(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, các huyện miền núi đã tích cực triển khai chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào phát triển sản xuất. Từ đó, có nhiều chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất của người dân, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao... Tuy nhiên, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở các huyện miền núi

Những năm qua để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, các huyện miền núi đã tích cực triển khai chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào phát triển sản xuất. Từ đó, có nhiều chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất của người dân, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao... Tuy nhiên, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở các huyện miền núiMô hình ứng dụng kỹ thuật cắt ghép cây ăn quả của người dân xã Xuân Phúc (Như Thanh).

Năm 2018, Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Thanh tiến hành rà soát, khảo sát thực tế về cây ăn quả tại các xã trên địa bàn. Qua đó cho thấy, số lượng cây nhãn có độ tuổi từ 6 đến 30 năm và giống bưởi chua, bưởi Mỹ... tương đối nhiều; tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí nhiều năm không cho thu hoạch. Trước tình hình đó, huyện hội đã vận động người dân trên địa bàn thực hiện cải tạo các loại cây nhãn, bưởi... ứng dụng kỹ thuật ghép mắt bằng các giống có chất lượng cao hơn; bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cắt ghép và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả sau khi thực hiện cắt ghép. Anh Lê Đắc Duẩn, một trong những hộ gia đình xã Phú Nhuận áp dụng thành công kỹ thuật này, cho biết: "Sau thời gian thực hiện, tôi nhận thấy cây ghép sinh trưởng và phát triển tốt nhờ bộ rễ gốc ghép; có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai của cây gốc ghép; tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh và với nhiều điều kiện thời tiết bất lợi. Nếu thực hiện cắt ghép đúng kỹ thuật sau một năm có thể cho quả có chất lượng tốt, năng suất cao hơn cây trồng cũ từ 40 đến 50%. Được biết, toàn huyện có 8 xã, thị trấn đã thực hiện ghép hơn 15 nghìn mắt; trong đó, có 12 nghìn mắt nở, đạt hơn 91%, các chồi ghép đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Tại Như Xuân, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các tiến bộ KHKT mới, hàng năm, huyện đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, như tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các HTX dịch vụ nông nghiệp phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất. Do đó, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp của huyện đạt hiệu quả ở hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Theo đó, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất, như TBR279, Bắc Thịnh, TBR45, Nhị Ưu 986..., áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ NETTAFIM... để phát triển cây ăn quả. Trong chăn nuôi, cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đưa giống mới thuần ngoại Landrace, hướng dẫn người dân làm hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm balasa... Đồng thời, phát triển các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, như gà Lương Phượng, gà Lạc Thủy, vịt bầu Thanh Quân, vịt Cổ Lũng... Từ đó, góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là chủ động được nguồn giống có chất lượng cho các hộ chăn nuôi.

Từ các mô hình cho thấy, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã khẳng định được ưu thế vượt trội và yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị của sản phẩm. Đồng thời, nâng cao kỹ thuật canh tác và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT được triển khai, nhân rộng cũng đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với diện tích sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất của người dân nên việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Thực tế cho thấy, số hộ dân ứng dụng KHKT vào sản xuất chưa nhiều do thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân không đều nên việc áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng còn hạn chế. Hầu hết, người dân còn lệ thuộc vào tập quán canh tác cũ, lạc hậu, tư tưởng sản xuất còn nhỏ lẻ nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ KHKT.

Thời gian tới, để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KHKT, các địa phương tiếp tục khuyến khích người dân thay đổi tập quán canh tác, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Phối hợp với các doanh nghiệp cùng tổ chức, nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ và đẩy mạnh các hình thức sản xuất theo chuỗi, theo hướng liên kết giữa các tổ chức và nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, người nông dân cũng cần mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, nâng khả năng cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]