(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa TP Thanh Hóa có 912 đối tượng hình sự tù tha về, trong đó có 685 người nghiện ma túy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục và tạo việc làm cho người được phục hồi quyền công dân

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa TP Thanh Hóa có 912 đối tượng hình sự tù tha về, trong đó có 685 người nghiện ma túy.

Cán bộ Công an phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) thường xuyên tuyên truyền, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng.

Thời gian qua, lực lượng công an cũng như các cấp, ngành và nhân dân TP Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp và mô hình hay trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, song không phải lúc nào, ở đâu, những người có quá khứ lầm lỗi cũng nhận được sự sẻ chia, đồng cảm của gia đình và xã hội. Đa số người được phục hồi quyền công dân chưa có việc làm hoặc có việc nhưng không ổn định. Số người có việc làm ổn định chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 18%.

Tháng 10-2016, Công an TP Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành phố xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục và tạo việc làm cho người được phục hồi quyền công dân” giai đoạn 2016- 2020 với mục tiêu là: Tạo điều kiện thuận lợi cho người được phục hồi quyền công dân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, phấn đấu 100% người được phục hồi quyền công dân có nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm được học nghề và có việc làm để ổn định cuộc sống. Thông qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội của người được phục hồi quyền công dân. Phấn đấu đến năm 2020, không còn người được phục hồi quyền công dân tái phạm và vi phạm pháp luật.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trên lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, sau khi đề án được triển khai, Công an TP Thanh Hóa đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, UBND thành phố tham mưu cho ban chỉ đạo đề án xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề cho người được phục hồi quyền công dân; đấu mối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thẩm định cho người được phục hồi quyền công dân có đủ điều kiện được vay vốn; xây dựng các mô hình kiểu mẫu về quản lý, giáo dục và tạo việc làm cho người được phục hồi quyền công dân... Công an thành phố đã phân công cho công an các phường, xã rà soát, thống kê, lập danh sách và mở hồ sơ quản lý 912 người được phục hồi quyền công dân trên địa bàn; đồng thời phối hợp với MTTQ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ tuyên truyền, vận động các trung tâm dạy nghề, các tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tổ chức dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi để người được chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; cho vay vốn giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo để họ ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, trở thành những người lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội.

Sau 2 năm triển khai đề án, Công an TP Thanh Hóa đã phối hợp với các phường, xã và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thẩm định và cho 47 người phục hồi quyền công dân có nhu cầu vay vốn được vay với tổng số tiền là 800 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng chính sách xã hội còn huy động thêm nguồn kinh phí hiện có của ngân hàng với số vốn trên 200 triệu đồng cho 26 người được phục hồi quyền công dân vay vốn. Công an thành phố đã phối hợp với trung tâm dạy nghề tư thục tổ chức 1 lớp học nghề cho 35 học viên là những người lầm lỗi. Kết thúc khóa học, các học viên đều được tạo điều kiện giới thiệu việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng...

Cùng với việc hỗ trợ dạy nghề, vay vốn phát triển kinh tế, Công an TP Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các phường, xã xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý, giáo dục và tạo việc làm cho người được phục hồi quyền công dân. Hiện nay, trên địa bàn TP Thanh Hóa đã xây dựng và duy trì hiệu quả 3 mô hình điểm của đề án. Trong đó, có những mô hình có tính xã hội hóa cao, mang lại hiệu quả thiết thực và phát huy được vai trò làm chủ người được phục hồi quyền công dân, như: Mô hình “Tổ tự quản giúp nhau vượt khó” ở các phường Đông Hương, Tân Sơn; “Tổ tự quản vì sức khỏe cộng đồng” ở phường Lam Sơn; “Tổ tự quản vì bình yên cuộc sống” ở phường Đông Sơn...

Chị Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1972, ở Cốc Hạ 1, phường Đông Hương là một trong 10 thành viên của “Tổ tự quản giúp nhau vượt khó” ở phường Đông Hương cho biết: Sau 2 năm chấp hành án vì tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, năm 2013 chị được tha tù trở về địa phương với hoàn cảnh không một “tấc đất cắm dùi”. Một mình chị và đứa con thơ 10 tuổi phải sống nương nhờ vào người thân, xóm giềng. Tháng 10-2016 mô hình “Tổ tự quản giúp nhau vượt khó” ở phường Đông Hương được thành lập, chị được bầu làm tổ trưởng cùng với 9 thành viên khác cũng đều là những người có hoàn cảnh tương tự. Với quyết tâm xóa bỏ mặc cảm lỗi lầm, các thành viên trong tổ tự quản đã nương tựa vào nhau, cùng chia sẻ, động viên nhau chăm chỉ lao động, làm ăn chân chính. Công an phường đã phối hợp với một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn có nhu cầu sử dụng lao động trong công tác vệ sinh môi trường để liên hệ việc làm cho tổ tự quản có thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Đến nay các thành viên trong tổ đều có thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Tương tự, trường hợp của anh Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1970 ở phường Tân Sơn. Sau 2 năm chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương với 2 bàn tay trắng, anh Sơn cũng không tránh khỏi mặc cảm, tự ti. Được chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể động viên, chia sẻ, đặc biệt được là thành viên tổ tự quản giúp nhau vượt khó, anh đã được các đoàn thể hỗ trợ cho vay vốn với số tiền 10 triệu đồng để phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng, ổn định việc làm...

Sau gần 2 năm hoạt động, đến nay, thông qua hoạt động của các đề án đã có 881/912 người được phục hồi quyền công dân không tái phạm, đạt tỷ lệ 96,6%; tỷ lệ tái phạm tội 3,4%, giảm 4,7% so với trước khi thực hiện đề án. Trong đó có 144 người nghiện ma túy đã tiến bộ; 200 người đã có việc làm, thu nhập ổn định. Điều quan trọng đó là đề án này không chỉ góp phần xã hội hóa công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm mà đã từng bước xóa được sự kỳ thị, xa lánh của xã hội đối với những người phục hồi quyền công dân, giúp họ vững tin hơn trên con đường hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Chính từ sự quan tâm đó cùng với nghị lực của bản thân, nhiều người lầm lỗi đã xóa bỏ mặc cảm, từ bỏ quá khứ vươn lên trong cuộc sống, trở thành người lao động chân chính.


Bài và ảnh: Mai Hà (Công an tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]