(Baothanhhoa.vn) - Bạn Lê Quang Linh, sinh năm 2000, quê ở huyện Hoằng Hóa, hiện là sinh viên năm thứ 4, Đại học Bách khoa Hà Nội. Do dịch bệnh COVID-19, sau thời gian nghỉ hè, Linh vẫn chưa thể ra Hà Nội để học tập trung tại trường mà học online tại nhà. Thời gian rảnh rỗi, Linh thường tham gia các hoạt động đoàn do đoàn thanh niên địa phương phát động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng xã hội - cách tiếp cận phù hợp thực tiễn

Bạn Lê Quang Linh, sinh năm 2000, quê ở huyện Hoằng Hóa, hiện là sinh viên năm thứ 4, Đại học Bách khoa Hà Nội. Do dịch bệnh COVID-19, sau thời gian nghỉ hè, Linh vẫn chưa thể ra Hà Nội để học tập trung tại trường mà học online tại nhà. Thời gian rảnh rỗi, Linh thường tham gia các hoạt động đoàn do đoàn thanh niên địa phương phát động.

Phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng xã hội - cách tiếp cận phù hợp thực tiễn

Bạn Lê Quang Linh và các đoàn viên, thanh niên thường sử dụng mạng xã hội như một kênh phổ biến để cập nhật tin tức hằng ngày.

Hằng ngày, Linh dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Đối với một thanh niên thế hệ trẻ như Linh, việc sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, youtube... như một thói quen khó thay đổi. Bởi, đó không chỉ là giải trí đơn thuần, đối với Linh, bạn còn sử dụng facebook như một kênh để theo dõi, cập nhật tin tức ở nhiều lĩnh vực, học hỏi những kiến thức về pháp luật có liên quan thiết thực đến cuộc sống hằng ngày.

Không quá để nói rằng, ở thời điểm này, mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi. Họ dùng mạng xã hội để kết nối với mọi người trong thế giới phẳng, tiếp cận đa dạng các thông tin từ khắp mọi nơi. Việt Nam có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội (tính đến thời điểm tháng 1-2021), tương đương 73,7% tổng dân số, tăng 11% từ năm 2020 đến năm 2021. Với số lượng người dùng mạng xã hội lớn như ở Việt Nam thì việc đổi mới cách thức tuyên truyền, sử dụng mạng xã hội như một công cụ để người dân tiếp cận với những nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hữu ích là việc cần thiết và phù hợp với thực tiễn.

Thời gian gần đây, nhiều cơ quan, đoàn thể đã chú trọng việc thay đổi cách tiếp cận, cách tuyên truyền đến người dân bằng cách xây dựng, thiết lập các diễn đàn, fanpage, trang facebook, youtube có nội dung mang tính thời sự hấp dẫn, thông tin chính xác, đa dạng và thiết thực. Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để góp phần “đè bẹp” những thông tin sai lệch, bịa đặt lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang cho người dân thì ngoài việc tích cực tuyên truyền bằng các hình thức truyền thống (hệ thống văn bản, trên loa truyền thanh cơ sở, truyền thanh lưu động, phát tờ rơi...), các cơ quan, đơn vị, địa phương, các hội, đoàn thể đã lập các nhóm zalo, facebook để đăng tải các thông tin, văn bản, chỉ thị của tỉnh, của địa phương một cách nhanh nhất, chính xác nhất về diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 để mọi đối tượng đều có thể dễ dàng tiếp cận. Đơn cử như, thông qua ứng dụng zalo, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã gửi hơn 8 triệu tin nhắn đến 1,4 triệu người dân sử dụng ứng dụng zalo trên địa bàn tỉnh để thông tin về tình hình dịch bệnh, các thông báo khẩn về truy vết, cách ly và các ca nhiễm mới có yếu tố dịch tễ trong cộng đồng.

Một ví dụ khác từ trang fanpage chính thức của Công an TP Thanh Hóa trên mạng facebook. Trang fanpage được sử dụng để cung cấp cho người dân những thông tin mới liên quan đến dịch bệnh COVID-19, phản bác các quan điểm sai trái liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại TP Thanh Hóa; giải thích cho Nhân dân hiểu rõ các quy định, chính sách liên quan đến dịch bệnh COVID-19 của cơ quan chức năng; tiếp nhận, xử lý các tin báo tố giác tội phạm liên quan đến an ninh trật tự; khuyến cáo quần chúng Nhân dân các nội dung sai sự thật, các vấn đề về an ninh trật tự cần đề phòng; thông báo khẩn các nội dung cấp bách, các nội dung, quy định mới của pháp luật được nhiều người quan tâm... Thông tin trên fanpage được cập nhập liên tục, được kiểm soát chặt chẽ, có hồi đáp kịp thời, nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Sau hơn 2 tháng triển khai, fanpage đã có hơn 94.100 lượt đăng ký theo dõi, hàng nghìn lượt chia sẻ, độ phủ sóng lên tới hàng triệu người tiếp cận. Đây là hoạt động hiệu quả từ việc thực hiện chiến dịch “Giải độc thông tin” mà Công an TP Thanh Hóa đã triển khai từ đầu tháng 8-2021 nhằm thanh lọc tin giả, tin sai sự thật, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Chiến dịch đã kịp thời ngăn chặn nhiều luồng thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc; quản lý chặt chẽ các hội, nhóm, kênh fanpage có đông thành viên là người dân TP Thanh Hóa, không để tình trạng thông tin sai sự thật, giật gân, câu like, câu view gây hoang mang trong Nhân dân.

Đầu tháng 9-2021, Sở Tư pháp – cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành các công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn. Triển khai công tác PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, trong đó nội dung PBGDPL cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Kịp thời thông tin đầy đủ các chính sách, văn bản pháp luật mới, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm (như tuyên truyền về tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay) hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật. Đối với các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống cần quan tâm xây dựng tài liệu, nội dung tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc cho phù hợp với các đối tượng và yêu cầu thực tiễn. Việc thực hiện tuyên truyền ngoài các hình thức như hội thảo, tọa đàm, trên chuyên trang, chuyên mục... cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.

Tuy nhiên, để thực hiện được những nội dung này, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư đúng mức về nhân lực, cách thức tổ chức thực hiện để mang lại hiệu quả thực sự, góp phần đa dạng, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, PBGDPL trong thời đại 4.0, góp phần tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận, tự học hỏi, tìm hiểu kiến thức pháp luật cần thiết trong cuộc sống.

Bài và ảnh: Minh Hiền


Bài và ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]