(Baothanhhoa.vn) - Với lý do tàu liên tục hỏng, sản lượng khai thác kém, nhiều ngư dân được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Có không ít chủ “tàu cá 67” đã bị phía ngân hàng khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, sau những bản án của tòa án Nhân dân thì các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trong tỉnh gặp không ít khó khăn trong việc THA đối với chủ “tàu cá 67”...

Khó khăn trong thi hành án đối với chủ “tàu cá 67”

Với lý do tàu liên tục hỏng, sản lượng khai thác kém, nhiều ngư dân được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Có không ít chủ “tàu cá 67” đã bị phía ngân hàng khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, sau những bản án của tòa án Nhân dân thì các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trong tỉnh gặp không ít khó khăn trong việc THA đối với chủ “tàu cá 67”...

Khó khăn trong thi hành án đối với chủ “tàu cá 67”Tàu cá mang số hiệu TH-91646-TS của Lê Văn Còng, xã Hoằng Trường.

Huyện Hoằng Hóa có 6 tàu cá vỏ sắt được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, Agribank Bắc Thanh Hóa - Chi nhánh huyện Hoằng Hóa đã lựa chọn, cho vay đóng mới 4 tàu, với tổng số vốn là 57,41 tỷ đồng. Sau khi thực hiện cho vay vốn, Agribank Bắc Thanh Hóa - Chi nhánh huyện Hoằng Hóa thường xuyên theo dõi, đôn đốc các chủ tàu thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng đã ký. Tuy nhiên, kể từ khi nhận tàu cá và đưa vào hoạt động đến nay, có 3/4 chủ tàu cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, với lý do hoạt động khai thác hải sản không hiệu quả, chi phí sửa chữa tàu tăng cao... Theo báo cáo của Agribank Bắc Thanh Hóa - Chi nhánh huyện Hoằng Hóa, đến nay, tổng dư nợ cho vay đóng mới 4 tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ở huyện Hoằng Hóa hơn 51,813 tỷ đồng. Ngoài Công ty CP Thủy sản Nam Thanh nợ trong hạn, còn lại 3 chủ tàu gồm các ông: Lê Văn Còng, Lê Văn Lực, Trương Đình Sòng cùng trú tại xã Hoằng Trường đang để nợ xấu với tổng dư nợ 40,259 tỷ đồng.

Ngày 2-10-2015, Agribank Bắc Thanh Hóa - Chi nhánh huyện Hoằng Hóa đã cho gia đình ông Lê Văn Còng, ở xã Hoằng Trường, vay số tiền 14,055 tỷ đồng để đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Cố tình chây ỳ không trả nợ, gia đình ông Còng đã bị ngân hàng khởi kiện ra tòa. Theo Bản án số 108/2020/DS-PT ngày 31-12-2020 của Tòa án Nhân dân tỉnh, buộc gia đình ông Còng phải trả toàn bộ số nợ phân kỳ đến hạn chưa trả cho Agribank Bắc Thanh Hóa - Chi nhánh huyện Hoằng Hóa tính đến ngày 16-7-2020, với số tiền 2,444 tỷ đồng và tiền lãi hơn 2,677 tỷ đồng; tiếp tục trả nợ theo phân kỳ trong hợp đồng tín dụng đối với số nợ gốc 11,226 tỷ đồng. Trên cơ sở đơn yêu cầu THA của ngân hàng, cuối tháng 3-2021, Chi cục THADS huyện Hoằng Hóa đã có quyết định THA đối với gia đình ông Còng. Tuy nhiên, kể từ khi ngân hàng có đơn khởi kiện, tàu khai thác hải sản của gia đình ông Còng không về Cảng cá Lạch Trường, khiến cho việc xác minh, kê biên tài sản của cơ quan THADS huyện trở nên gian nan, mất rất nhiều thời gian.

Ông Trần Văn Thắng, Chi cục trưởng Cục THADS huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Chi cục THADS huyện đã gửi văn bản đề nghị lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố trên cả nước phối hợp cung cấp thông tin về tàu khai thác mang số hiệu TH-91646-TS. Ngày 22-5-2021, Trạm Kiểm soát biên phòng Ba Ngòi, Đồn Biên phòng Cam Ranh đã thông tin về tàu cá mang số hiệu TH-91646-TS của ông Còng đã cập cảng Ba Ngòi. Sau đó, Chi cục THADS huyện đã vận động, thuyết phục gia đình đưa tàu cá về khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới, TP Sầm Sơn vào ngày 9-6-2021. Hiện nay, Chi cục THADS huyện đang phối hợp với ngân hàng tiến hành xác minh, kê biên để thực hiện thẩm định giá và bán đấu giá tài sản”. Ông Thắng, Chi cục trưởng Cục THADS huyện Hoằng Hóa cũng cho biết thêm, do tàu sắt là mặt hàng đặc thù nên khi đấu giá rất ít người mua, vì vậy, không loại trừ khả năng phải giảm giá nhiều lần. Mặt khác, quá trình sử dụng, con tàu đã xuống cấp nhanh dẫn đến giá trị không cao. Sau khi thanh lý tài sản, số tiền thu chỉ được một phần nhỏ so với số dư nợ của ông Còng.

Trước đó, vào năm 2018, ông Trương Đình Sòng, xã Hoằng Trường, chủ tàu cá mang số hiệu TH-91645-TS cũng bị Agribank Bắc Thanh Hóa - Chi nhánh huyện Hoằng Hóa khởi kiện ra tòa vì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cả gốc, lẫn lãi theo hợp đồng tín dụng vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Qua tìm hiểu, sau 7 lần giảm giá thì tàu khai thác của ông Sòng mới bán đấu giá thành công, với số tiền hơn 1,221 tỷ đồng. Hiện tại, ông Sòng còn nợ ngân hàng hơn 12,489 tỷ đồng. Đến thời điểm này, gia đình ông không còn tài sản, cơ quan THADS không còn khả năng THA đối với khoản nợ trên.

Thực hiện các nội dung Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Agribank Bắc Thanh Hóa - Chi nhánh huyện Hậu Lộc đã cho 7 ngư dân vay vốn đóng mới 7 tàu cá vỏ gỗ, với số tiền 64 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, có 6 chủ tàu không thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và đang nợ xấu. Theo đó, ngân hàng này đã khởi kiện ra tòa 4 chủ tàu. Đến nay, mới có tàu của ngư dân Trương Văn Hiền, xã Ngư Lộc được bán đấu giá thành công, thu về cho ngân hàng 2,3 tỷ đồng. Số tiền ngư dân Hiền còn nợ phía ngân hàng là 5,74 tỷ đồng. Còn lại tàu cá của các ông: Nguyễn Văn Quỳnh, xã Hòa Lộc đã giảm giá lần thứ 4, với mức giá 2,364 tỷ đồng; tàu cá của ngư dân Trịnh Văn Hùng cũng giảm giá lần thứ 4, với mức giá 2,27 tỷ đồng và tàu cá của ngư dân Đồng Xuân Thảo được định giá 3,7 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa có người tham gia đấu giá.

Cũng như huyện Hoằng Hóa, việc thu hồi nợ đối với các khoản vay đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện Hậu Lộc tương đối khó khăn. Có trường hợp sau khi đấu giá tài sản thành công thì số tiền thu được mới chỉ thanh toán được một phần nhỏ so với khoản nợ mà chủ tàu đã vay và đang dư nợ tại các ngân hàng. Để tiếp tục thu hồi nợ, hiện các chi nhánh Agribank Bắc Thanh Hóa đã và đang chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về những chủ tàu đang nợ xấu. Khi nhận thấy có tài sản, các chi nhánh Agribank Bắc Thanh Hóa sẽ có văn bản yêu cầu cơ quan THADS tiếp tục thực hiện thu hồi tài sản theo quy định.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho vay đóng mới 58 tàu cá bao gồm cả vỏ sắt và vỏ gỗ, với tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng là 653 tỷ đồng, dư nợ gần 600 tỷ đồng. Trong đó, Agribank Bắc Thanh Hóa đã thực hiện cho ngư dân các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc và TP Sầm Sơn vay vốn đóng mới 18 tàu cá, với số tiền là 182 tỷ đồng. Mặc dù trong quá trình đưa “tàu cá 67” vào hoạt động khai thác trên biển, các chi nhánh của Agribank Bắc Thanh Hóa đã tạo hỗ trợ các chủ tàu đấu mối với đơn vị đóng tàu khắc phục những hư hỏng, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ và tạo điều kiện cho vay vốn lưu động để phục vụ hoạt động khai thác. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu đã mang tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và viện nhiều lý do khác nhau để trốn tránh trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng. Vì vậy, các chi nhánh của Agribank Bắc Thanh Hóa đã khởi kiện 7 chủ tàu ra tòa để thu hồi nợ.

Có thể nói, việc THA đối với chủ “tàu cá 67” của các cơ quan THADS đang gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, các khoản nợ xấu của ngân hàng đối với đối tượng khách hàng này bị “đóng băng”, vì phía đương sự không còn khả năng chi trả.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]