực của không gian mạng, theo tôi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức như: loa phát thanh, tờ rơi, pano, cổng thông tin điện tử, qua mạng xã hội Zalo, Facebook để người dân nhận biết, nhận diện được phương thức, thủ đoạn của tội phạm để chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền đến từng nhà, từng người dân trên địa bàn. Đồng thời, cần khuyến khích người dân, mà trực tiếp là người dùng trên không gian mạng chủ động trong việc phòng ngừa, phát hiện các vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng. Cùng với việc cập nhật số điện thoại đường dây nóng, cung cấp địa chỉ báo tin, cần lập thêm hòm thư điện tử, lập tài khoản mạng xã hội để người dân thuận tiện cung cấp thông tin về tội phạm cho cơ quan chức năng…

Bài và ảnh: Quốc Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]